Giải pháp nào trước cảnh báo nguy cơ trẻ tự hủy hoại bản thân?

Hà Ánh
Hà Ánh
28/12/2022 07:05 GMT+7

Kết quả khảo sát với hơn 3.400 trẻ vị thành niên và nghiên cứu sàng lọc lần 1 cho thấy, hơn 37% (tương đương 1.289 trẻ vị thành niên) ở các đô thị phía nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân.

Sáng 27.12, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học chăm sóc sức khỏe tinh thần.

Thạc sĩ Mai Mỹ Hạnh, Phó trưởng khoa Tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết đã thực hiện nghiên cứu về thực trạng “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam VN”. Kết quả khảo sát với hơn 3.400 trẻ vị thành niên và nghiên cứu sàng lọc lần 1 cho thấy, hơn 37% (tương đương 1.289 trẻ vị thành niên) ở các đô thị phía nam có nguy cơ tự hủy hoại bản thân. Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu sàng lọc lần 2 cho thấy 6,1% (213 trẻ vị thành niên) cố ý tự thực hiện hành vi gây hại, gây tổn thương, thương tích chính mình (1 - 4 lần/năm).

Kết quả khảo sát “Hành vi tự hủy hoại bản thân của trẻ vị thành niên ở các đô thị phía nam Việt Nam” được chia sẻ tại hội thảo

hà ánh

Về mức độ tự hủy hoại bản thân, thạc sĩ Mỹ Hạnh chỉ ra rằng, hơn 53% trẻ vị thành niên ở đô thị phía nam thực hiện hành vi này ở mức trung bình. Nhưng đáng chú ý có 5,6% tự hủy hoại bản thân ở mức nặng, xu hướng biểu hiện trẻ vị thành niên thực hiện rất thường xuyên (từ 12 lần trở lên/năm), để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

Từ thực tế đó, thạc sĩ Mỹ Hạnh nêu ra 3 nhóm biện pháp phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ. Theo bà Hạnh, cần có biện pháp nâng cao nhận thức, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ vị thành niên cũng như tham vấn tâm lý cho học sinh (HS) có nguy cơ cao. Riêng với biện pháp nâng cao nhận thức, thạc sĩ Hạnh cho rằng cần áp dụng với phụ huynh và các lực lượng giáo dục về hành vi tự hủy hoại bản thân ở trẻ vị thành niên hiện nay. Bên cạnh đó cần nâng cao nhận thức cho trẻ vị thành niên, tích hợp các nội dung về phòng ngừa hành vi tự hủy hoại bản thân vào chương trình giáo dục công dân và hoạt động trải nghiệm.

Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TP.HCM), cho rằng vấn đề sức khỏe tâm thần của HS đang và sẽ tiếp tục có chiều hướng rất phức tạp. Trước thực trạng đó đòi hỏi chúng ta cần có những hành động cụ thể.

Từ những ý kiến chuyên gia, ông Trọng cho rằng để chăm sóc sức khỏe tinh thần HS thì quan trọng nhất là phòng ngừa để HS không rơi vào tình trạng khủng hoảng khó khăn về tâm lý. Trong đó, trách nhiệm của ngành giáo dục trong việc phòng bệnh này cũng rất lớn.

Bên cạnh vị trí nhân sự chuyên trách về tham vấn học đường ở mỗi trường học, theo ông Trọng, việc chăm sóc sức khỏe tinh thần HS còn là nhiệm vụ của tất cả thầy cô giáo. “Kỳ vọng chương trình đào tạo các trường sư phạm quan tâm đến vấn đề này để người tốt nghiệp ngành sư phạm có kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể chăm sóc sức khỏe tinh thần cho HS”, ông Trọng bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.