Sau khi khép lại năm 2022 với doanh số bán hàng đạt mức kỷ lục (hơn 500.000 xe), thị trường ô tô Việt Nam bất ngờ chững lại, doanh số bán liên tiếp sụt giảm ngay từ bước "chạy đà" cho năm 2023.
Đã 3 tháng liên tiếp, doanh số bán ô tô của các thành viên thuộc Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng như TC Motor (đơn vị lắp ráp phân phối xe Hyundai tại Việt Nam) sụt giảm và có nguy cơ "tiếp đà lao dốc" trong những tháng tới.
Chính vì vậy, mới đây Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), UBND các tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ KH-ĐT, Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề xuất một số chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu thụ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; trong đó có chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Ô tô năm 2022: Doanh số kỷ lục, Toyota và Hyundai lại "đua song mã"
Chính sách này mới đang ở giai đoạn kiến nghị, đề xuất nhưng nhận được nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô cũng như khách hàng tại Việt Nam. Bởi thực tế những năm trước đây cho thấy, việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước đã trở thành "bài thuốc" hữu hiệu góp phần "cứu" thị trường ô tô khỏi nguy cơ khủng hoảng.
Cụ thể, vào năm 2020 khi thị trường ô tô Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Trong lần đầu tiên được triển khai, chính sách này có hiệu lực từ ngày 29.6.2020 đến hết ngày 31.12.2020. Bước sang năm 2021, khi các doanh nghiệp ô tô vẫn đang vật lộn với khó khăn do hậu quả của đại dịch Covid-19 để lại, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ một lần nữa được ban hành thông qua Nghị định 103, có hiệu lực từ ngày 1.12.2021 đến ngày 31.5.2022.
Trong hai lần được áp dụng, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã tạo ra những hiệu ứng tích cực, góp phần kích thích tâm lý mua sắm ô tô của người dân, đồng thời giúp các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ô tô lấy lại đà tăng trưởng doanh số. Tuy nhiên, nếu được thông qua và ban hành trong thời gian tới, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ liệu có một lần nữa đủ sức để vực dậy thị trường ô tô Việt Nam vốn đang có nhiều "nút thắt" do những biến động của nền kinh tế (!?)
Về lý thuyết, một chuyên gia trong ngành nhận định, khi thị trường ô tô chững lại việc có những chính sách để khuyến khích, kích cầu tiêu dùng là điều đáng mừng với các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng. Bởi, dù ít nhiều tất cả đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường ô tô hiện nay, cần có nhiều giải pháp đồng bộ và tháo gỡ đúng nút thắt mới thực sự mang lại hiệu quả.
Vị này chỉ ra rằng, thị trường ô tô cũng như nhiều ngành nghề khác hiện nay đang tiếp tục chịu sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất ngân hàng gia tăng… khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu đối với những mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ô tô. Vì vậy, nếu chỉ giảm lệ phí trước bạ cũng khó có thể thuyết phục người dân đẩy mạnh mua sắm ô tô khi dòng tiền đang tác nghẽn và chính sách tín dụng đang được các ngân hàng thắt chặt, lãi suất cho vay mua xe cũng đang ở mức cao hơn so với trước đây.
Thực tế những tháng gần đây, nhiều doanh nghiệp sản xuất, phân phối ô tô tại Việt Nam đã và đang nỗ lực áp dụng chính sách giảm giá thông qua việc ưu đãi, hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe. Thậm chí, có hãng còn sẵn sàng hỗ trợ 100% lệ phí trước với nhiều mẫu mã nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy doanh số vẫn không được cải thiện là bao.
Đà sụt giảm doanh số bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái với mức giảm 0,5%, sang tháng 12.2022 giảm 3% và tiếp tục giảm tới 51% trong tháng mở đầu năm 2023. Nhiều đại lý cho biết, tình hình trong tháng 2.2022 cũng không mấy khả quan, thậm chí sức mua của toàn thị trường có thể giảm thêm 10 - 15%.
Ở khía cạnh nhà phân phối ô tô, ông Nguyễn Quang Khải - Giám đốc kinh doanh đại lý Phú Mỹ Ford cho biết: "Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất lắp ráp trong nước nếu tiếp tục được triển khai sẽ mang đến nhiều thuận lợi và tạo động lực kích cầu cho thị trường nhưng đó chỉ là một yếu tố. Thực tế vẫn cần các giải pháp đồng bộ từ chính sách tín dụng cũng như những chương trình khuyến mãi từ đại lý phân phối".
Những năm trước đây cho thấy, sau khi Chính phủ ban hành chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước, nhiều đại lý đã cắt hết ưu đãi khiến người tiêu dùng ít nhiều chịu thiệt thòi.
Theo ông Vũ, việc thị trường bất động sản đóng băng đang khiến dòng tiền bị tắc nghẽn. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay mua xe hiện vẫn ở mức cao. Không chỉ là vấn đề phí trước bạ có giảm hay không, hiện tại đa số khách hàng tỏ ra e dè nhiều yếu tố khác và cân nhắc khá kỹ trước khi đưa ra quyết định mua xe.
"Hiện tại chi phí sinh hoạt và nhiều mặt hàng tăng cao cũng tác động đến tâm lý, khiến không ít người sẽ cân nhắc có nên mua ô tô ở thời điểm này. Vì vậy, để có thể vực dậy sức mua trên thị trường ô tô, bên cạnh việc giảm lệ phí trước bạ, Chính phủ cũng cần xem xét tháo gỡ khó khăn, khơi thông dòng vốn cho thị trường đất động sản. Ngoài ra, lãi xuất cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần được giảm", ông Vũ chia sẻ thêm.
Sau giai đoạn tăng trưởng, thị trường ô tô Việt Nam giờ đây đang đối mặt với không ít khó khăn để có thể đạt được những mục tiêu doanh số. Nhiều kiến nghị, đề xuất đã được các đưa ra, các nhà sản xuất kinh doanh cũng đang nỗ lực giảm giá kích cầu… trong khi đó áp lực lạm phát, lãi suất vay tăng cao vẫn đang khiến nhiều người Việt tạm gác lại kế hoạch mua sắm xe hơi.
Bình luận (0)