'Giám sát, phản biện chưa tương xứng với quy định của Hiến pháp'

Lê Hiệp
Lê Hiệp
19/09/2019 17:58 GMT+7

GS TS Trần Ngọc Đường cho rằng, để khắc phục những khiếm khuyết của nền dân chủ nhất nguyên cần phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân một cách thực chất hơn nữa.

Giám sát, phản biện còn hình thức, chưa thực chất  

Tham gia ý kiến tại phiên thảo luận với chủ đề thực hiện dân chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; giám sát và phản biện xã hội; tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 19.9, GS TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho rằng giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ, chức năng mới và được Hiến pháp 2013 thể chế hóa.
“Giám sát và phản biện xã hội là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước từ phía nhân dân mà hiến pháp năm 2013 tạo ra. Một cơ chế kiểm soát từ bên ngoài đối với việc thực hiện quyền lực nhà nước”, GS Đường nói.
Theo ông Đường, nhận thức được điều này thì quá trình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc sẽ tốt hơn, phát huy được bản lĩnh. “Bởi giám sát, phản biện nếu không có bản lĩnh thì không thể làm nổi vì nó động tới lợi ích”, GS Đường nhìn nhận.
Theo GS Đường, với nhận thức đó, trong những năm qua, Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc với 18 thành viên do ông làm chủ nhiệm đã làm được một số việc như phản biện dự án luật Phòng chống tham nhũng, luật Đặc khu kinh tế... có tác dụng nhất định đối với các cơ quan lập pháp.

Các đại biểu tham dự phiên thảo luận

Ảnh Ngọc Thắng

Tuy nhiên, GS Đường cho rằng, việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện của Mặt trận vẫn chưa tương xứng với những gì Hiến pháp quy định. “Tức là mong muốn của Đảng và mong muốn của chúng ta là phải làm tốt hơn”, GS Đường đánh giá.
Theo GS Đường, trong điều kiện một hệ thống chính trị nhất nguyên như nước ta, nếu không phát huy được vai trò giám sát phản biện với tư cách một phương thức kiểm soát quyền lực Nhà nước, sẽ khó góp phần xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước, phát huy dân chủ, phát huy quyền lực của nhân dân.
“Có thể nói rằng, trong hệ thống chính trị nhất nguyên có những mặt rất tốt tạo cho xã hội ổn định, nhưng cũng có những khiếm khuyết của nó. Để khắc phục những khiếm khuyết của nền dân chủ nhất nguyên chúng tôi nghĩ phải phát huy vai trò giám sát phản biện một cách thực chất hơn nữa”, GS Đường phân tích và nói thêm, ông vẫn thấy việc giám sát, phản biện “vẫn còn cái gì đó hình thức, chưa thực chất”.

Làm rõ trách nhiệm cơ quan nhà nước trong tiếp thu phản biện

Theo GS Đường, qua 5 năm hoạt động của Hội đồng tư vấn dân chủ, pháp luật, bản thân ông thấy cơ sở pháp lý để thực hiện chức năng giám sát, phản biện vẫn thiếu nhiều, chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện, do đó chưa tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho Mặt trận Tổ quốc hoạt động.
Từ những phân tích trên, GS Đường đề nghị phải hoàn thiện xây dựng và hoàn thiện hơn cơ chế kiểm soát quyền lực từ phía nhân dân, cũng là từ phía Mặt trận Tổ quốc. Bên cạnh đó, GS Đường kiến nghị, cần phải tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp mà Hiến pháp đã quy định nhưng chưa được thể chế hóa.
Ngoài ra, GS Đường đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc tiếp thu những phản biện và khắc phục như thế nào. “Hiện nay, phản biện xong rồi thì kết quả thế nào, các đối tượng giám sát không trả lời, không phản biện trở lại làm cho tác dụng của việc phản biện chưa rõ”, GS Đường nêu.
“Chúng tôi mong muốn là tiếp tục hoàn thiện cơ chế pháp lý mà như trong báo cáo chính trị trình ra Đại hội có đề xuất là phải xây dựng luật về giám sát phản biện xã hội của nhân dân. Hiện nay, luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có 2 chương, mỗi chương có 5 - 6 điều thì chưa đầy đủ, chưa thể hiện hết”, GS Đường nói.

Nghiên cứu xây dựng luật về hoạt động giám sát của nhân dân

Báo cáo chính trị của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Tổng thư ký Hầu A Lềnh trình bày tại Đại hội Mặt trận Tổ quốc sáng 19.9 cũng khẳng định, công tác giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận mới chỉ tập trung nhiều ở cấp T.Ư và cấp tỉnh; hoạt động giám sát ở cấp huyện và cơ sở chất lượng, hiệu quả chưa cao, chưa tổ chức được nhiều chương trình giám sát độc lập; chưa có cơ chế, quy trình thích hợp phát huy vai trò giám sát thường xuyên của nhân dân. Việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát còn chưa kịp thời, thiếu quyết liệt.

Ở một số nơi, Mặt trận chưa thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; chưa đề xuất, tham mưu tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân. Nội dung, hình thức và giải pháp công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ở một số địa phương chưa rõ nét, kết quả còn hạn chế. Từ đó, báo cáo chính trị đề nghị nghiên cứu đề xuất xây dựng dự án luật về hoạt động giám sát của nhân dân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.