Giãn cách nhưng không đứt mạch

19/08/2021 04:50 GMT+7

Nông sản đang ùn ứ ở nhiều tỉnh thành, bất chấp nỗ lực của chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác 970, trang web kết nối cung cầu sản phẩm của tổ giúp tiêu thụ thành công 200 - 400 tấn hàng mỗi ngày, chủ yếu là nông sản, thủy sản. Có 30 đơn vị, địa phương xác nhận tiêu thụ được nông sản qua kết nối từ trang web này. Phải khẳng định đây là sáng kiến rất thiết thực của Tổ công tác 970. Thế nhưng cũng trong thời gian này, ở thủ phủ rau quả trái cây Đà Lạt, Đắk Lắk... thì hàng ngàn tấn bơ, sầu riêng, rau củ vẫn đau đáu nỗi lo tìm đầu ra. Bởi nguyên nhân nông sản tắc nghẽn, không chỉ vì người mua - người bán chưa gặp nhau mà còn vì nhiều lý do khác.
Đầu tiên, vẫn là lưu thông. Dù luồng xanh được mở trên toàn quốc, việc vận chuyển giữa các địa phương đã thông thoáng hơn nhưng trên thực tế, đây vẫn là nút thắt đối với nhiều nhà cung cấp. Theo phản ánh từ các hiệp hội, doanh nghiệp, dù xe có mã QR nhưng vẫn bị các chốt kiểm dịch làm khó. Nếu luồng xanh chưa thông suốt thì việc kết nối cung - cầu, chẳng phải cũng phí tâm sức của những người có trách nhiệm, có tâm huyết? Luồng xanh liên tỉnh khó, luồng xanh nội tỉnh, ở nhiều nơi cũng không đơn giản. Những hạn chế về giao nhận, cước phí hay những “vùng xanh” chỉ nhân viên y tế mới được phép đi ra, không bao gồm nhân viên siêu thị... cũng góp thêm một barie trong tiêu thụ nông sản.
Một yếu tố quan trọng nữa phải tính đến là nhu cầu tiêu dùng đang có dấu hiệu giảm. Hạn chế đi chợ, giá hàng hóa thiết yếu tăng, cước giao nhận đội gấp nhiều lần trong khi thu nhập giảm... khiến nhiều bà nội trợ phải tính toán. Gạo, thịt, rau... có thể không cắt nhưng trái cây, tôm, hải sản... chắc chắn đã được nhiều người gạt ra khỏi “giỏ” thực phẩm nhà mình. Thế nên, bài toán tìm đầu ra cho nông sản phải được tính trên tổng thể các nguyên nhân, trong đó không thể thiếu câu chuyện sức mua. Bên cạnh tiếp tục “xanh hóa” luồng xanh để thông thương cung - cầu ở cả liên tỉnh và nội tỉnh, cần có những giải pháp giảm tối đa chi phí không cần thiết để hàng hóa đến tay người tiêu dùng có mức giá hợp lý nhất. Rõ ràng nông sản nhiều nơi đang có giá rất rẻ nhưng ở TP, người tiêu dùng vẫn phải mua đắt đỏ.
Và một yếu tố không thể thiếu khi muốn kích thích tiêu dùng là tăng thu nhập cho người dân thông qua các gói hỗ trợ và điều chỉnh thuế. Hiện người làm công ăn lương vẫn bị gạt ra khỏi danh sách hỗ trợ trong khi thu nhập thực tế của họ đã giảm rất nhiều. Nếu được miễn, giảm thuế, có thêm một khoản, chắc chắn họ sẽ nới tay chi tiêu hơn. Tương tự, gói hỗ trợ cho người nghèo, người khó khăn cũng
cần kéo dài thêm để họ an tâm “ở đâu ở đó” phòng chống dịch. Kích thích tiêu dùng sẽ kích hoạt sản xuất, giữ công ăn việc làm cho người lao động, góp phần tăng trưởng kinh tế và khi đó, thuế cũng sẽ có nguồn thu trở lại.
Giãn cách mà không đứt mạch phân phối, sản xuất cũng chính là mục tiêu của Chính phủ mà trong quá trình vận hành, đôi lúc chúng ta lại “nhẹ” mất vế sau.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.