Ông Lê Công Uẩn, nguyên Trung đoàn trưởng 920 của Trường Sĩ quan không quân, nhớ lại cuộc nói chuyện với người phi công chế độ cũ cuối tháng 5.1975: “Tôi bảo giờ đất nước đã thống nhất, anh phải cùng chúng tôi giữ gìn sự thống nhất đó, không để bọn Polpot giết dân ta. Khi ấy anh ta mới đồng ý về trường giúp… giáo viên làm chủ máy bay chiến lợi phẩm”.
“Cùng giữ gìn thống nhất”
Ngay sau khi chuyển từ Trung Quốc về lại Việt Nam, cuối tháng 10.1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định chấn chỉnh Trường Sĩ quan không quân (SQKQ) với 2 trung đoàn 910, 920 tiếp quản sân bay Nha Trang, Cam Ranh và Phan Rang. Ngoài “tài sản” mang vào từ các sân bay phía bắc (42 chiếc Mig-17, L-29; 50 xe đặc chủng, trên 100 tấn khí tài khác), nhà trường còn được giao 117 máy bay chiến lợi phẩm (gọi tắt là “hệ 2”) T-41, U-17, UH-1, A-37, C-37 và yêu cầu “đưa vào làm nhiệm vụ chiến đấu”.
Đại tá Lữ Thông, nguyên Trưởng phòng Quân huấn, Quân chủng Phòng không - Không quân (QCPKKQ), nhớ lại những ngày đầu là giáo viên Trường SQKQ tiếp quản miền Nam: Được giao nhiệm vụ đào tạo, bổ túc phi công sơ cấp, chuyển lên bay UH-1, C-47, Mig-17, đào tạo nhân viên dẫn đường, cơ giới trên không… nhưng việc đầu tiên trường phải làm là thu hồi, bảo vệ vật tư tài sản ở khu vực tiếp quản. Do yêu cầu phát triển nhanh nên đội ngũ thợ kỹ thuật thiếu nghiêm trọng, trường phải sử dụng trên 100 nhân viên chế độ cũ (gọi là tạm tuyển) để đảm bảo máy bay “hệ 2” và dần đưa cán bộ chiến sĩ ta thay thế.
|
117 máy bay “hệ 2” thu hồi, chỉ khôi phục sửa chữa được 58 chiếc và đưa vào huấn luyện 27 chiếc (3 chiếc A-37, 10 chiếc UH-1, 6 chiếc T-41 và 4 chiếc U-17).
Để lái được máy bay “hệ 2” thì phải có giáo viên dạy bay. Hồi ấy, Trung đoàn trưởng 920 Lê Công Uẩn được nhà trường giao “nhiệm vụ đặc biệt”: Đi tìm phi công của chế độ cũ bay thành thạo, thuyết phục họ về dạy mình. Lọ mọ cả tháng, tình cờ trong chuyến công tác khảo sát các loại máy bay “hệ 2” ở sân bay Cần Thơ, ông Uẩn gặp phi công Nguyễn Văn Nghiêm quê ở ngay TP.Nha Trang, rất thành thạo máy bay T-41 và U-17.
Ban đầu, ông Nghiêm nằng nặc từ chối, nhưng khi nghe kể chuyện quê hương và nhất là lời khẩn khoản: “Giờ đất nước đã thống nhất, anh phải cùng chúng tôi giữ gìn sự thống nhất đó, không để bọn Polpot giết dân ta ngoài biên giới Tây Nam như mấy tháng qua”, ông Nghiêm mới gật đầu. Được cấp trên đồng ý, ông Uẩn lập tức đưa ông Nghiêm về làm giáo viên hướng dẫn bay cho tất cả cán bộ phi công của trường trên máy bay “hệ 2”.
Từ tài liệu thu được, giáo viên Lữ Thông soạn các bài lý thuyết bay T-41 và U-17. Phi công Nguyễn Văn Nghiêm, ngay tuần đầu tiên làm việc đã hướng dẫn việc sử dụng thiết bị trên buồng lái và bảo hiểm cho các cán bộ phi công nhà trường bay cất hạ cánh 3 lần và bay 30 phút không vực. Từ ông Nghiêm và các cán bộ ban đầu, trường đã nhân thêm cho các giáo viên khác trên cả 2 loại T-41, U-17.
“Ếch cõng nhái”
Lứa những phi công được đào tạo ở Trường SQKQ sau ngày giải phóng thường nói vậy, khi hồi tưởng lại quá trình học tập hơn 40 năm về trước. Đại tá Nguyễn Anh Sơn, nguyên Chủ nhiệm bay của Lữ đoàn Không quân 918, QCPKKQ, giải thích: Gọi là “thầy” nhưng có khi chỉ học khóa trước, hơn vài tuổi. Các thầy chủ yếu ngoài Bắc vào hoặc bên nước ngoài về, mới hoàn thành chuyển loại máy bay “hệ 2”, chưa quen với quy luật khí tượng trong miền Nam và nhất là yêu cầu đào tạo gấp, nên mỗi chuyến bay huấn luyện, thực sự là cùng “cầm tay học việc”.
Đại tá Nguyễn Anh Sơn đúng gốc “quân khu Nam Đồng” Hà Nội là khóa học viên bay đầu tiên của Trường SQKQ sau ngày giải phóng (khóa 10, khai giảng ngày 1.10.1975 tại TP.Nha Trang, Khánh Hòa). Do khóa học của đại tá Sơn là chương trình đào tạo phi công trình độ trung cấp chỉ trong thời gian 30 tháng, nên cuối năm 1976, khi mới 18 tuổi, ông đã bước vào bay đơn (bay 1 mình) trên máy bay T-41.
Sau khi đã “thả đơn” được 2 - 3 chuyến, buổi chiều ngày cuối năm 1976, học viên Nguyễn Anh Sơn 18 tuổi bay đơn huấn luyện biên đội cùng máy bay của giáo viên Nguyễn Duy Lê khi đó mới 25 tuổi. Vừa rời đường bay theo thầy thì nhận khẩu lệnh: “Thời tiết xấu đột ngột, đề nghị dừng bay”. Máy bay đã cất cánh, chỉ còn cách bám theo thầy… áng chừng ở khoảng cách gần 2.000 m, mây mù che kín xung quanh. Toát mồ hôi vì không thấy điểm tiêu đường bay, trong khi với khoảng cách - tốc độ hiện tại rất dễ đâm vào Hòn Tre, bất ngờ học viên nhận ra giọng thầy Lê nhẹ nhàng gọi thẳng tên, không theo số hiệu như quy định: “Sơn bình tĩnh, nghe thầy dặn này”…
Khi đã vượt khỏi nguy hiểm trong tích tắc, tìm được điểm chuẩn và hạ cánh xuống sân bay Nha Trang, học viên Nguyễn Anh Sơn ngồi bệt cạnh máy bay nén cảm xúc, đồng thời thầy Nguyễn Duy Lê hạ cánh ngay cạnh, nhảy xuống đến ôm vai: “Em rất dũng cảm xử lý tình huống. Chúc mừng em đã chính thức trở thành phi công”. “Những người thầy như người bạn, người anh, thậm chí là người mẹ. Có vậy chúng tôi mới trưởng thành”, đại tá Nguyễn Anh Sơn khẳng định, khi kể về thầy mình: đại tá Nguyễn Duy Lê, nguyên Trưởng phòng An toàn bay QCPKKQ, năm nay 69 tuổi, đang ở Hội An.
Ở Trường SQKQ, những người thầy truyền thụ bản lĩnh, lòng dũng cảm và sau đó mới là kỹ năng điều khiển cho học viên, đại tá Phạm Văn Đông, nguyên Phó chính ủy Trường SQKQ, khái quát với tôi và bảo: Khẩu hiệu “Từ nhà trường ra chiến trường” đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. Đất nước thống nhất từ 1975, nhưng trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, bảo vệ biên giới phía bắc, bảo vệ Trường Sa… lực lượng giáo viên bay đồng thời là phi công phản lực, vận tải, trực thăng luôn sẵn sàng tham gia chiến đấu và đã tham gia nhiều nhiệm vụ. Đơn cử: Ngay sau ngày 17.2.1979, Trường SQKQ đã tháo gỡ, vận chuyển 8.000 tấn tấm ghi công sự máy bay, hàng nghìn quả bom và hàng trăm tấn đạn phục vụ cho chiến đấu ở biên giới phía bắc…
Tình nghĩa quân dân
Những ngày đầu ở vùng đất mới giải phóng, người dân Nha Trang dần quen với “các chú bộ đội giải phóng” đeo quân hàm cánh én, cứ cuối tuần là từng tốp đứng im trên hè phố ngắm… nhà cao tầng. Không ít người dân ban đầu cười: “Bộ đội miền Bắc không lái được máy bay Mỹ”, nên vào những ngày huấn luyện, đầu sân bay Nha Trang đông nghẹt người xem. Thấy “bộ đội miền Bắc” bay thành thạo, bà con hết thảy thán phục và còn đề nghị vào tận sân bay để… sờ người lái, máy bay khiến nhà trường sau đó phải tổ chức mấy đợt cho nhân dân vào thăm.
Các thế hệ phi công máy bay “hệ 2” của Trường SQKQ vẫn nhớ sự kiện: ngày 15.5.1978, trong khi bay huấn luyện, chiếc máy bay T-41 do giáo viên Đoàn Văn Kiểu và học viên Trần Hữu Phúc bị rơi xuống biển khu vực Hòn Nội (TP.Nha Trang). Hai phi công thoát ra khỏi máy bay, bơi giữa biển. Cha con ông Văn Ba (P.Vĩnh Trường, TP.Nha Trang) đang đánh bắt cá gần đó, thấy máy bay ta gặp nạn đã nhanh chóng chèo thuyền đến cứu hai phi công và đưa vào đất liền an toàn. Ngồi kể chuyện với tôi, ông Ba móm mém: “Hồi ấy thương giải phóng nắng cũng bay mưa cũng bay. Giờ phố xá đông đúc, xe cộ kẹt cứng khách du lịch đến ăn chơi. Lại càng thương bộ đội vẫn bay trên những máy bay ấy”...(còn tiếp)
Từ tháng 10.1980, Trường SQKQ cử đoàn giáo viên phi công sang Tiệp Khắc học chuyển loại máy bay L-39. Tháng 2.1981, cán bộ kỹ thuật của trường phối hợp với chuyên gia Tiệp Khắc trực tiếp lắp ráp 24 máy bay L-39 tại Đà Nẵng. Tháng 4.1981, trường lắp ráp toàn bộ 24 chiếc L-39 được Tiệp Khắc viện trợ, đưa về sân bay Nha Trang để đảm bảo cho số phi công bay hồi phục sau khi ở Tiệp về.
Ngày 3.6.1981, Trường SQKQ tốt nghiệp khóa 1A đào tạo cơ bản phi công phản lực đầu tiên trong nước. VN là nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tự tổ chức đào tạo được phi công chiến đấu trên loại máy bay siêu âm phản lực.
|
Bình luận (0)