Giáng sinh năm ấy...

Lê Thanh
Lê Thanh
22/12/2019 18:32 GMT+7

Cho dù là người có đạo hay ngoại đạo, Giáng sinh là dịp để mọi người hòa vào không khí rộn ràng, cùng chúc cho nhau câu 'Giáng sinh vui vẻ, an lành' cũng như kể cho nhau nghe về những kỷ niệm khó phai...

Anh Đặng Quang Vinh, ngụ tại TP.Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), nhớ lại: “Mùa Giáng sinh năm 1997, khi ấy tôi đang là sinh viên năm nhất của Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM. Giáng sinh năm ấy, tôi nhớ mình đang ở trọ tại một ký túc xá tư nhân ở cuối con đường Trần Kế Xương, P.7, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), có rất đông sinh viên ở tỉnh tá túc”.

Không khí Giáng sinh lung linh trên các cung đường, góc phố giữa Sài Gòn

Lê Thanh

Lội bộ từ Q.Phú Nhuận qua mút xóm đạo ở Q.8 chơi Noel

Rồi anh Vinh kể: “Đêm Noel (tối 24.12) năm ấy, cả nhóm sinh viên khoảng hơn 20 bạn rủ nhau ra nhà thờ Đức Bà (Q.1) chơi Giáng sinh, chủ yếu xem không khí Noel ở Sài Gòn nhộn nhịp như thế nào. Cả nhóm định đi bằng xe đạp nhưng nghe mọi người khuyến cáo ra đó sẽ không có chỗ gửi xe, nếu có thì họ cũng lấy phí giữ xe rất cao nên cả nhóm quyết định cuốc bộ. Đến Nhà thờ Đức Bà ngồi chơi một lúc, khoảng độ hơn 8 giờ thì chúng tôi nghe mọi người nói Noel ở bên xóm đạo đường Phạm Thế Hiển (Q.8) rất vui nên cả nhóm quyết định cùng đi cho biết...xóm đạo”.
Anh Vinh chia sẻ: “Hồi đó sinh viên ở tỉnh mới vào Sài Gòn học năm nhất được vài tháng nên trong nhóm tụi tui đâu có ai rành đường sá. Thế là, cả nhóm cứ đi một đoạn rồi hỏi mọi người, cứ hỏi tới hỏi tới vậy đó. Rồi nghe nói gần tới rồi đó mà đi hoài sao chưa thấy tới. Có vài bạn trong nhóm mỏi chân quá nên muốn bỏ cuộc nhưng cả nhóm động viên nói lỡ rồi, giờ quay lại tiếc lắm”.

Mọi người đổ về xóm đạo trên đường Phạm Thế Hiển, Q.8 (TP.HCM) để đón Gián sinh

Khả Hòa

Anh Vinh kể tiếp: “Khi cả nhóm đến được xóm đạo thì đã hơn 10 giờ đêm. Lần đầu tiên không chỉ có tôi mà cả nhóm ngỡ ngàng vì 2 bên con đường Phạm Thế Hiển lung linh ánh đèn Noel. Cảm giác của tôi lúc đó con đường huyền ảo như trong cổ tích. Hầu như nhà nào cũng trang trí hang đá rất đẹp”.
“Khi tôi quay lại nhìn đoạn đường mình vừa đi qua thì thấy dòng người từ khắp nơi đổ về con đường Phạm Thế Hiển càng lúc càng đông nghịt. Cả nhóm sinh viên tui tôi cũng say sưa xem khung cảnh Noel lung linh và khi xem đồng hồ thì đã gần 12 giờ đêm. Mọi người giật mình và ngán ngẫm khi nghĩ đến cảnh cuốc bộ từ Q.8 về đến phòng trọ ở tận Q.Phú Nhuận nhưng không còn cách nào khác là phải lết về chứ biết làm sao. Trời ơi, về đến nhà trọ hơn 2 giờ sáng. Hôm sau có bạn  bỏ ăn luôn 2 bữa vì  ngủ đến 5 giờ chiều luôn mới dậy. Bây giờ cứ đến mùa Giáng sinh tôi không bao giờ quên kỷ niệm lần đầu tiên đi chơi Noel ở Sài Gòn cách đây 22 năm”.

"Có một mùa Giáng sinh tôi đã mặc rất nhiều áo len giữa Sài Gòn"

Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, công tác tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, chia sẻ: “Tôi là người có đạo và có một mùa Giáng sinh tôi đã mặc rất nhiều áo len giữa Sài Gòn. Sài Gòn khi đó không lạnh, còn tôi thì rất ấm áp”.
Thạc sĩ Xuân Dung kể: “Là con gái Huế, thuở nhỏ mẹ tôi đã được học đủ thứ nữ công gia chánh, từ nấu ăn cho đến thêu thùa, may vá, làm bánh…, trong đó, mẹ thích nhất là đan len. Theo chồng đến vùng đất Tây Nguyên từ những năm 1975, niềm vui của mẹ mỗi khi rảnh rỗi là đan áo cho chồng, cho con”.

Bạn trẻ thích thú xem lại những tấm hình vừa chụp  cảnh Noel giữa Sài Gòn

Lê Thanh

Ngược miền ký ức của mình, thạc sĩ Xuân Dung, nhớ lại: “Ngày nhỏ, tôi vô cùng thích thú khi mặc những chiếc áo len mẹ đan, tự hào khoe với bạn bè, khoái chí khi cô giáo trầm trồ: “Mẹ em khéo tay thật”. Nhưng khi vào Sài Gòn học đại học, thế giới của thành phố tấp nập, đông đúc này không cho tôi nhiều cơ hội để mặc áo len. Thế là tôi đã để chúng vào một góc rương và quen dần với những chiếc áo khoác đi nắng tiện lợi lại trẻ trung, phong cách”.
Thạc sĩ Xuân Dung chia sẻ: “Tôi trúng tuyển bậc cao học vào đúng dịp mùa đông năm 2007, khi ấy mẹ gửi tặng tôi một chiếc áo len làm quà Giáng sinh cho một bước ngoặt đặc biệt. Nhận áo, tôi chẳng buồn mở ra xem hình dáng nó thế nào đã gọi điện nói với mẹ một hơi dài, rằng mẹ đừng bao giờ gửi áo cho tôi nữa, không cần phí sức khỏe như thế, rằng tôi không cần dùng đến nó... Lúc ấy, mẹ chỉ im lặng. Hai hôm sau, tôi nhận điện thoại của bố báo là mẹ bị bệnh nặng. Tôi tức tốc bắt xe về nhà. Khi đó, tôi mới biết rằng để hoàn thành một chiếc áo cho tôi, mẹ tốn rất nhiều thời gian để tìm hiểu những mẫu mã mới cho phù hợp với một đứa con gái đang sống ở Sài Gòn”.

Bạn trẻ ngắm cảnh lung linh Noel giữa Sài Gòn

Lê Thanh

Rồi thạc sĩ Xuân Dung kể tiếp: “Mấy hôm sau, mẹ khỏe hơn, tôi lại tiếp tục theo đuổi sự nghiệp của mình. Nhưng khi trở lại Sài Gòn, việc đầu tiên tôi làm là lôi hết tất cả những chiếc áo len mà mẹ đã từng đan cho tối ra ngắm nghía. Tôi thích thú khoác thử từng chiếc áo lên người và nhận ra nét duyên trong từng nếp áo, vì ở đó có in dấu bàn tay của mẹ. Đến nỗi, nhỏ bạn cùng phòng trọ mắt mở tròn xoe khi thấy tôi loay hoay điệu đà với chồng áo len, mồ hôi mồ kê nhễ nhại”.

Sài Gòn có nhiều địa điểm đẹp để mọi người chụp hình lưu lại khoảnh khắc mùa Giáng sinh

Lê Thanh

Theo thạc sĩ Xuân Dung, không chỉ riêng gì nhỏ bạn cùng phòng trọ mà mùa Giáng sinh năm ấy, còn rất nhiều người trố mắt như thế, khi thấy tôi “diện” hết cái áo len này đến cái áo len khác đến cơ quan, trường học. Không phải ai cũng trầm trồ khi tôi ngẩng mặt tự hào: “Áo mẹ tôi đan cho tôi đấy…”, nhưng mỗi khi khoe như thế, tôi đều thấy hãnh diện thực sự. Thỉnh thoảng, tôi lại gọi điện cho mẹ trách yêu rằng: cái áo màu tím nhạt mẹ đan sao rộng thế, hay cái màu đỏ tay hơi ngắn, chỉ còn cái màu trắng là vừa vặn nhất,…Mẹ cười khúc khích qua điện thoại, còn tôi thấy ấm lòng biết bao nhiêu.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.