Giao bộ nào quản lý xăng dầu ?

Nguyên Nga
Nguyên Nga
14/01/2023 07:13 GMT+7

Bộ Tài chính đẩy sang Bộ Công thương, Bộ Công thương chuyển lại Bộ Tài chính, quản lý xăng dầu vốn đã rối lại càng thêm rối khi liên bộ đùn đẩy qua lại trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn biến động khó lường.

Giao cho Bộ Công thương để tránh phát sinh bất cập?

Mới đây, góp ý về dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công thương soạn thảo, Bộ Tài chính một lần nữa đã dứt khoát “nhường” trách nhiệm điều hành giá xăng dầu cho Bộ Công thương. Lý do theo Bộ Tài chính là một số nhiệm vụ thuộc điều hành giá xăng dầu như: giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu; rà soát tính toán, công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở… nên thống nhất giao về một đầu mối là Bộ Công thương.

Tức là Bộ Công thương sẽ là cơ quan chủ trì điều hành giá, cấp phép, quản lý các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu… để tránh phát sinh những bất cập trong khâu tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng thanh, kiểm tra theo đúng quy định.

Giá xăng dầu năm 2023 được dự báo tiếp tục biến động

Ngọc Thắng

Trong thực tế, tại cuộc họp Quốc hội hồi tháng 10.2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu quan điểm sẽ đề xuất chuyển quyền quản lý xăng dầu về một đầu mối thống nhất là Bộ Công thương, từ điều hành giá, chi phí định mức, kinh doanh… để nguồn cung được chủ động. Kế đó, Bộ Công thương lại có ý kiến nên giao việc quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính. Phản hồi tiếp, đầu năm nay, tại cuộc họp báo quý 4/2022 của ngành tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cũng nhấn mạnh quan điểm là thị trường xăng dầu cần một cơ quan đầu mối quản lý để chủ động điều hành và quy rõ trách nhiệm, quyết định cuối cùng là của Chính phủ. “Dù giao cho bất kỳ cơ quan nào quản lý đi nữa, giá và thị trường xăng dầu cũng phải điều hành tốt”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.

Giá xăng dầu năm 2023 được dự báo tiếp tục biến động, vai trò của cơ quan quản lý chính rất quan trọng nhằm tránh đứt gãy như năm qua

NGỌC DƯƠNG

Giao cho Bộ Tài chính vì... có nghiệp vụ tài chính?

Trong khi Bộ Tài chính nhiều lần muốn chuyển xăng dầu về một mối là Bộ Công thương thì trong dự thảo nghị định sửa đổi về kinh doanh xăng dầu vừa được Bộ Công thương gửi đi lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương trong tuần qua, bộ này đã đề xuất một số phương án, trong đó có phương án giao đầu mối quản lý giá xăng dầu về Bộ Tài chính. Cụ thể Bộ Công thương cho rằng xăng dầu là mặt hàng do nhiều bộ, ngành cùng quản lý theo chức năng, nhiệm vụ được phân giao. Chẳng hạn, Bộ Công an quản lý về phòng chống cháy nổ xăng dầu, Bộ

KH-CN quản lý về chất lượng, tiêu chuẩn xăng dầu, quản lý nguồn cung và giá là Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Nếu giữ nguyên các quy định hiện nay về điều hành, quản lý với xăng dầu sẽ đúng với phân công nhiệm vụ của các bộ từ nhiều năm qua. Tức là, trong điều hành giá xăng dầu, Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn xác định các chi phí và công bố cho Bộ Công thương tính toán giá cơ sở. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, khi có vấn đề phát sinh, như thời điểm thị trường thiếu hụt nguồn cung cuối năm 2022 đã cho thấy sự phối hợp giữa các bộ, ngành xử lý vấn đề trong điều hành chưa được chặt chẽ, lúng túng.

Chỉ nên trích quỹ bình ổn giá khi giá thế giới xuống thấp

Liên quan đến quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đang được Bộ Công thương đề nghị giữ lại, thì đồng ý nên giữ nhưng phải cải tiến thay đổi cách trích và chi quỹ. Cụ thể, chỉ trích quỹ khi giá thế giới xuống thấp, chứ không trích một mức cố định thường xuyên như lâu nay. Thứ hai, do nhà nước vẫn phải quản lý, can thiệp vào giá xăng dầu khi cần thiết qua công cụ quỹ bình ổn, nên theo luật Giá, khi giá biến động bất thường, ảnh hưởng đời sống kinh tế xã hội, nhà nước công bố biện pháp bình ổn giá tạm thời trong một thời hạn nhất định, chứ không phải chi thường xuyên. Như vậy, việc chi sử dụng quỹ phải được công bố, lý giải tại mỗi kỳ điều hành. Khi giá thị trường trở lại bình thường, phải bỏ việc chi quỹ bình ổn này.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam

Từ đó, phương án Bộ Công thương nêu là nên giao Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu nhằm bảo đảm việc phân công công tác quản lý nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. “Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu”, Bộ Công thương đề xuất. Như vậy, Bộ Công thương chỉ sẽ phối hợp thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được giao. Tuy đề xuất là vậy, nhưng Bộ Công thương cũng “thòng” thêm nhược điểm của việc giao toàn quyền điều hành xăng dầu cho Bộ Tài chính là tách xa việc điều hành cung cầu, nên sẽ có những bất ổn. Không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí xăng dầu.

Sau khi gửi đi dự thảo sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu ngày 6.1, đến ngày 9.1 vừa qua, Bộ Công thương cũng ra tiếp thông cáo báo chí “nói lại cho rõ” về đề xuất cho Bộ Tài chính toàn quyền điều hành giá xăng dầu chỉ là… một trong các phương án được đưa ra, chưa phải là phương án cuối cùng. Và quyền quyết định cuối cùng vẫn chờ Chính phủ quyết.

"Quả bóng" xăng dầu

Trong thực tế, từ tháng 10.2022, khi thị trường xăng dầu trong nước xảy ra tình trạng đứt gãy, gián đoạn, thiếu cung liên tục… cả 2 bộ Công thương và Tài chính liên tục có những phát ngôn, đề xuất “giao qua, giao lại” đến mức nhiều người ví von xăng dầu trở thành “quả bóng” trách nhiệm để 2 bộ “đá” qua lại.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, cho rằng các lập luận của 2 bộ nêu ra thể hiện quan điểm của họ, nhưng có thể thấy sự loay hoay, lúng túng trong mối quan hệ giữa các bộ ngành để quản lý, điều hành thị trường xăng dầu đầy biến động. Những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua xuất phát từ việc nhập khẩu xăng dầu trên thị trường thế giới gặp nhiều khó khăn. Rồi chi phí đưa xăng dầu về nước tăng cao hơn quy định, song không được điều chỉnh phù hợp. Chưa kể các kỳ điều chỉnh giá bị kéo dài, không theo kịp giá thế giới tại một số thời điểm giá thế giới biến động liên tục. Nên cần thẳng thắn mà nói với nhau là các bộ quản lý chưa làm tròn trách nhiệm, cho đến nay vẫn đang đùn đẩy và đổ lỗi cho nhau.

Giảm bớt khâu trung gian phân phối xăng dầu

Góp ý dự thảo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công thương rà soát, đánh giá để giảm bớt số lượng khâu trung gian phân phối xăng dầu; đánh giá kỹ tác động chính sách, nguồn lực tài chính khi sửa đổi quy định về kinh doanh xăng dầu, cũng như nghiên cứu quy định thù lao đại lý tối thiểu (mức chiết khấu tối thiểu) để các cửa hàng bán lẻ đảm bảo hoạt động, kinh doanh.

Ông Thỏa nhận định: Quản lý giá xăng dầu trong nước hiện tại bị cắt khúc. Vì thế, phải có một đầu mối, đúng hơn là tổng chỉ huy để chấm dứt ngay tình trạng bị cắt khúc này. Hiện Bộ Công thương đang quản lý từ khâu quy hoạch, xây dựng hệ thống, cấp hạn ngạch, cấp giấy phép doanh nghiệp đầu mối… đặc biệt đảm bảo cung cấp. Thế nên, chính Bộ Công thương hiểu doanh nghiệp và thị trường nhất. Vì vậy, nên giao cho Bộ Công thương quản lý chính sẽ sát thực tiễn hơn và đúng với luật Giá sửa đổi. Nếu giao cho Bộ Tài chính là đi ngược với chủ trương sửa đổi luật Giá (đã báo cáo Quốc hội lần 1 và dự kiến được thông qua vào kỳ họp Quốc hội tháng 5.2023 - NV).

“Cần lưu ý là trong luật Giá, có một chủ trương, định hướng rất quan trọng, đó là phân cấp, phân quyền trong vấn đề quản lý giá cho các bộ, ngành, địa phương. Theo luật Giá, hàng hóa do bộ ngành nào quản lý, bộ đó nắm được các yếu tố đầu vào để quyết định giá”, ông Thỏa nhấn mạnh.

Cần thiết lập lại thị trường xăng dầu

Cần thiết lập lại thị trường xăng dầu, trong đó, điểm then chốt và quan trọng nhất đối với cơ quan quản lý nhà nước vẫn là Bộ Công thương. Công cụ thiết lập thị trường này đều nằm trong tay Bộ Công thương, từ nhập khẩu, dự trữ, bán buôn, bán lẻ. Cần lưu ý các yếu tố nhằm bảo đảm tính cạnh tranh, quyền lực quản lý nhà nước và cơ chế điều hành; khả năng chủ động nguồn cung trong nước rất lớn. Xăng dầu vẫn liên quan đến thuế, phí nên cần có vai trò phối hợp của Bộ Tài chính.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính, cho rằng đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính là không hợp lý và khó thuyết phục. Bởi Bộ Tài chính không có kỹ năng nghiệp vụ về thương mại, kinh doanh để quản lý một thị trường lớn như xăng dầu. Trong quá khứ, Bộ Tài chính đã từng quản lý mặt hàng xăng dầu và việc quản lý này thực hiện rất chặt chẽ khi chiến tranh biên giới Tây Nam, phía bắc xảy ra. Xăng dầu là mặt hàng an ninh, phục vụ quân sự là chính yếu. Sau này, theo nền kinh tế thị trường, Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương quản lý mặt hàng xăng dầu, bên cạnh đó có các bộ khác cùng phối hợp nhưng Bộ Công thương vẫn là cơ quan quản lý chịu trách nhiệm chính. “Hiện VN đang lọc xăng dầu chiếm tỷ lệ 75 - 80%, giả sử chúng ta có thể lọc và cung cấp đủ 100% thành phẩm xăng dầu cho thị trường trong nước thì cũng khó thay đổi cơ quan quản lý chính. Lý do, Bộ Công thương về chuyên môn đang quản lý cả nguồn cung xăng dầu nhập khẩu và phân giao xăng dầu thành phẩm. Khi chủ động hoàn toàn vẫn phải nhập khẩu dầu thô, thuộc quyền quản lý của Bộ Công thương. Bên cạnh đó, quản lý doanh nghiệp đầu mối, phân phối bán buôn, bán lẻ… đều thuộc ngành công thương. Không có lý do gì để

Bộ Công thương cứ “đá” quả bóng xăng dầu qua bộ này bộ nọ mãi vậy được. Bộ Tài chính chỉ quản lý về giá, thuế. Bộ Công thương quản lý toàn diện về đầu ra, đầu vào cho thị trường xăng dầu, nên giao quản lý chính mặt hàng xăng dầu vẫn là Bộ Công thương”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết đảm bảo nguồn cung

Liên quan đến sự cố kỹ thuật tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ngày 12.1 vừa qua, đoàn công tác của Bộ Công thương do Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu đã làm việc với Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn tại tỉnh Thanh Hóa. Mục đích là phải giải quyết kịp thời các vấn đề về nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh nhà máy đang gặp sự cố phải giảm công suất. Giám đốc Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) Lê Nguyễn Quốc Vinh cho biết sự cố kỹ thuật tại nhà máy xảy ra từ cuối tháng 12.2022 khiến nhà máy này giảm công suất vận hành xuống 85%. Dự kiến, đến hôm nay (14.1), nhà máy sẽ hoàn thành sửa chữa sự cố kỹ thuật và khởi động lại phân xưởng. Khoảng 3 - 4 ngày tới, phân xưởng sẽ ổn định ở công suất 100% và sẽ tăng lên 105 - 107% để bù đắp thiếu hụt do tạm dừng vận hành thời gian qua.

Theo kế hoạch của NSRP, trong tháng 1.2023, nhà máy sẽ cung ứng khoảng 600.000 m3 xăng dầu. Lượng hàng cung ứng sẽ tăng trở lại vào tháng 2.2023 với 620.000 m3; tháng 3 là 770.000 m3. Về kế hoạch bảo dưỡng tổng thể, Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn cam kết nhà máy sẽ bảo đảm nguồn cung thời gian tới và tăng công suất để đủ nguồn hàng dự trữ trong thời gian bảo dưỡng, bảo đảm thời gian bảo dưỡng tổng thể 55 ngày như kế hoạch đã thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Công thương cũng yêu cầu nhà máy phải huy động nguồn dự trữ thương mại (thành phẩm, bán thành phẩm), liên kết với Nhà máy lọc dầu Dung Quất và các kho dự trữ nhằm bảo đảm sản lượng hàng giao cho các doanh nghiệp đầu mối như hợp đồng cam kết, tránh nguy cơ dẫn tới thiếu hụt xăng dầu.

“Sự cố là không ai mong muốn nhưng nhà máy phải nỗ lực, có sự chia sẻ khó khăn, rủi ro cho những nhà phân phối; nghiên cứu, sớm chấp nhận điều khoản bồi hoàn cho người mua khi nhà máy gặp sự cố không giao được hàng cho khách hàng, giảm sản lượng bởi đây là thông lệ quốc tế.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.