'Để có nhân lực trình độ quốc tế cần chấm dứt mua bằng, bán điểm'

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
15/08/2019 17:14 GMT+7

'Nó đòi hỏi chúng ta cải thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng nhấn mạnh vào thực chất, đồng thời chấm dứt mọi hiện tượng mua bằng, bán điểm để bảo vệ chuẩn mực học thuật'.

Đó là nhìn nhận của của tiến sĩ Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dụcphát triển nhân lực trong bài tham luận của mình tại Hội thảo “Đào tạo nhân lực trình độ quốc tế ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030”, do UBND TP.HCM tổ chức sáng nay 15.8.

Chưa tương xứng với tốc độ phát triển

Là một trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục nhưng TP.HCM vẫn được các chuyên gia đánh giá là nhân lực trình độ quốc tế chưa tương xứng với tốc độ phát triển mạnh mẽ trong hiện tại.
Theo số liệu thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, thành phố hiện có 117 chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế như: AUN, ABET, ACQUIN, MQR…, có 163 chương trình đào tạo được liên kết với nhiều quốc gia như Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, New Zealand, Hàn Quốc, Đức… Số lượng sinh viên theo học các chương trình quốc tế là 7.000 (5.000 sinh viên Việt Nam và hơn 2.000 sinh viên nước ngoài) và có hơn 1.500 lượt giảng viên quốc tế đến giảng dạy, nghiên cứu, giao lưu và học tập…
Điều đó cho thấy thực tế về đào tạo chưa đủ để đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ quốc tế ở rất nhiều lĩnh vực như du lịch, y tế, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin… Chẳng hạn, đại diện của Sở Du lịch TP.HCM thông tin: “Trong lĩnh vực du lịch, lực lượng lao động trình độ quốc tế làm việc chủ yếu ở đội ngũ quản lý điều hành trong công ty liên doanh, doanh nghiệp nhà nước và khách sạn 4-5 sao, tỷ lệ lao động có trình độ quốc tế trên bình diện chung còn rất thấp. Năm 2018 nhân lực ngành du lịch tại TP.HCM là 150.000 người thì chỉ có 3.000 đạt trình độ quốc tế, trong đó chỉ có một phó giáo sư, 4 tiến sĩ, 295 thạc sĩ, 1.200 ĐH và 1.500 CĐ”.
Theo vị này, dự báo đến 2030 ngành du lịch của thành phố cần thêm 3.000 người lao động có trình độ quốc tế. Tuy nhiên, TP.HCM chưa có cơ sở đào tạo đạt chuẩn quốc tế về du lịch, chưa triển khai bộ tiêu chuẩn nghề du lịch quốc gia đáp ứng tiêu chuẩn nghề ASEAN theo yêu cầu Thỏa thuận Thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong khối ASEAN. Bên cạnh đó, liên kết hợp tác quốc tế trong đào tạo du lịch còn yếu.

Cải thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo 

Tiến sĩ Phạm Thị Ly, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực cho rằng, trình độ quốc tế nên được hiểu là có đủ năng lực cạnh tranh với những lao động cùng lĩnh vực trên phạm vi toàn cầu. Giáo sư có trình độ quốc tế là giáo sư có thể công bố kết quả nghiên cứu trên tập san quốc tế có bình duyệt và có uy tín trong chuyên ngành giống như giáo sư ở các nước phát triển. Kỹ sư, bác sĩ có trình độ quốc tế là họ có thể làm được những việc mà một đồng nghiệp quốc tế có thể làm…
“Nếu chúng ta không có những kỹ sư, chuyên viên có trình độ ngang với kỹ sư, chuyên viên đang làm việc cho Google, Facebook..., hoặc có nhưng không đãi ngộ họ với mức lương tương xứng, thì họ sẽ đi làm cho những doanh nghiệp toàn cầu đó để khai thác và thống trị thị trường Việt Nam”, tiến sĩ Phạm Thị Ly nhìn nhận.
Đồng thời, tiến sĩ Ly nhấn mạnh: “Trình độ quốc tế hiểu theo nghĩa đó không trực tiếp gắn với 'bằng cấp quốc tế'. Nó đòi hỏi chúng ta cải thiện chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo theo hướng nhấn mạnh vào thực chất, đồng thời chấm dứt mọi hiện tượng mua bằng, bán điểm để bảo vệ chuẩn mực học thuật”.

Tuyển sinh chương trình quốc tế còn khó khăn

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nhận định nguồn tuyển sinh cho các chương trình chuẩn quốc tế ở các trường ĐH hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do sinh viên không đủ trình độ tiếng Anh, học phí thì cao hơn chương trình bình thường. Bên cạnh đó, số lượng chương trình liên kết được triển khai còn ít, chưa tương xứng với tiềm lực phát triển của các trường ĐH. Việc duy trì và phát triển đội ngũ giảng viên rất khó khăn do phải đủ các tiêu chí về trình độ sư phạm, bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm làm việc thực tế, giảng dạy được bằng tiếng Anh.
“Thêm nữa, chúng ta chưa xây dựng được cơ chế để thu hút và phát huy năng lực của những người được đào tạo tại nước ngoài sau khi tốt nghiệp về làm việc cho các cơ sở giáo dục ĐH và cơ quan công lập. Hệ thống chính sách và luật pháp đồng bộ cho các cơ sở đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là công lập, cũng chưa có. Trong thực tiễn chưa có một khuôn khổ, định hướng cụ thể cho quốc tế hóa giáo dục ĐH, nên hầu hết các trường ĐH ở Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng đang cố gắng tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm quốc tế trong liên kết đào tạo với nước ngoài, tự xây dựng chiến lược kiểm định chất lượng theo chuẩn quốc tế”, ông Sơn đánh giá.
Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, cho biết: “Cần có chương trình đồng bộ hướng tới nguồn nhân lực trình độ quốc tế. Thứ nhất, thành phố cần có hội đồng tư vấn đào tạo nhân lực mà chủ tịch TP.HCM sẽ làm chủ tịch hội đồng này. Hội đồng khoảng 20 người với một nửa là chuyên gia trong nước, một nửa là quốc tế. Thứ hai, TP.HCM cũng cần có cơ chế tài chính, cho sinh viên vay để học chương trình chất lượng cao. Đồng thời cần có chương trình cho vay kích cầu với các trường đào tạo quốc tế. Việc tăng tốc nâng cao trình độ tiếng Anh, nâng cao trình độ quản lý của nhà trường, hướng tới trình độ quản lý quốc tế cũng là những yêu cầu quan trọng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.