Địa phương đề xuất miễn học phí cấp THPT có trái luật ?

04/12/2019 07:34 GMT+7

Luật Giáo dục 2019 đã được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ 1.7.2020. Tuy nhiên đã có một số vấn đề nảy sinh từ thực tế mà luật này chưa đề cập đến.

Có nên hỗ trợ học phí cho học sinh trường tư ?

Học phí và chi phí của dịch vụ giáo dục được quy định tại điều 99. Nếu là trường tư thục thì người học phải trả toàn bộ chi phí dịch vụ giáo dục, đào tạo; còn đối với trường công lập, người học chỉ trả một phần chi phí này.
Khoản 3, điều 99, quy định về miễn học phí hoàn toàn đối với học sinh (HS) tiểu học công lập, hỗ trợ học phí cho HS tiểu học trường tư thục trên địa bàn không đủ trường công lập. Khoản 4 quy định, miễn học phí hoàn toàn đối với HS mẫu giáo 5 tuổi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, và khoản 5, giao cho Chính phủ sẽ quy định lộ trình miễn học phí đối với HS mẫu giáo 5 tuổi và THCS ở tất cả các địa bàn khác. Luật quy định miễn học phí đối với HS mẫu giáo 5 tuổi và HS THCS là hiện thực hóa mục tiêu mà Nghị quyết số 29-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành T.Ư khóa 11 đặt ra.
Tuy nhiên, có các vấn đề đặt ra cần được giải quyết thấu đáo. HS ở các trường tư thục nói chung không được hỗ trợ học phí (chỉ hỗ trợ học phí cho HS tiểu học trường tư thục trên địa bàn không đủ trường công lập). Việc hỗ trợ học phí cho HS trường tư thục không chỉ tạo công bằng cho tất cả trẻ em mà còn tăng khả năng HS đi học trường tư, hệ thống trường tư thục sẽ phát triển, giảm gánh nặng ngân sách đầu tư xây trường và trả lương cho giáo viên. Đồng thời, có một số trường tư thục phải đóng thuế thu nhập như doanh nghiệp (có khi đến 25 - 28%). Do đó, phụ huynh những trường này phải đóng thuế cho nhà nước 2 lần (thuế thu nhập cá nhân và đóng thuế thông qua học phí cho trường tư).
Việc miễn học phí đối với HS mẫu giáo 5 tuổi, THCS trong toàn quốc, giao cho Chính phủ quy định lộ trình, nhưng có một số địa phương muốn thực hiện sớm hơn (ngay trong năm học 2020 - 2021), liệu có được chấp thuận?
Luật Giáo dục không quy định miễn học phí THPT nhưng có địa phương muốn miễn học phí cấp học này thì có trái luật không?

Nếu địa phương có điều kiện…

TP.HCM là địa phương đầu tiên đề xuất miễn học phí cho HS cấp THCS từ năm học 2018 - 2019, nhưng do luật Giáo dục 2005 chưa quy định điều này nên TP đã thực hiện giảm học phí xuống mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ, và sẽ tiến tới giảm học phí hoàn toàn cấp học này theo lộ trình của Chính phủ. Đồng thời, chủ trương của TP sẽ nghiên cứu miễn học phí cấp THPT. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Đây cũng là chính sách nhất quán nhằm tạo điều kiện cho mọi người dân được đi học, đặc biệt là các em ở gia đình nhập cư, có hoàn cảnh khó khăn”.
Đáng chú ý là TP.Hải Phòng trong dự thảo nghị quyết HĐND TP tháng 12.2019 có 4 nội dung được nêu ra: Hỗ trợ học phí đối với trẻ mầm non, HS THCS, bổ túc THCS, THPT, bổ túc THPT; Ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% học phí cho các bậc học trên theo mức học phí được HĐND TP quyết định; Thời điểm thực hiện hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, HS THCS, bổ túc THCS từ năm học 2020 - 2021, hỗ trợ học phí HS THPT, bổ túc THPT thực hiện từ năm học 2021 - 2022; Thời gian hỗ trợ là 9 tháng/năm.
Theo UBND TP.Hải Phòng, với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội tương ứng tỷ lệ tăng dân số và tỷ lệ có việc làm như hiện nay, việc hỗ trợ học phí cho con em nhân dân sinh sống và làm việc trên địa bàn là giải pháp ưu tiên hàng đầu. Hải Phòng ban hành cơ chế riêng của TP về việc này nhằm giảm bớt gánh nặng đối với người dân có thu nhập thấp, người dân sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, và thực hiện phương châm mọi người đều được hưởng thành quả phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Ý kiến của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.Hải Phòng cho biết việc miễn học phí áp dụng trên toàn TP. Đối với những trường ngoài công lập được cấp phép hoạt động, HS vẫn được miễn học phí như trường công lập; TP tính toán sẽ chuyển nguồn tài chính thay vào khoản thu học phí từ phụ huynh về các trường để hoạt động.

Lập quỹ hỗ trợ học phí

Từ thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước đã đặt ra những vấn đề vượt ngoài quy định của luật hoặc muốn thực hiện luật sớm hơn chứ không theo lộ trình.
Vì vậy, để các địa phương có điều kiện thực hiện miễn học phí sớm hơn, lộ trình của Chính phủ cần giảm dần mức học phí (mức tối đa), còn mức tối thiểu do các địa phương quy định có thể là 0 đồng. Đối với học phí toàn bộ HS mầm non và THPT thì địa phương vẫn quy định một mức nhất định (theo từng vùng miền) nhưng đồng thời cho phép các địa phương thành lập Quỹ hỗ trợ học phí do doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và ngân sách nhà nước đóng góp. Quỹ này sẽ cấp kinh phí cho tất cả các trường công lập và ngoài công lập đúng bằng kinh phí mà nhà trường được hưởng khi thu học phí bình thường.
Cần ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm
Nhiều nước ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm, 12 năm... và đã có tác động rất lớn đến việc huy động HS đi học. Ngay cả Trung Quốc, nước đông dân nhất thế giới, cũng đã miễn học phí THCS trên toàn quốc.
Ở Việt Nam năm 1991, Quốc hội ban hành luật Phổ cập giáo dục tiểu học, quy định giáo dục bắt buộc 5 năm. Nếu người dân vi phạm sẽ bị phạt, tuy nhiên mức độ phạt rất nhẹ, chủ yếu là vận động HS đi học. Hiện nay, 63 tỉnh TP của Việt Nam đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS, nhưng ở một số vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… vẫn có người chưa tốt nghiệp tiểu học. Vì vậy, cùng với việc miễn học phí cấp THCS, Quốc hội nên xây dựng và ban hành luật Giáo dục bắt buộc 9 năm, nhằm thực hiện một cách triệt để phổ cập THCS.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.