Theo Bộ GD-ĐT, tùy tình hình dịch Covid-19, các địa phương có thể lùi thời gian bắt đầu và kết thúc năm học mới.
An toàn và sức khỏe là ưu tiên số 1
Trước băn khoăn của người dân và cơ sở giáo dục ở vùng dịch về lịch tựu trường năm học mới Bộ GD-ĐT vừa ban hành, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), lý giải: “Việc ban hành kế hoạch thời gian năm học, năm nào Bộ cũng phải làm, là văn bản khung để áp dụng cho toàn quốc. Các mốc thời gian đưa ra là “sớm nhất” hoặc “muộn nhất”, không có nghĩa yêu cầu tất cả địa phương phải tựu trường và kết thúc năm học trong cùng một ngày”.
Theo ông Thành, trong văn bản vừa ban hành, Bộ cũng trao quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với thực tiễn của mỗi địa phương. Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhưng nhiều nơi dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát và có thể thực hiện theo khung thời gian năm học như những năm trước.
Với những tỉnh, thành đang thực hiện giãn cách xã hội, ưu tiên hàng đầu vẫn là đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, trong đó có học sinh (HS) và giáo viên.
Do vậy, theo ông Thành, với những địa phương này, chủ tịch UBND cấp tỉnh sẽ quyết định thời gian tựu trường và kết thúc năm học phù hợp.
|
Bộ quy định thời gian nghỉ học, thời gian tựu trường sớm và thời gian kéo dài năm học không quá 15 ngày so với khung kế hoạch năm học 2021 - 2022 để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên trong trường hợp đặc biệt.
Ví dụ, TP.HCM ngay thời điểm này đã có thể quyết định về khung thời gian năm học cho mình. Nếu không thể tựu trường vào 1.9 hay 5.9 thì có thể chuyển sang 15.9, thậm chí là tháng 10 và kết thúc năm học vào 15.6.2022.
Cũng theo ông Thành, nếu tình hình quá căng thẳng, đến 15.6.2022 chưa thể kết thúc năm học thì Bộ sẽ có những hướng dẫn đặc thù cho các địa phương cụ thể. “Trên thực tế năm học 2019 - 2020, Bộ đã hướng dẫn kết thúc năm học vào tháng 7.2020, thay vì 31.5 như kế hoạch ban đầu. Bộ sẽ phải điều chỉnh các lịch chung liên quan tới toàn quốc, ví dụ như lùi lịch thi tốt nghiệp THPT, hoặc sẽ cân nhắc giải pháp khác nhằm đảm bảo quyền lợi của HS”.
Học sinh lớp 1 phải được học trực tiếp
Không ít trường tư thục ở các địa phương tâm dịch đã lên kế hoạch cho HS tựu trường và học trực tuyến chương trình của năm học mới, kể cả với lớp 1. Điều này khiến phụ huynh HS vô cùng hoang mang. Đặc thù của HS khi mới vào lớp 1 là nhận biết từng mặt chữ, tập đọc, tập tô từng nét chữ… đòi hỏi phải có sự kèm cặp sát sao của giáo viên. Học trực tuyến sẽ không khả thi.
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), chia sẻ: Riêng đối với lớp 1, khung thời gian năm học Bộ mới ban hành được nới rộng hơn một mức. Trong khi các lớp khác tựu trường sớm nhất ngày 1.9 thì lớp 1 được phép tựu trường sớm nhất từ ngày 23.8, tăng thêm 2 tuần trong khung thời gian năm học so với các lớp khác, để HS làm quen nề nếp, trường lớp. Với khung thời gian được nới rộng hơn cho lớp 1, các địa phương có nhiều phương án tựu trường, khai giảng.
Với những địa phương đến ngày tựu trường mà dịch bệnh vẫn phức tạp, ông Tài gợi ý có thể thực hiện “tập trung kiểu giãn cách”. Ví dụ, trong một trường tiểu học thì các khối lớp lớn hơn có thể dạy học trực tuyến nhưng ưu tiên tất cả phòng học cho lớp 1 đến trường với điều kiện chia nhỏ quy mô lớp để đảm bảo giãn cách. “HS lớp 1 rất đặc thù khi chưa biết đọc, viết, giáo viên buộc phải tương tác trực tiếp”, ông Tài nêu quan điểm.
|
Cũng theo ông Tài, trong mọi trường hợp, phải đặt an toàn của HS lên trên hết nhưng song song đó cần đảm bảo quyền lợi được học tập một cách có chất lượng cho các em. Quan trọng nhất là làm thế nào để HS lớp 1 được tương tác trực tiếp nhiều nhất với thầy cô giáo. Căn cứ vào thẩm quyền của mình, chủ tịch UBND các tỉnh quyết định kế hoạch thời gian cụ thể cho các nhà trường trên địa bàn, cũng như phương án tổ chức dạy học phù hợp, sao cho đảm bảo an toàn và chất lượng giáo dục, tăng thời lượng trực tiếp cho HS lớp đầu cấp, trong đó có lớp 1.
Trong trường hợp bất khả kháng đối với một hoặc một số địa phương, địa bàn cụ thể trong tỉnh, thành, nếu đã sử dụng hết thẩm quyền cho phép mà vẫn không thể đáp ứng các mốc theo quy định chung, ông Tài cho rằng: “Sở GD-ĐT ở địa phương đó báo cáo Bộ để có ưu tiên cho lớp 1 được nới rộng khung thời gian năm học, giúp HS được học tập tương tác trực tiếp với giáo viên”.
Tựu trường trực tuyến chỉ thực hiện trong điều kiện bất khả kháng
Việc các trường tư thục cho HS tựu trường từ đầu tháng 8 bằng hình thức trực tuyến, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, nêu quan điểm: Việc phải tựu trường và học trực tuyến từ đầu năm học với cấp THCS và THPT không “nan giải” như với lớp 1 nhưng cũng chỉ là giải pháp trong tình huống bất khả kháng, không nên lạm dụng khi vẫn còn quỹ thời gian cho năm học mới. Các trường tư thục dù được quyền tựu trường sớm hơn 4 tuần nhưng trong điều kiện dịch bệnh, không thể cho HS đến trường trực tiếp thì cũng không nên giữ mốc thời gian từ đầu tháng 8 như các năm chưa có dịch bệnh như hiện nay, nhất là với HS đầu cấp, rất cần được đến trường để làm quen với môi trường học tập mới, thầy cô, bạn bè mới. Theo ông Thành, việc tựu trường sớm 4 tuần nếu có thu học phí và tổ chức dạy chương trình của năm học mới là sai so với quy định của Bộ GD-ĐT.
|
Ý kiến
TP.HCM sẽ tham khảo ý kiến đưa ra khung năm học phù hợp
Sở sẽ tham khảo ý kiến từ các cơ quan chuyên môn để tham mưu với UBND TP sao cho có một khung thời gian năm học phù hợp với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn sức khỏe và quyền lợi cho HS, giáo viên.
Nguyễn Văn Hiếu
(Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT TP.HCM) Bộ nên mạnh dạn giao quyền cho địa phương
Bộ không cố định thời gian bắt đầu năm học nhưng các kỳ thi lại cố định là không phù hợp. Giải pháp tốt nhất là Bộ mạnh dạn giao quyền xét tốt nghiệp THPT về cho các địa phương. Tôi mong rằng các đại biểu Quốc hội, các nhà làm luật cần thấu hiểu, bắt nhịp với hơi thở của cuộc sống để có những điều luật sao cho hợp thời, hợp tình, hợp pháp.
Huỳnh Thanh Phú
(Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, Q.10, TP.HCM) Năm học mới có thể bắt đầu chậm hơn
Tuyển sinh đầu cấp trực tuyến cũng không thể thực hiện được 100% vì rất nhiều nguyên nhân nên việc tuyển sinh năm nay có thể kéo dài và phải thực hiện nhiều đợt, năm học mới có thể bắt đầu chậm hơn. Những năm trước, từ đầu tháng 7 các trường đã thực hiện tuyển sinh theo kế hoạch của quận và đến cuối tháng 7 đã hoàn tất.
Phan Thị Hạnh
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Lợi Trung, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) Mong học sinh đến trường khi dịch được kiểm soát
Cả gia đình mình hiện vẫn đang phải cách ly tại nhà, chồng mình là F0 đang điều trị tại bệnh viện dã chiến. Với đứa con chuẩn bị vào lớp 1 mọi thứ vẫn đang rất ngổn ngang, mình thậm chí còn không có thời gian để nghĩ tới việc con sắp vào lớp 1 nữa. Hy vọng TP.HCM sẽ cho HS nhập học muộn hơn, khi dịch bệnh đã được kiểm soát.
Hoàng Thị Bạch Dương
(Phụ huynh P.14, Q.Gò Vấp, TP.HCM) Bích Thanh - Nguyễn Loan (ghi)
|
Bình luận (0)