Năm học mới với những 'bình thường mới'

06/09/2020 15:51 GMT+7

Dù dịch Covid-19 vẫn chưa hoàn toàn được kiểm soát nhưng hàng triệu trẻ em Việt Nam đã được tới trường, được tham dự lễ khai giảng trong trạng thái 'bình thường mới'. Một năm học mới bắt đầu!

“Bình thường mới” là để học trò được nghĩ thật, nói thật

Từ khi dịch Covid-19 xuất hiện làm cuộc sống đảo lộn, chúng ta được làm quen với từ "bình thường mới", nghĩa là một trạng thái mới trong thời dịch, chúng ta phải vừa chống dịch vừa duy trì các hoạt động.
Tôi cũng muốn sử dụng thuật ngữ này trong giáo dục. Tôi mong muốn một năm học mới môi trường giáo dục sẽ được làm quen với trạng thái "bình thường mới". Đó là nếu "bình thường cũ", học sinh e ngại nói lên uy nghĩ thật của mình, thì ở "bình thường mới, các con sẽ dám sống thật nhất với cảm xúc của mình. Khi các con vui thì hãy vui lên trong từng ánh mắt. Các con buồn, cũng đừng che giấu nỗi buồn. Những điều đó tưởng là rất bình thường, nhưng lại không dễ dàng đến thế.

"Bình thường mới" là để học sinh sống thật với cảm xúc của mình

Ngọc Dương

Các con thấy thầy cô dạy hay, hãy nói cho thầy cô biết, hãy bày tỏ nhiều vào những lời cảm ơn thầy cô. Đừng sợ mình trông giống kẻ nịnh hót. Hãy tiếp sức bằng những lời khích lệ, bày tỏ thật lòng với thầy cô của chúng ta, những người đã nỗ lực thức trắng đêm soạn giáo án. Mỗi lời cảm ơn của các con sẽ có giá trị gấp nhiều lần số lương mà thầy cô được nhận. Vì thế, phụ huynh xin hãy khuyến khích các con nói lời cảm ơn tới thầy cô thật nhiều!
Vậy, nếu thầy cô dạy không thu hút và có những hành động chưa đúng mực thì sao? Ở “bình thường cũ”, cha mẹ vẫn hay khuyên con mình “thôi, bỏ đi con. Nói ra thầy cô trù dập đấy”. Nhưng ở “bình thường mới”, tôi mong lắm học trò sẽ góp ý cùng thầy cô. Đừng lo bị trù dập. Chúng ta có thể góp ý mang tính xây dựng chứ không phải phê phán. Sự chính trực luôn là thứ giá trị sống mà mọi ngôi trường đều mong muốn đạt được từ chính mỗi học sinh của mình.

“Bình thường mới” là nhà trường và gia đình phải đứng “cùng một phe”

Mỗi khi thầy cô, nhà trường ra một quy định mới, xin đừng chỉ nhìn thấy điều lợi ích mà quy định đó mang lại. Hãy nhìn cả vào cảm xúc của học trò - những người sẽ thực thi và tuân thủ những quy định đó. Bởi mỗi quy định đưa ra là để muốn mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn, nên xin đừng vô cảm. Đừng chỉ chăm chăm vào lợi ích của nhà trường. Hãy nhìn vào cảm xúc của học trò để sao cho mỗi quy định đều hợp tình và hợp lý. Hợp tình không thôi có thể thành thoả hiệp. Hợp lý không thôi có thể thành vô cảm. Thế nên phải đủ cả tình và lý là vậy.

"Bình thường" mới là phụ huynh cùng với giáo viên dạy dỗ con em mình

Ngọc Dương

"Bình thường mới" là thay vì chia phe như trong "bình thường cũ", phụ huynh và nhà trường sẽ đứng về cùng một phe. Hãy minh bạch và tử tế với nhau. Đó chính là cách khiến mối quan hệ nhà trường và gia đình được thu hẹp lại. Văn minh hơn trong đối thoại. Đừng hơi tí là tung lên mạng xã hội. Đừng động tí là cho học sinh nghỉ học. Hãy ngồi lại với nhau nhiều hơn, đối thoại với nhau lâu hơn, đặt sự trân trọng nhau vào mỗi lời chúng ta phát ngôn và chia sẻ.
“Bình thường cũ” phụ huynh lao vào lớp tát giáo viên, cãi nhau tay đôi với giáo viên thì “bình thường mới”, phụ huynh sẽ đối thoại cùng giáo viên một cách văn minh và xây dựng. Chúng ta nên cùng làm những gì được cho là tốt nhất cho con mình, cho học trò của mình.

Không còn nhìn vào điểm số để đánh giá

Tôi mong lắm các phụ huynh thôi nhìn vào điểm số của các con để đánh giá thầy cô, nhà trường và đánh giá chính con mình. Tôi cũng mong là thầy cô và nhà trường thôi nhìn vào điểm số của các con để xếp loại học trò.
Mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển riêng biệt. Không thể dùng môn toán để phán quyết một đứa trẻ ấy là đứa trẻ thất bại. Cũng như không thể dùng điểm môn văn để cho rằng đó là đứa trẻ thành công. Đừng đo sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ bằng điểm số nữa. Đừng gán sĩ diện của bản thân cha mẹ hay bản thân nhà trường vào điểm số của các con. Xin hãy trân quý mỗi đứa trẻ. Xin hãy dạy mỗi đứa trẻ bằng sự tận tuỵ của mỗi thầy cô.

"Bình thường mới" là dạy con trách nhiệm và nghĩa vụ học tập chứ không phải bằng kết quả học tập

Đào Ngọc Thạch

Ở năm học mới trong trạng thái "bình thường mới" này, hãy nuôi lớn mỗi đứa trẻ bằng sự quan tâm của mỗi cha mẹ. Chúng ta hãy dạy con trách nhiệm học tập và nghĩa vụ học tập chứ không phải bằng kết quả học tập. Hãy nhìn quá trình nỗ lực của con chứ đừng chỉ xét điểm số. Chúng ta dạy con tinh thần tự học chứ không nên dạy con phải đoạt giải này, điểm nọ. Hãy khiến lũ trẻ yêu thích mỗi môn học chứ không phải bằng những doạ nạt điểm số. Mỗi thầy cô không phải chỉ truyền thụ kiến thức mà xin hãy truyền dẫn cảm hứng với môn học đó.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.