PGS trẻ nhất 2019 và mức lương 5,5 triệu đồng: Cần chính sách đãi ngộ xứng đáng

04/12/2019 22:44 GMT+7

Câu chuyện Phó giáo sư trẻ nhất 2019 và mức lương 5,5 triệu đồng đang được nhiều người chú ý. Nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ sự chia sẻ với lựa chọn của phó giáo sư (PGS) trẻ.

Tiến sĩ Lý Kim Hà, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM vừa được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm nay ở tuổi 31. Từng học nghiên cứu sinh tại Ý nhưng sau 5 năm mức lương cứng tiến sĩ Hà nhận được chỉ 5,5 triệu đồng và tính chung thu nhập khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.
Nhiều ý kiến bạn đọc đã bày tỏ sự quan tâm, chia sẻ và mong muốn cần có cơ chế để thu hút và giữ chân người tài trong trường ĐH như tiến sĩ Lý Kim Hà.
Bày tỏ sự khâm phục, bạn đọc Vũ Trọng Giác (TP.HCM) cho biết cá nhân đã có thời gian làm giảng viên ĐH và cũng đã sống nhiều năm với việc khảo cứu. "Tôi vẫn dùng nghề tay trái để kiếm ăn, nuôi vợ con. Tôi hiểu cảm giác và lý do tại sao có những con người đáng kính nể như PGS trẻ này", người này viết.
"Anh Hà đang hạnh phúc hơn nhiều người"
Một số ý kiến bày tỏ sự chia sẻ với anh Hà. Bạn đọc tên Nhiên (TP.HCM) chia sẻ: "Đọc tự nhiên thấy vui vẻ. Cuộc sống nếu chỉ lấy tiền làm mục đích thì làm sao hiểu được hạnh phúc được học, được làm việc theo sở trường, đam mê của mình... Người trong bài vẫn có gia đình, vẫn cơm ngày 2 bữa đó thôi".
Đồng quan điểm này, anh Tuấn (TP.HCM) cũng ý kiến: "Anh Hà đang hạnh phúc hơn rất nhiều người vì bạn ấy hài lòng với cuộc sống, được làm những điều mình thích, gia đình thì yêu thương ủng hộ nhau, còn gì bằng. Tiền không mua được hạnh phúc như vậy đâu".
Một bạn đọc tại TP.HCM cũng nhìn nhận: "Đối với một số ít người thì thành công và hạnh phúc là được làm những gì mình thích và cống hiến cho xã hội thôi. Họ là đội ngũ góp phần thay đổi thế giới".
Mức lương chưa đủ để thu hút người tài
Ngược lại, ở một góc nhìn khác, một số ý kiến cho rằng mức lương nói riêng và thu nhập nói chung quá "bèo", chưa đủ để thu hút nhân tài. Rất nhiều người cho rằng cần có cơ chế để thu hút và giữ chân người tài trong các trường ĐH.
Vũ Nguyên (Bình Dương) đề nghị nhà nước cần có những chính sách đãi ngộ xứng đáng với những công dân có nhiều đóng góp cho đất nước.
"Không thể cào bằng tất cả vì khi cào bằng sẽ không tạo nhiều động lực để đạt những thành công cao hơn", Vũ Nguyên ý kiến.
Một bạn đọc ở TP.HCM phản hồi: "Nên có những chính sách phù hợp cho những GS, PGS thực chất để họ an tâm cống hiến tài năng cho đất nước".
Trao đổi với phóng viên Thanh Niên, giảng viên một trường ĐH công lập tại TP.HCM từng tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài cho rằng thực sự mức thu nhập các trường ĐH công lập chưa tự chủ tài chính đang trả cho giảng viên ở mức rất thấp so với bên ngoài. "Một người tốt nghiệp tiến sĩ nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, giỏi tiếng Anh mà chỉ nhận trên dưới 10 triệu đồng/tháng là rất thấp so với mặt bằng chung", người này nhìn nhận.
Tuy nhiên, cũng theo vị tiến sĩ này: "Mỗi người có lựa chọn khác nhau cho công việc của mình. Lương thấp nhưng họ chấp nhận những hạn chế này để nhận được thứ khác, theo đuổi niềm đam mê theo cách riêng. Như bản thân tôi thì đó là được làm nghiên cứu, tạo ra những điều có ích cho xã hội hơn là chỉ tập trung kiếm tiền cho bản thân mà làm những việc không hứng thú".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.