Chọn lối đi hẹp
Tiến sĩ Lý Kim Hà, giảng viên bộ môn giải tích, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, được xếp vào danh sách gần 30 ứng viên đạt tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (PGS) thuộc Hội đồng giáo sư ngành toán học.
Ấn tượng trong hồ sơ giảng viên trẻ này không phải bởi số lượng các công bố khoa học dày đặc, số lượng sách xuất bản nhiều hoặc từ các thành tích, giải thưởng về nghiên cứu khoa học, giảng dạy. Điểm nhấn trong bản hồ sơ tự khai này có lẽ là những sản phẩm nghiên cứu được thực hiện độc lập.
Tiến sĩ này hiện có 17 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí uy tín quốc tế gồm ISI, Scopus, SCI, SCIE… Trong đó có 13 bài Lý Kim Hà là tác giả duy nhất của bài báo. Không chỉ bài báo, sách giáo trình Nhập môn hàm phức nhiều biến đã được Nhà xuất bản ĐH Quốc gia TP.HCM xuất bản cũng do tác giả viết một mình.
Chia sẻ về con đường nghiên cứu độc lập này, ứng viên PGS nói: “Giải tích phức nhiều biến là một hướng nghiên cứu khá hẹp, riêng ở phía nam hiện nay rất hiếm người chọn hướng đi này. Vì vậy mà người làm nghiên cứu lĩnh vực này ở miền Nam có rất ít cơ hội để hợp tác”.
“Được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS chỉ là một bước ngoặt mở ra con đường mới để có thêm động lực tiếp tục con đường nghiên cứu, giảng dạy và có thể lập thêm nhóm nghiên cứu về hướng đi hẹp này”, ứng viên trẻ chia sẻ.
Từ chối mức lương gấp 4 lần hiện nay
Việc lựa chọn con đường sự nghiệp của anh là minh chứng rõ nhất cho sự tự tại trong cách sống.
Tốt nghiệp Trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), Lý Kim Hà theo học ngành toán - tin tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Cầm tấm bằng giỏi trên tay, Hà nhận được suất học bổng toàn phần học thẳng nghiên cứu sinh. Với chương trình ĐH dài 210 tín chỉ, Hà đã được chứng nhận tương đương học chuyển tiếp chương trình nghiên cứu sinh tại ĐH Nghiên cứu Padova (Ý).
Sau 3 năm, tiến sĩ trẻ quay trở về Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM để bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu. Nhớ lại thời điểm đó, tiến sĩ Lý Kim Hà nói: “Lúc đó thật sự có những sự lựa chọn hấp dẫn hơn, nếu chọn sẽ có mức lương cao hơn tới 4 lần con đường này. Nhưng mình đã dứt khoát lựa chọn, không lăn tăn dù biết chặng đường sắp đi sẽ chật vật”.
Năm 2014, tháng lương đầu tiên mà Hà nhận được tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM chính xác là 4 triệu đồng và 400.000 đồng phụ cấp. “Trước khi vào đã biết trước số tiền ấy nhưng khi nhận vẫn rất hụt hẫng, nhất là vợ mình - một giảng viên trường khác. Nhưng vợ vẫn ủng hộ, động viên và tụi mình cảm thấy ổn định qua từng ngày”, tiến sĩ tốt nghiệp ĐH nước ngoài thẳng thắn.
Trước câu hỏi của người viết về lựa chọn này đến thời điểm hiện nay, tiến sĩ Hà vẫn dứt khoát khẳng định đây là lựa chọn đúng. “Đúng vì chính nơi đây đã cho mình đạt được những điều mong muốn trong nghiên cứu và giảng dạy, đặc biệt là làm việc trong một môi trường tự do học thuật thực sự”, Hà nói.
Sau 5 năm, đến nay lương cứng mà tiến sĩ này nhận được đã tăng lên mức 5,5 triệu đồng/tháng. Nếu tính cả tiền giảng dạy, thu nhập có thể lên 8 - 9 triệu đồng/tháng.
Niềm vui dạy học
Mỗi tuần trung bình giảng viên này đến lớp 2 - 3 buổi, thời gian còn lại dành cho nghiên cứu. Lý Kim Hà là một giảng viên giàu nhiệt huyết trên giảng đường ĐH, nhưng trở về ngôi nhà trên đường Nguyễn Duy (Q.8, TP.HCM), người ta lại biết đến hình ảnh một người bưng bê phục vụ trong quán hủ tiếu của gia đình. Dù đã lập gia đình nhưng Hà hiện vẫn sống chung với ba mẹ và tham gia hỗ trợ giúp đỡ cha mẹ buôn bán.
“Những khi có thể, mình vẫn phụ giúp gia đình các việc trong quán ăn. Thu nhập từ quán hủ tiếu này đã nuôi lớn mình, giờ đây còn hỗ trợ một phần nuôi cả con trai mình”, giảng viên trẻ bộc bạch.
“Với người làm nghiên cứu, nếu muốn nhận được mức lương cao sẽ đồng nghĩa với áp lực và những ràng buộc nhất định. Còn ở đây, mình đi dạy và làm nghiên cứu theo đúng tinh thần tự do học thuật, không bị áp lực thì phải chấp nhận mức lương thấp”, nhà khoa học trẻ phân tích.
Cũng theo tân PGS này, nhà khoa học nếu tham gia vào thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu vẫn có thể ổn định được cuộc sống.
Bên cạnh việc nghiên cứu thì giảng dạy cũng có những niềm vui. Tiến sĩ Hà nói: “Niềm vui ấy đôi khi đơn giản là nhận được tin báo từ học trò vừa được trao học bổng cao học tại chính ngôi trường mình từng làm nghiên cứu sinh, khi chấm bài thi cuối kỳ thấy học trò giải được những bài mình đưa ra…”.
Bình luận (0)