PGS và mức lương 5,5 triệu đồng: Làm sao để người giỏi được làm việc theo đam mê?

Hà Ánh
Hà Ánh
06/12/2019 08:16 GMT+7

Chuyện một phó giáo sư (PGS) từng tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài được trả lương 5,5 triệu đồng/tháng khi lựa chọn hướng đi để thực hiện đam mê của mình đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Thu nhập tiến sĩ thấp hơn khi còn là kỹ sư !

Có nhiều giảng viên trẻ ở các trường ĐH công lập từng tốt nghiệp tiến sĩ ở nước ngoài nhưng nhận mức lương thấp.
PGS-TS Lý Kim Hà, giảng viên bộ môn giải tích, Khoa Toán - Tin Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, là một trong các trường hợp trên. PGS này tốt nghiệp tiến sĩ tại ĐH Nghiên cứu Padova (Ý), vừa được bổ nhiệm chức danh PGS năm nay. Năm 2014, tháng lương đầu tiên tiến sĩ trẻ này nhận được khi chính thức về làm việc tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM là 4 triệu đồng và 400.000 đồng phụ cấp. Sau 5 năm, lương cứng của giảng viên này tăng lên 5,5 triệu đồng/tháng và tính cả tiền dạy thu nhập mỗi tháng khoảng 8 - 9 triệu đồng. Trước đó, tiến sĩ này đã từ chối mức thu nhập cao hơn 4 lần để chọn lựa công việc hiện tại.
Tiến sĩ L., giảng viên một trường ĐH công lập tại TP.HCM, cũng từng tốt nghiệp tiến sĩ nước ngoài, hiện thu nhập mỗi tháng là 11 triệu đồng, gồm lương cơ bản và thu nhập tăng thêm. Trong khi đó năm 2012, là một kỹ sư nhưng anh L. đã có thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng.
“Thu nhập này nếu so với lương của một tiến sĩ nước ngoài tại trường ĐH quốc tế ở Việt Nam 1.000 USD hay 17 triệu đồng/tháng của một trường ĐH công lập tự chủ tài chính là rất thấp. Nếu làm một bài toán so sánh với thu nhập của nhiều sinh viên mới ra trường có thể nhận mức lương từ 10 - 15 triệu đồng/tháng thì càng thấy rõ sự khập khiễng, không hợp lý. Đặc biệt những tiến sĩ tốt nghiệp nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu quốc tế, trình độ tiếng Anh tốt làm việc trong môi trường giáo dục ĐH mà chỉ nhận mức lương từ 5 - 10 triệu đồng mỗi tháng”, tiến sĩ L. nhìn nhận.

Cần cơ chế hưởng nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu

Theo các giảng viên trẻ, dù thu nhập không cao nhưng họ vẫn chọn con đường giảng dạy, nghiên cứu là do đam mê.
Thế nhưng nếu gánh nặng mưu sinh quá lớn thì liệu các giảng viên này có tiếp tục theo đuổi đam mê? Điều quan trọng là cần làm gì để những người thực sự giỏi yên tâm về thu nhập để chọn công việc theo đam mê.
“Thu nhập không hợp lý nhưng người ta vẫn lựa chọn, có nghĩa họ chấp nhận sự hạn chế này vì những lý do riêng. Vì vậy, trường cần tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để làm việc. Với những người có đóng góp về khoa học, cần có cơ chế để tăng thêm thu nhập”, tiến sĩ L. đề xuất.
Nói về mức thu nhập hiện tại, PGS trẻ của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cho biết: “Giảng viên ĐH cũng là một viên chức nhà nước nên lương được trả theo quy định chung, rất khó để thay đổi. Điều quan trọng mình quan tâm là được tạo điều kiện tốt để làm nghiên cứu vì hiện tại các điều kiện này chưa thực sự ổn định, đặc biệt là các khoản tài trợ cho đề tài lúc có lúc không”.
Nhưng từ góc nhìn của các nhà quản lý lại có những mong muốn từ chính sách, cơ chế để có thể thu hút và giữ chân người giỏi làm việc trong môi trường giáo dục.
PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nói: “Cần tạo cơ chế thoáng cho các nhà khoa học làm việc và phát triển tối đa năng lực nhưng dù sao cũng phải tìm phương thức tăng nguồn thu nhập cho họ”.
“Các nhà khoa học cần trước hết là cơ chế, văn hóa và môi trường làm khoa học, giảm thủ tục, được ghi nhận thành tựu xứng đáng và sau đó mới là thu nhập cá nhân. Tuy vậy, để phát triển bền vững thì không thể không quan tâm đến các khía cạnh đảm bảo điều kiện”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.