Đây là điểm mới đáng chú ý của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Cán bộ, công chức và luật viên chức năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 25.11 vừa qua.
Bổ sung thêm 2 diện được xét tuyển
Theo luật mới chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2020, phương thức tuyển dụng công chức được thực hiện theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển (trừ trường hợp đặc biệt được quy định riêng).
Trong đó, phương thức tuyển dụng thông qua hình thức xét tuyển được thực hiện theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng công chức có 3 nhóm đối tượng.
Thứ nhất là cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Thứ hai là người học theo chế độ cử tuyển theo quy định của Luật giáo dục, sau khi tốt nghiệp về công tác tại địa phương nơi cử đi học. Thứ ba là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng.
Trong khi, theo quy định hiện hành của luật Cán bộ, Công chức quy định chỉ có một trường hợp công chức được tuyển dụng thông qua xét tuyển nếu đáp ứng được đồng thời 2 điều kiện: Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam, đủ 18 tuổi trở lên, có đơn dự tuyển, có lý lịch rõ ràng, có văn bằng, chứng chỉ phù hợp, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt…. Đồng thời, cam kết tình nguyện làm việc từ 5 năm trở lên ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
"Rất xứng đáng"
Điểm mới này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía sinh viên và trường ĐH. Lê Ngọc Minh Châu, thủ khoa đầu vào năm 2019 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói: “Đây sẽ là động lực lớn để sinh viên phấn đấu học tập, nỗ lực rèn luyện để đạt kết quả tốt nghiệp loại xuất sắc. Đây sẽ là cơ hội để người trẻ ngay khi tốt nghiệp ĐH tham gia vào đội ngũ công chức, viên chức nhà nước”.
Lại Thị Thanh Huyền, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM thì cho rằng điểm mới này chỉ xứng đáng khi mặt bằng đào tạo giữa các trường ngang nhau. Nếu có sự chênh lệch nhiều thì một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc trường này chưa chắc đã xuất sắc ở trường khác.
“Hơn nữa, nếu chỉ dành cho đối tượng sinh viên tốt nghiệp xuất sắc thì không có nhiều người có cơ hội, tại sao không bắt đầu từ người tốt nghiệp loại giỏi?”, Thanh Huyền đặt vấn đề.
Góc nhìn từ trường ĐH, thạc sĩ Đăng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đánh giá cao điểm mới này.
Theo ông Cường: “Một sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc được xét trên cả 2 phương diện học tập và rèn luyện, ngay khi tốt nghiệp được tham gia xét tuyển công chức mà không cần thi tuyển, là rất xứng đáng”.
Lý giải điều này, theo ông Cường, để tốt nghiệp xuất sắc không hề dễ dàng. Chẳng hạn, trong đợt tốt nghiệp vừa rồi tại Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, trong số trên 1.300 người chỉ có 5 sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc. Theo quy định của trường, sinh viên được xếp loại xuất sắc cần đồng thời có kết quả học tập và kết quả rèn luyện xuất sắc. Nếu chỉ có học lực xuất sắc và rèn luyện loại giỏi, sinh viên này sẽ bị hạ loại tốt nghiệp xuống loại giỏi.
“Những sinh viên xuất sắc không chỉ giỏi chuyên môn mà còn là công dân tốt, khi tham gia vào đội ngũ công chức sẽ có nhiều đóng góp cho nhà nước”, ông Cường nhấn mạnh.
Bình luận (0)