Thủ khoa chọn ngành không vì sức ép của cha mẹ

07/01/2020 08:24 GMT+7

Không lệ thuộc vào sự ép buộc của cha mẹ, tự chọn ngành nghề trên sự đam mê, yêu thích của cá nhân và nỗ lực cho quyết định của mình. Đó là bí quyết của các thủ khoa.

18 giờ ngày 6.1 tại Báo Thanh Niên đã diễn ra buổi tư vấn trực tuyến “Chọn ngành cùng thủ khoa” với 6 thủ khoa các trường ĐH năm 2019 và 2017. Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ thanhnien.vn, www.facebook.com/ thanhnien và YouTube Báo Thanh Niên.

Từ mê game đến thủ khoa, chỉ cần đam mê

Lê Thị Ngọc Ánh, ngành kinh tế đối ngoại, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, với 27,95 điểm (toán 9,6; lý 8,75; tiếng Anh 9,6) năm 2019, cho biết không thể phủ nhận độ “hot” của ngành kinh tế đối ngoại, nó giữ vị trí nhất định trong thị trường nghề nghiệp. Tuy nhiên, theo Ánh “nếu mình muốn tồn tại lâu dài trong ngành, thì không phải chỉ chọn ngành “hot” mà cần chọn cái mình đam mê”.
Với Trần Đức Lương, thủ khoa Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, chọn ngành đang theo học hoàn toàn không phụ thuộc vào bố mẹ, mà bản thân đã xác định từ đầu năm lớp 12 và theo đúng đam mê của mình. Từ nhỏ đã rất thích chơi game, trốn bố mẹ đi chơi và nhiều lần bị bố mẹ bắt được. Có năm Lương chơi trọn 3 tháng hè và cảm thấy mình đã quá nghiện. Nhưng cũng nhờ vào môi trường học có tính cạnh tranh cao, bạn bè cũng chia sẻ động viên và đặc biệt hơn là khi thấy bản thân sa sút việc học quá nhiều nên Lương quyết định từ bỏ game để ôn thi vào trường chuyên ở Nghệ An. “Nhiều đêm em nằm trằn trọc, có những lúc trằn trọc vì game, có những lúc trằn trọc về việc học. Tự thấy bản thân mình phải từ bỏ game vì ảnh hưởng quá nhiều đến bản thân. Và cuối cùng quyết tâm theo đuổi đam mê bằng cách khác, trở thành thủ khoa ngành an toàn thông tin với ước mơ sau này trở thành hacker thật giỏi. Và bí quyết của mình là phải cân đối giữa việc học và chơi”, Lương nhớ lại.
Phạm Vũ Dũng, thủ khoa Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo, thì cho hay lý do bạn chọn ngành này vì từ nhỏ đã đam mê với robot. Dũng kể: “Em xem không bỏ sót chương trình nào cuộc thi Robocon. Lúc đầu em cũng thấy lạ với ngành trí tuệ nhân tạo, khi đó thông tin của nhà trường về ngành chưa nhiều, em tự tìm hiểu trên mạng. Nhưng ngay khi nghe giới thiệu về ngành này, em đã hiểu là đúng đam mê của em rồi”. Dũng cho rằng để theo đuổi ngành trí tuệ nhân tạo, mỗi bạn trẻ cần có sự sáng tạo, để tạo ra những cái chưa từng có, khó hơn nữa.
Đào Ngọc Minh Huy, thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2017, lại mong muốn sau này chăm sóc sức khỏe cho ba mẹ, những người trong gia đình và rộng hơn là được chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng. Bản thân cảm nhận được đây là một công việc rất ý nghĩa nên quyết tâm theo đuổi. Vì chọn theo đam mê nên Huy không hề hối hận với ngành học đang theo đuổi, mặc dù theo Huy, ngành y là một ngành rất khó, lịch học, lịch thực tập dày đặc. “Chính vì thế, nếu bạn nào không thật sự yêu thích thì rất dễ bị nản và bỏ giữa chừng. Nếu như đam mê của bạn là một hướng đi khác, thì đừng nghe theo ai đó mà chọn ngành y. Vì thực tế xung quanh mình, có những bạn vì áp lực học quá lớn, các bạn đã thấy hoang mang và có ý muốn bỏ cuộc, nên có bạn học đến giờ vẫn chưa thật sự biết bản thân có muốn đi theo ngành học này hay không”, Huy khuyên.
Thủ khoa chọn ngành không vì sức ép của cha mẹ1

Sáu thủ khoa sẽ cùng tham gia chương trình Tư vấn mùa thi 2020 của Báo Thanh Niên

ẢNH: NỮ VƯƠNG

Chưa biết đam mê, chọn ngành ra sao ?

Trong khi đó, Nguyễn Ngọc Băng Tâm, thủ khoa Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM năm 2019, chia sẻ lý do chọn ngành khoa học máy tính của mình là từ ngày học THPT, bạn đã sử dụng điện thoại di động nhiều.
“Trong một lần đi chơi xa về, em dùng điện thoại, dùng ứng dụng BusMap để tìm đường về nhà, đây là ứng dụng của một cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM rất hay, tiện lợi. Em mong muốn cũng theo đuổi ngành công nghệ, tạo ra nhiều sáng tạo ý nghĩa cho mọi người, góp phần làm cho cuộc sống của mọi người tốt hơn”, Băng Tâm kể lại. Bí quyết để chọn đúng ngành của Băng Tâm là tham gia nhiều CLB, hoạt động ngoại khóa ở trường THPT, để từ đó tìm ra ngành nghề mình thích. “Ví dụ, em tham gia CLB truyền thông và có lúc đam mê truyền thông, có lúc em tưởng thi ngành y, nhưng em nhận ra môn toán với em là thế mạnh hơn cả. Và em chọn ngành khoa học máy tính. Em thấy rằng không ai chỉ đam mê một thứ duy nhất, đó là người chưa trải nghiệm đủ nhiều. Nếu bạn chưa biết đam mê của mình là gì, hãy tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa và tìm ra cái bạn sẽ thích, hợp và đam mê”, Băng Tâm chia sẻ.
Còn với thủ khoa Ngọc Ánh, việc chọn ngành là một công việc rất phức tạp, nếu đã có đam mê sơ khởi thì chọn ngành dễ, còn không biết mình thích gì, mình sẽ trở thành ai trong tương lai, chỉ cắm cúi học thì khó hơn. “Em muốn nhắn với các bạn học sinh THPT, nếu các bạn không biết đam mê gì, thì thấy mình học giỏi cái gì nhất thì tự định hướng cho mình, rằng mình sẽ phải trở thành ai, điều này cũng phụ thuộc vào tài chính gia đình, điều kiện, xu hướng ngành nghề trong tương lai nữa”, thủ khoa Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM năm 2019 nói.
Với Nguyễn Phú Nghĩa, thủ khoa Trường ĐH Bách khoa TP.HCM năm 2017, thì: “Trong chọn ngành, sở thích nên đi kèm với khả năng. Vì mình có thích thú với công việc đó, nhưng chỉ khi thực sự dấn thân vào mới biết mình có năng lực với nó hay không. Chẳng hạn như một bạn thích thể thao nhưng sức khỏe không tốt thì sẽ bị hạn chế rất nhiều. Nên thích là một chuyện hoàn toàn khác, phải thử và sai thì mới biết được mình thật sự phù hợp với điều gì nhất”, Nghĩa chia sẻ.
Để làm tốt bài thi đánh giá năng lực
Là thủ khoa theo hình thức thi đánh giá năng lực, Nguyễn Phú Nghĩa cho biết đề thi đánh giá năng lực gồm 150 câu nhưng trải đều hết các lĩnh vực đã học ở trường, chỉ cần khả năng đọc hiểu. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không cần ôn gì vì còn áp lực về thời gian, nên cần phải chuẩn bị trước. Học đều các môn sẽ giúp làm tốt được bài thi và tránh được tình trạng học lệch. Vì tất cả những môn học đều có những giá trị nhất định trong cuộc sống. “Các bạn có thể tham khảo đề thi mẫu trên trang web các trường”, Nghĩa gợi ý.
Bí quyết trở thành thủ khoa 30/30 điểm
Thủ khoa với số điểm tuyệt đối 30/30 điểm nhưng với Đào Ngọc Minh Huy bí quyết chỉ là “nếu có phương pháp học một cách hợp lý thì có thể giải quyết được”. Và quan trọng nhất vẫn là tính cẩn thận. Vì thi trắc nghiệm nên giá trị của các câu đều tương đương nhau, những câu dù dễ hay khó thì điểm số cũng sẽ như nhau nên phải thật cẩn thận ở từng câu. Ai là người cẩn thận hơn thì kết quả sẽ tốt hơn.
Cũng theo Huy, với hầu hết các thí sinh, thời gian ôn thi thường sẽ thức khuya, thậm chí mất ăn mất ngủ chỉ vì lo lắng. Nhưng điều này là không nên vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. “Các bạn thường nhầm tưởng là học nhiều thì sẽ nhớ nhiều nhưng chúng ta chỉ nhớ được nhiều và hấp thu kiến thức hiệu quả khi đầu óc tỉnh táo nhất”, Huy nói.
Năm 2020, Trường ĐH Luật TP.HCM dừng tổ chức kiểm tra năng lực
Hôm qua, Trường ĐH Luật TP.HCM công bố phương án tuyển sinh chính thức năm 2020. Theo thạc sĩ Lê Văn Hiển, Phó trưởng phòng Đào tạo nhà trường, năm 2020 trường sẽ thay đổi căn bản phương thức tuyển sinh. Cụ thể, trường không tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực mà thay vào đó sẽ áp dụng 2 phương thức tuyển sinh độc lập, gồm: xét tuyển thẳng (25% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia năm 2020 (75% tổng chỉ tiêu).
Trường xét tuyển thẳng các thí sinh thuộc diện được xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT và các quy định của trường.
Như vậy, trường này chính thức dừng tổ chức kỳ kiểm tra năng lực để xét tuyển thí sinh vào trường, sau 4 năm thực hiện (chính thức từ năm 2016). 
Hà Ánh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.