"Lý Chính Thắng trước kia học ở trường Thăng Long. Ra Hà Nội, Thắng gặp vợ anh Ngọc, chị Tụy Phương, nguyên trước kia cũng cùng học trường Thăng Long. Hai anh chị này giới thiệu Thắng với anh Trường Chinh. Anh Trường Chinh bảo chị Kỳ (vợ anh Văn Tiến Dũng) mang một số tài liệu và thư triệu tập đại biểu Nam bộ ra dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và dự Quốc dân đại hội cử Chính phủ Quốc dân lâm thời tại Tân Trào”, cụ Hà Huy Giáp nói tiếp.
Qua hồi ký của cụ Hà Huy Giáp, chúng tôi đã lần lượt ráp nối con người và sự kiện đóng góp vào những ngày Cách mạng tháng Tám 1945 tại Nam bộ.
Những ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám năm nay, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ tròn 100 tuổi đời, chuẩn bị đón nhận Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng. Trong hồi ký của mình, cụ đã kể lại công tác giao liên chuyển tài liệu của Trung ương Đảng cùng thư triệu tập đại biểu Nam bộ ra dự Hội nghị toàn quốc của Đảng cùng Quốc dân đại hội Tân Trào (8.1945).
Chồng bắc, vợ nam
“Ngày 5.4.1945, tôi theo anh Trường Chinh đến một chỗ đã hẹn trên đê làng Dâu. Dọc đường, anh hỏi tôi rất tỉ mỉ về sự sắp xếp gia đình. Tôi không dám nói hết công việc đã xảy ra, sợ anh thêm suy nghĩ.
- Còn gì khó khăn nữa không? Anh hỏi.
Tôi chỉ đáp: - Thưa anh, ổn cả rồi.
Từ xa, gần một quán gạch, tôi đã thấy thấp thoáng bóng một người mặc áo dài đen, đội mũ “cát” trắng, người hơi thấp, đi đi lại lại, vẻ chờ đợi.
Anh Hoài! Ôi, gặp gỡ đột ngột làm sao! Lần này, anh Trường Chinh hẹn gặp anh Hoài để trao một nhiệm vụ đặc biệt cho anh ấy sau một thời gian vượt ngục ra bị ốm nặng”.
Anh Hoài tức Lê Hoài là bí danh của ông Văn Tiến Dũng hồi đó. Sau này, ông trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Cuộc gặp gỡ của đôi vợ chồng trẻ trước khi vào Nam công tác được bà Kỳ kể tiếp:
“Thấy anh cứ nhìn mái tóc chải bồng, chiếc áo dài lụa màu kẻ ô vuông và đôi dép cao gót của tôi, tôi vội nói:
- Em phải mặc thế này để ngày mai đi tàu vào Nam cho dễ đấy, anh ạ!
Những phút gặp gỡ ấy thật ngắn ngủi. Công tác của hai chúng tôi đều không cho phép chúng tôi ngồi lâu với nhau. Chúng tôi chia tay, bịn rịn, lưu luyến. Bao nhiêu ngày xa cách, bao nhiêu câu chuyện cần nói. Gặp nhau vội vã, không kịp ăn với nhau một bữa cơm, tâm sự với nhau trọn một buổi. Đảng đã đề ra chủ trương chuẩn bị gấp rút tổng khởi nghĩa. Tôi mang tài liệu đi Nam. Chồng tôi lên ngay chiến khu dự Hội nghị quân sự Bắc kỳ do Trung ương triệu tập. Thế là lại chồng Bắc, vợ Nam”.
Trước lúc chia tay, ông Hoài dặn vợ: “Rồi chúng mình sẽ gặp lại nhau sau ngày chiến thắng”.
Ông bà đại tướng Văn Tiến Dũng - Nguyễn Thị Kỳ |
Tư liệu gia đình |
Vào vai người vợ
Đứng chờ trước cửa một nhà hộ sinh, nhận thấy đúng người con trai mặc trang phục có những dấu hiệu được thông tin trước đó, bà Kỳ tiến lại. Hai người nhận ra nhau theo ám hiệu. Đó là Lý Chính Thắng, người của Xứ ủy Nam kỳ (sau Cách mạng tháng Tám gọi là Xứ ủy Nam bộ) cử ra gặp Trung ương xin chỉ thị công tác. Qua giao liên Nguyễn Thị Kỳ, Tổng bí thư Trường Chinh đã làm việc với Lý Chính Thắng. Được gặp Trung ương rồi, ông cấp tốc nhận chỉ thị cùng tài liệu rồi trở vào Nam ngay.
“Thế là chuyến đi của tôi vào trong đó không phải một mình mò mẫm nữa mà đã “có vợ có chồng” cùng đi”, bà Kỳ kể tiếp.
“Anh Thắng tuổi trạc ba mươi, người nhanh nhẹn, hay nói chuyện. Từ Nam ra, anh mặc rất sang, đóng vai một công chức loại “sộp”, có giấy tờ, ảnh tít do chánh đoan Sài Gòn ký cấp (tất nhiên là giấy tờ giả). Để che mắt bọn mật thám, tôi phải đóng vai vợ anh và cũng vận tân thời, áo lụa màu, vòng nhẫn đeo lòe loẹt…
Anh Thắng tỏ vẻ rất vui, phần đã gặp được Trung ương, hỏi được những vấn đề cấp bách cho phong trào, phần vì trên đường về lại có thêm tôi cùng đi”.
Giữa năm 1946, Lý Chính Thắng ngã xuống để bảo vệ nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được. Sau này mỗi khi nhắc lại, bà Nguyễn Thị Kỳ vẫn trân trọng người cán bộ liên lạc của Xứ ủy Nam kỳ đã chăm sóc và bảo vệ bà hết sức chu đáo dọc đường vào Nam. Chuyến đi đầy thử thách rồi cũng đến đích. Họ tới Sài Gòn sau những hiểm nguy rình rập đã vượt qua.
“Sau chuyến vào Nam đầu tiên cùng với anh Lý Chính Thắng, tôi còn được cử đi hai chuyến nữa. Lần thì đưa cán bộ từ Bắc và tài liệu vào, đón đại biểu của Nam kỳ ra Hội nghị Tân Trào, lần thì mang Chỉ thị Tổng khởi nghĩa của Trung ương cho các đồng chí trong đó”.
(Hồi ức của bà Nguyễn Thị Kỳ)
“Anh Thắng hoạt động ở đây lâu rồi, quen biết nhiều như hổ về rừng - Bà Kỳ hồi tưởng - Anh đưa tôi qua nhiều ngõ ngang, phố vắng, rồi tới một cơ sở xóm thợ Ba Son. Tôi trút toàn bộ cái lốt tân thời xứ Bắc và mấy thứ trang sức bằng vàng giả ra, mặc bộ áo lụa đen bà ba vào, búi tó lại, hệt như một cô gái lao động Sài Gòn vậy”.
Vào tới Sài Gòn, bà Kỳ đã chuyển giao tài liệu cho các ông Ung Văn Khiêm và Hà Huy Giáp. Ngày 23.8.1945, Sài Gòn khởi nghĩa! Giao liên Nguyễn Thị Kỳ được sống những ngày lịch sử ấy ở xóm Chiếu ngoại ô Sài Gòn.
“Trong những ngày cùng đồng chí và đồng bào Nam bộ reo mừng đến khản cổ, tôi vẫn thấy hình ảnh Hà Nội rực sáng trong lòng tôi, vẫy gọi tôi”, cụ bà Nguyễn Thị Kỳ nhớ lại.
(còn tiếp)
Bình luận (0)