Đây là lần đầu tiên, người dân được quyền cùng nhà nước quản lý vỉa hè trước nhà như giữ vệ sinh, chăm sóc cây xanh, được nhà nước cung cấp thông tin các đơn vị sử dụng, thi công vỉa hè để góp ý, giám sát, nhằm bảo vệ và kịp thời phát hiện tình trạng lấn chiếm, làm hư hỏng vỉa hè.
Đề án thí điểm này xuất phát từ thực trạng lâu nay người dân có nhu cầu tự bỏ tiền ra để chỉnh trang đẹp hơn nhưng phải xin phép, trong khi hằng năm thành phố phải bố trí khoản kinh phí chi thường xuyên lớn cho duy tu vỉa hè.
Ngay cả muốn xin phép, không phải ai cũng biết cơ quan quản lý (phường/quận/sở) nên đa số thường chọn cách tự sửa chữa, nếu bị lực lượng chức năng phát hiện thì xin sau. Việc dân chấp nhận bị xử phạt trong khi tự chịu chi phí "làm đẹp" cho cảnh quan công cộng là một nghịch lý mà cơ quan quản lý cần giải quyết để ghi nhận thiện chí của hộ dân, từ đó khuyến khích huy động sức mạnh cộng đồng, giảm áp lực ngân sách cho hạ tầng đô thị.
Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa dẫn đến công việc của lực lượng quản lý hạ tầng giao thông, vỉa hè ngày càng nhiều, nhưng vẫn không kịp thời do khối lượng lớn. Trong khi đó, người dân có thể nhanh chóng phát hiện hư hỏng trước nhà.
Đề án huy động nguồn lực người dân sửa chữa, nâng cấp vỉa hè trước nhà cho thấy quan điểm cởi mở về việc người dân có quyền được làm tốt hơn, đẹp hơn cho xã hội.
Đặc biệt, từ chỗ phải xin giấy phép xây dựng vỉa hè trước đây, người dân chỉ cần thông báo sửa chữa đến phường, cho thấy thay đổi lớn về phương thức quản lý nhà nước. Đó là không còn suy nghĩ "xin - cho" từ hướng của cơ quan công quyền mà xuất phát từ việc lấy người dân làm chủ thể, người dân được đặt ở vị trí trung tâm, thông báo đến cơ quan chức năng. Đây chính là động lực trong việc kích thích sức mạnh, nguồn lực xã hội, phù hợp với định hướng "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".
Bình luận (0)