Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi, hiểm họa khôn lường

09/04/2025 07:01 GMT+7

Các vụ tai nạn chết người liên tiếp xảy ra ở nhiều địa phương thời gian gần đây khi nạn nhân là học sinh chạy xe máy, trong khi nhiều gia đình vẫn giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển xe.

Học sinh chạy xe máy gây tai nạn đau lòng

Sáng 30.3, N.T.P (15 tuổi, đang học lớp 9, ngụ xã Hà Linh, H.Hương Khê, Hà Tĩnh) sử dụng xe máy chở em trai là N.T.Đ (13 tuổi, học lớp 7) chạy trên tuyến QL15 qua xã Hà Linh. Khi xe chạy đến đoạn đường cong thì lấn sang làn bên trái đường và tông vào xe tải đang chạy hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến cả hai anh em tử vong. Hình ảnh từ camera hành trình của xe ô tô cho thấy P. điều khiển xe máy với tốc độ nhanh và lấn làn, không làm chủ được tay lái nên gặp nạn.

Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi, hiểm họa khôn lường- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn ở Hà Tĩnh khiến hai anh em ruột tử vong, cả hai là học sinh chạy xe máy

ẢNH: TÂN KỲ

Ông Bùi Ngọc Du, Chủ tịch UBND xã Hà Linh, cho biết vụ tai nạn nói trên xảy ra vào sáng chủ nhật, cách nhà nạn nhân khoảng 2 km. Khi hai con gặp nạn, người bố đang lao động ở nước ngoài nhận tin dữ đã phải về quê để chịu tang con. Theo ông Du, tuyến QL15 qua xã khá hẹp và nhiều khúc cua nên thường xuyên xảy ra tai nạn. Từ đầu năm đến nay đã xảy ra 7 vụ tai nạn giao thông làm 5 người chết. Kể về vụ tai nạn khiến hai anh em ruột tử vong, ông Du tiếc nuối: "Giá như gia đình quyết liệt hơn, không cho con em mình đi xe máy thì tai nạn đã không xảy ra".

Trước đó, đêm 11.3, hai học sinh lớp 9 ở xã Hương Trạch, H.Hương Khê, Hà Tĩnh là B.K.H.A và N.G.H chở nhau bằng xe máy di chuyển trên đường Hồ Chí Minh cũng va chạm với xe đầu kéo chạy theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn khiến 2 nam sinh này tử vong.

Ngày 21.2 trên QL7A, 3 nữ sinh lớp 8 chở nhau trên 1 xe máy chạy trên QL7 qua H.Kỳ Sơn, Nghệ An đã va chạm với xe máy do 2 nam sinh lớp 10 chạy hướng ngược lại. Tai nạn khiến 2 người tử vong, 3 người bị thương. 

Ngày 31.3, 2 học sinh lớp 11 ở H.Tân Kỳ, Nghệ An đèo nhau trên chiếc xe máy không lắp biển số để đi học. Trưa cùng ngày, trên đường về nhà, khi đang chạy trên đường Hồ Chí Minh, xe máy này đã tông vào đuôi xe bán tải đang chuyển làn khiến 1 em tử vong, em còn lại bị thương nặng. 

Trước đó không lâu, một vụ tai nạn giao thông khác đã xảy ra tại H.Yên Thành, Nghệ An, khiến 1 học sinh lớp 11 tử vong và 1 học sinh khác bị thương khi cả hai chở nhau trên xe máy đến trường và tông trực diện vào xe tải đang chạy hướng ngược lại.

Ngoài những vụ tai nạn kể trên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội liên tục đăng tải nhiều video về các vụ tai nạn giao thông do học sinh chạy xe máy được camera ghi lại. Các vụ tai nạn đều xuất phát từ việc học sinh chạy xe phóng nhanh, lấn làn, qua đường không quan sát, kỹ năng xử lý tình huống yếu.

Lỗi phần lớn từ phụ huynh

Tại Hà Tĩnh, thời gian qua, dù lực lượng CSGT Công an tỉnh này đã vào tận trường học để tuyên truyền và xử lý học sinh vi phạm luật giao thông, tuy nhiên, tình trạng học sinh vi phạm vẫn khá phổ biến, đặc biệt là điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi quy định. 

Một cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh Hà Tĩnh cho hay, quy định về độ tuổi, các phương tiện học sinh được sử dụng tham gia giao thông đã có từ lâu. Dù đã được tuyên truyền, phổ biến và ký cam kết nhưng một số học sinh vẫn chưa có ý thức chấp hành. 

Ngoài vấn đề ý thức của học sinh, việc phụ huynh giao xe cho con em khi chưa đủ điều kiện sử dụng phương tiện, nhà trường cũng chưa giám sát chặt chẽ, là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn.

Giao xe máy cho con chưa đủ tuổi, hiểm họa khôn lường- Ảnh 2.

Lực lượng CSGT Công an Hà Tĩnh vào trường học để xử lý học sinh đi gắn xe máy khi chưa đủ tuổi

ẢNH: TÂN KỲ

Lãnh đạo một trường THPT ở H.Quỳ Hợp, Nghệ An cho biết nhà trường đã tuyên truyền rất nhiều cho học sinh, yêu cầu ký cam kết không đi xe máy trên 50 phân khối, nhưng rất khó giám sát. Học sinh đi xe máy thường lén gửi ở nhà dân gần trường nên nhà trường khó phát hiện. 

"Chúng tôi vẫn thường kiểm tra các nhà dân này, khi phát hiện có xe máy học sinh gửi thì báo với lãnh đạo xã để cho kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, vài bữa sau thì đâu lại vào đó", vị này nói và cho hay, một số học sinh nhà ở xa trường, thường gây áp lực với bố mẹ giao xe máy mới chịu đi học, bố mẹ do chiều con nên vẫn giao xe.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, cho biết trong trường, các cấp học đều có giờ học về an toàn giao thông. Những năm qua, sở đã phối hợp với Ban ATGT quốc gia và tỉnh tổ chức tập huấn cho giáo viên, tuyên truyền cho học sinh. Ngoài ra, các trường đã phối hợp với gia đình nghiêm cấm học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt như kỳ vọng. 

"Mô hình an toàn giao thông trước cổng trường thì rất tốt, nhưng trên đường thì chưa vì nhiều học sinh vẫn chạy xe máy, đi xe không tuân thủ luật giao thông. Sắp tới, chúng tôi sẽ triệu tập toàn bộ hiệu trưởng các cấp để phổ biến và làm mạnh việc này, yêu cầu các trường mời phụ huynh đến ký cam kết không giao xe máy, xe máy điện cho con khi chưa đủ tuổi và sẽ phối hợp với công an để kiểm tra, xử lý trên đường và xử lý các nhà dân giữ xe máy cho học sinh", ông Thành nói.

Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ 2024 quy định người chưa đủ 16 tuổi chưa được điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối, chưa đủ 18 tuổi chưa được điều khiển xe máy trên 50 phân khối. 

Nghị định 168/2024 quy định phạt tiền 8 - 10 triệu đồng với cá nhân, 16 - 20 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe máy giao xe cho người không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông. 

Ngoài ra, nếu thiếu niên điều khiển xe gây tai nạn nghiêm trọng, đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng chưa đủ tuổi, người giao xe có thể bị phạt tù.

Năm 2024, lực lượng CSGT Nghệ An đã phát hiện, xử lý 2.791 trường hợp vi phạm do giao xe hoặc để xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông và đã gửi 19.206 thông báo vi phạm đến các trường học để nhà trường có biện pháp xử lý và giáo dục học sinh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.