Dập nát tay vì điện thoại phát nổ: Người trẻ vẫn quen vừa dùng điện thoại vừa sạc pin

28/11/2019 19:03 GMT+7

Điện thoại phát nổ do vừa dùng vừa sạc pin gây hậu quả nặng nề và thậm chí tử vong, đã được cảnh báo. Thế nhưng, thói quen người dùng dường như chưa thay đổi khi ngày càng nhiều những ca tai nạn tương tự xảy ra.

Liên tiếp nhiều vụ tai nạn

Mới đây, một bệnh nhân nam (16 tuổi, ở Thanh Hóa) bị đa chấn thương do điện thoại phát nổ trong lúc sạc. Theo thông tin ban đầu, bệnh nhân trong lúc sử dụng điện thoại thì hết pin nên đã cắm điện thoại vào sạc dự phòng. Trong khi vừa dùng điện thoại vừa sạc, điện thoại đã phát nổ khiến nạn nhân bị đa vết thương nghiêm trọng. Trong đó bị vết thương hàm mặt, vùng ngực, bên đùi phải và dập nát toàn bộ bàn tay trái.

Trước đó, ngày 2.10, một nạn nhân (18 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu) tử vong sau vụ nổ điện thoại iPhone cũng do vừa dùng điện thoại vừa sạc pin.

Nhiều bạn trẻ vẫn không thay đổi được thói quen vừa sạc pin vừa sử dụng điện thoại

HOA NỮ

Cuổi tháng 9, một nạn nhân nam (27 tuổi, Quảng Ngãi) cũng tử vong khi đang nằm trên giường ngủ, bên cạnh chiếc điện thoại bị nổ. Trường hợp này ghi nhận cũng do vừa dùng điện thoại vừa sạc pin.

Ngày 10.9, bệnh nhân sinh năm 1994 tại Quảng Trị  cũng nhập viện điều trị trong tình trạng dập nát bàn tay trái, mặt bỏng nặng do vừa chơi game vừa sạc điện thoại.

Nhiều sự việc đau buồn đã xảy ra nhưng trên thực tế, khi người viết hỏi thì đa phần các bạn trẻ đều trả lời vẫn chưa thay đổi được thói quen.

Nhiều bạn còn nhầm tưởng cho rằng chỉ phát nổ khi cắm vào nguồn điện sạc, còn dùng pin sạc dự phòng sẽ an toàn. Nhưng sự việc bệnh nhân 16 tuổi phải cắt cụt 1/3 dưới cẳng tay trái do bàn tay đã bị dập nát vì sử dụng điện thoại khi đang cắm vào sạc dự phòng, sẽ là hồi chuông cảnh báo cho giới trẻ về sự chủ quan. 

Thói quen rất khó thay đổi

Khi người viết hỏi: “tại sao có nhiều vụ tai nạn thậm chí là tử nạn vì dùng điện thoại trong lúc sạc pin mà các bạn vẫn sử dụng như vậy?”, thì mẫu số chung các câu trả lời của người trẻ là “vì thói quen rất khó để thay đổi”.

Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thành thật chia sẻ: “Mình đã đọc được rất nhiều thông tin về các vụ nổ điện thoại khi vừa dùng vừa sạc, thật sự cũng rất sợ, đã nhiều lần cố không sử dụng khi đang sạc pin nhưng có những lúc do thói quen nên lại quên. Như những lúc đi ngủ, thường sẽ cắm điện thoại sạc, nhưng cứ cầm điện thoại lướt lướt một lát rồi mới chịu đi ngủ”.

Ngọc nói thêm: “Cũng khó lắm, khi đã là thói quen rồi thì tuyệt nhiên rất khó thay đổi”.

Là con gái nhưng Nguyễn Thị Ngọc Na, cựu sinh viên ngành ngôn ngữ Anh Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định) rất mê chơi game, và mỗi lần đang chơi mà điện thoại sắp hết pin là Na vẫn cắm điện thoại vừa sạc và vừa chơi. Na nói: “Dạo gần đây nghe nhiều tai nạn vì dùng điện thoại lúc sạc pin nên người yêu thường hay nổi cáu nếu biết mình vừa sạc pin vừa chơi game. Nhưng đang chơi mà, mình nghỉ ngay thì đồng đội của mình sao. Mình cũng đã hạn chế là sạc pin đầy trước khi chơi game, chỉ là những lúc hy hữu quá nên cũng làm liều”.

Còn Phan Hoài Nguyên, cựu sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, thì nói: “Mình học về công nghệ nên cũng hiểu được những vấn đề này. Nhưng cũng có đôi khi vẫn dùng như vậy, chẳng hạn những lúc đang làm gì đó mà hết pin thì phải vừa sạc vừa dùng, hoặc có khi đang sạc pin nhưng ngồi rảnh rỗi quá lại cầm điện thoại lên lướt”.

Bạn Trần Gia Nguyễn, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, thì thẳng thắn nói: “Mặc dù mình có đọc được những thông tin gây nổ nhưng mình tin tưởng vào chất lượng điện thoại đang xài nên không sợ nổ. Theo mình những điện thoại chạy theo thiết kế mỏng... mới nguy hiểm. Tại vì thường nhà sản xuất sẽ cắt giảm nhiều linh kiện để nó đẹp hơn, trong khi đó khả năng tản nhiệt không tốt, hay ép viên pin dung lượng quá lớn vào một thiết kế cực mỏng mới dễ gây nổ”.

Nguyên nhân gây nổ là do nhiệt độ

Phân tích về các nguyên nhân gây ra những vụ nổ điện thoại trong khi vừa dùng vừa sạc pin, anh Hoàng Lê Quang Nhật, giảng viên Khoa công nghệ Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai, cho biết chất điện môi trong pin sẽ sôi lên khi đạt tới nhiệt độ cao, nhẹ nhẹ thì pin phồng lên, nặng thì nổ luôn. Nguyên nhân cốt lõi là nhiệt độ.

Còn các vấn đề gây ra sự quá nhiệt trên pin thì gồm có nhiệt độ từ máy như máy đang hoạt động hết công suất (vừa chơi game vừa sạc), nhiệt độ do quá trình nạp xả pin. Để ý khi sạc, các loại pin đều nóng lên, nhưng các hãng sản xuất luôn gắn cảm biến nhiệt cho pin để hạn chế nguy hiểm này.

“Cuối cùng do bộ sạc bị hư, hoặc mạch sạc bị hư. Ví dụ như để sạc điện thoại củ sạc thường là 5V, nhưng nếu bị hư hoặc sạc không phù hợp (củ sạc nhanh lên tới 9V) làm pin bị nạp điện nhanh quá nên nóng lên rồi nổ. Điện thoại cũ thì còn nguy hiểm hơn khi mạch sạc bị hư còn có thể gây ra giật điện cho người sử dụng”, anh Nhật nhận định.

Anh Nhật cho biết nguyên lý gây nổ là do dùng sai hướng dẫn của nhà sản xuất, gây quá nhiệt trên pin và nổ. 

Theo anh Nhật vừa dùng điện thoại vừa sạc thì nên tháo ốp lưng ra, vì ốp lưng tạo ra 1 lớp cách nhiệt khiến người dùng không biết được pin đã nóng như thế nào.

Về quan điểm mà Gia Nguyễn đặt ra là các điện thoại thiết kế mỏng mới dễ làm điện thoại phát nổ, anh Nhật cho rằng nhà sản xuất phải vượt qua các tiêu chuẩn kiểm định mới được cấp phép sản xuất (trừ hàng trôi nổi), chẳng ai muốn sản phẩm mình làm ra gây nguy hiểm cho khách hàng. Hiện nay các thiết kế nguyên khối giúp nhà sản xuất có nhiều không gian hơn cho pin, làm pin có dung lượng lớn nhưng điện thoại vẫn mỏng hơn. Nên sẽ không có vấn đề cắt giảm linh kiện, nhưng có thể là dùng các linh kiện giá rẻ và có tuổi thọ thấp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.