Sinh viên tạo giá trị mới cho cây thanh long

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
21/10/2019 08:19 GMT+7

Những bông hoa thanh long bị bỏ đi làm ô nhiễm môi trường và lây lan dịch hại ở cây trồng, đã được nhóm sinh viên Trường ĐH Nông Lâm tận dụng để tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe , giúp người nông dân có thêm thu nhập.

Dự án “Sản phẩm cao cấp từ hoa thanh long” của 3 sinh viên (SV) Nguyễn Hữu Tuấn, Nguyễn Thi Mỹ Duyên và Phạm Thị Như Quỳnh (cùng học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM).
Nguyễn Hữu Tuấn, nhóm trưởng của dự án trên, cho biết: “Trên toàn quốc có 32 tỉnh thành trồng thanh long với số lượng búp, hoa thanh long bỏ đi rất nhiều (khoảng 700.000 tấn/năm), gây ảnh hưởng tới môi trường, lây lan dịch hại”.
Dự án của nhóm SV tận dụng nguồn nguyện liệu dồi dào này thành các sản phẩm phục vụ sức khỏe cho con người. Với các dòng sản phẩm như: trà túi lọc hoa thanh long, trà từ nhị hoa thanh long, hoa thanh long sấy khô, thực phẩm chay từ hoa thanh long, cao dược liệu từ hoa thanh long, thanh long muối chua… dự án giúp cho người nông dân trồng cây thanh long có thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm, tạo thêm giá trị mới từ cây thanh long.
Nguồn nụ thanh long này thu từ các nhà vườn chính là phần nụ bị loại bỏ bớt để giúp cây tập trung sức phát triển thành trái với khoảng 500 kg/ha. Do bị loại bỏ trước khi phun thuốc nên nụ thanh long là nguồn nguyên liệu hoàn toàn sạch.
Dự án này của nhóm được thực hiện vào tháng 2.2019 với sự hỗ trợ của PGS-TS Trần Thị Lệ Minh, Phó trưởng bộ môn công nghệ sinh học và PGS-TS Kha Chấn Tuyền, Phó khoa Công nghệ thực phẩm, cùng với Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía nam. Đặc biệt, khi đến những nơi có trồng cây thanh long, nhóm được bà con nông dân vô cùng tin tưởng, động viên và góp sức để giúp các sản phẩm nhanh chóng được ra đời.
Với lợi thế học ngành công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm nên nhóm trực tiếp nghiên cứu, tham gia vào các công đoạn của quá trình sản xuất. Nguyễn Thị Mỹ Duyên chia sẻ: “Trà từ nhị hoa thanh long có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh, dễ uống. Đây sẽ là nguồn nguyên liệu tiềm năng để kết hợp với một số loại dược liệu khác để tạo nên nhiều loại trà hỗ trợ điều trị mất ngủ, có tính chống viêm, làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch… Còn trà túi lọc là sự kết hợp hài hòa giữa búp thanh long, lá bạc hà, cỏ ngọt giúp dễ ngủ, mát gan, thông mật, lợi tiểu, hạ cholesterol. Sản phẩm ăn chay từ búp hoa thanh long thì chứa nhiều chất dinh dưỡng, và là vị thuốc thông dụng... Tụi em khi sản xuất đều lấy tiêu chí sức khỏe làm đầu”.
Phạm Thị Như Quỳnh nhớ lại, khi mới nộp bài, cả ba đều cho rằng sẽ rớt vì nghĩ những sản phẩm công nghệ chiếm ưu thế hơn là sản phẩm nông nghiệp. Nhưng khi trình bày dự án tại cuộc thi, nhóm lại được thầy cô và ban giám khảo cùng các đội thi rất tò mò và hứng thú. “Tụi mình trưng bày sản phẩm và mời nhiều người ăn lắm. Ai cũng khen. Đến giờ nhóm vẫn không tin được là dự án của mình đoạt giải nhì. Tụi em rất mong muốn có những nhà đầu tư đồng hành với dự án, giúp đỡ người nông dân, nâng tầm giá trị nông sản VN, đặc biệt là cây thanh long“, Như Quỳnh chia sẻ.
Theo Quỳnh, hiện nay trên thị trường chưa có dòng sản phẩm nào từ búp và hoa thanh long. Để tránh việc sản phẩm có thể dễ bị sao chép, nhóm lên kế hoạch đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Đồng thời, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu để cho ra các dòng sản phẩm như bánh snack, mứt từ cánh hoa thanh long, viên nén, viên nhộng, hoạt huyết dưỡng não từ hợp chất có trong hoa thanh long.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.