Vì sao lòng hào hiệp của người trẻ TP.HCM xuất hiện nhiều trong dịch Covid-19?

18/06/2021 17:41 GMT+7

Mặc dù cả xã hội đang gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19 nhưng nhiều người dân, đặc biệt giới trẻ, ở TP.HCM vẫn dang rộng vòng tay tiếp sức, hỗ trợ người ở những nơi bị phong toả.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, dù hiện là tâm dịch, dù rất khó khăn nhưng  người dân TP.HCM luôn hướng về những hoàn cảnh khó khăn. Truyền thống này lan tỏa đến cả những người trẻ dù có sinh ra và lớn lên ở nơi này hay không.

Đáp lại tình cảm với mảnh đất nuôi sống mình

Chẳng hạn, anh Nguyễn Trung Hiếu (21 tuổi, ngụ P.4, Q.Gò Vấp) tự làm hàng trăm chai trà chanh để gửi đến các tình nguyện viên ở tuyến đầu chống dịch ở Q.Gò Vấp. Hiếu gọi đây là hành động tự nguyện của bản thân và gia đình khi muốn đóng góp gì đó cho cộng đồng trong phong trào chung tay phòng chống dịch bệnh.
Còn Nguyễn Tấn Hậu (25 tuổi), quản lý một cửa hàng bánh mì, tình nguyện làm gần 700 ổ bánh gửi đến lực lượng đang ngày đêm làm việc ở tâm dịch Q.Gò Vấp. Tất cả món quà này đều miễn phí và xuất phát từ tâm nguyện đóng góp vì cộng đồng.
Đây là chỉ hai trong số nhiều bạn trẻ khác cùng nấu cơm, gửi các phần quà, tổ chức khu chợ không đồng cho những gia đình khó khăn nơi bị phong toả.

Cả gia đình Trung Hiếu cùng chung tay nấu nước tặng miễn phí cho lực lượng chống dịch

Trung Hiếu

Một số bạn trẻ như Huỳnh Bá Thanh (34 tuổi, diễn viên tự do) cùng tự bỏ tiền túi để mua quà mang đến những khu vực bị phong toả trao tặng cho bà còn nghèo. 
Anh Thanh cho rằng việc làm này nhằm đáp lại tình cảm với mảnh đất TP.HCM nuôi sống mình.
“Không cần nghe nói về tình người ở TP.HCM, tôi khẳng định điều này là đúng 100%. Không phải mùa dịch mọi người mới giúp mà kể cả ngày thường vẫn luôn san sẻ với người khó khăn. Đây là nét đẹp vốn có của người dân TP.HCM mà tôi đã cảm nhận được ”, anh Thanh nói.
Đinh Hữu Đạt (26 tuổi, nhân viên văn phòng ở Q.10) cho rằng câu chuyện người sống hào hiệp ở TP.HCM nức tiếng lâu nay và bây giờ có thêm những câu chuyện đẹp trong dịch Covid-19.

Góc dễ thương: Chủ tịch UBMTTQ phường bán vé số giùm bà con khó khăn vì Covid-19

Đó là những bình trà đá miễn phí trên đường, những bịch gạo cho người vô gia cư mỗi đêm, những quán cơm 0 đồng, cơm 2.000 đồng với người nghèo, và cả những tủ thuốc miễn phí trên đường để lỡ ai có cảm, sốt, đau bụng cũng có thể dùng ngay. Lòng tốt từ người này rồi lan tỏa tới người khác. Cứ như thế, TP.HCM dường như không thiếu sự bao dung để nhiều người khó khăn trong dịch được trợ giúp.
“Nhưng không chỉ riêng người thành phố hào hiệp, tôi biết rất nhiều người trẻ từ nhiều vùng quê đến sinh sống ở TP.HCM, được thành phố đùm bọc chở che, sau đó đều mang tinh thần đó đi giúp đỡ người khác. Cụ thể là những đội cứu hộ SOS vá xe bất kể giữa đêm. Những người nấu cơm cho sĩ tử đến mùa thi tốt nghiệp THPT và nhường chỗ ở cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn”, Đạt chia sẻ.
Đạt cảm kích nói thêm: “Bây giờ trong dịch Covid-19, những người ở TP.HCM dễ thương lại mua khoai, mua hành tím cho bà con nông dân rồi phát tặng mọi người đi đường, nấu cơm cho đội ngũ tình nguyện viên, bác sĩ ở tuyến đầu”.

Tinh thần của tuổi trẻ, dám hy sinh vì lợi ích chung

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An, giảng viên khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, nhận xét dù xã hội phát triển đến đâu thì truyền thống nhân ái nghĩa tình của người dân Việt vẫn được gìn giữ. "Nét truyền thống văn hoá này được thấm nhuần qua bao đời nay. Trên bình diện tổng thể, người TP.HCM và mảnh đất này sản sinh và nuôi dưỡng những con người hào sảng, nghĩa tình từ thập phương tề tựu về đây", 
"Bên cạnh đó, giữa tình hình đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều câu chuyện đẹp được lan tỏa, góp phần làm cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc được hun đúc thêm. Hiệu ứng đám đông về sự hào sảng, hào hiệp của người thành phố giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn đã được lan truyền", thạc sĩ Hoàng An chia sẻ.

Những người trẻ tự nguyện vào tâm dịch Q.Gò Vấp tham gia chống dịch

Phi Kha

Theo ông An, con người, đặc biệt là người trẻ từ mọi miền tựu về ở TP.HCM mưu sinh hiện nay đa phần là những bạn trẻ có tri thức, có tinh thần của tuổi trẻ, dám hy sinh vì lợi ích chung.
"Giống như một bài hát có nêu “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”,  tinh thần này đã tạo nên ý chí cho không ít người trẻ tham gia những hoạt động vì cộng đồng trong mùa dịch. Tuỳ vào hoàn cảnh mà các bạn trẻ có thể lựa chọn việc giúp sức cho cộng đồng, người dân  TP.HCM cho phù hợp nhất", ông An nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.