Vì sao trượt ván thu hút người trẻ theo đuổi?

31/03/2021 14:35 GMT+7

Các động tác như trượt bằng đuôi ván, dùng chân bắt ván, xoay người… được người chơi thực hành thuần thục khiến người đi ngang phải nán lại để xem. Dù là môn thể thao đã có từ lâu nhưng vẫn thu hút đông giới trẻ theo đuổi.

Tại công viên Gia Định (Q.Gò Vấp, TP.HCM), phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM)… cứ mỗi chiều có rất đông nhóm trượt ván đến vui chơi và giao lưu. Để có thể giữ thăng bằng trên những tấm ván trượt và thực hiện nhiều động tác khó đòi hỏi người chơi phải tốn thời gian và công sức để tập luyện.

“Lì đòn” với những chấn thương

Là một môn thể thao phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, trượt ván chỉ “khiêm tốn” chinh phục được một bộ phận người trẻ đam mê. Lý giải cho điều này, người chơi cho rằng chính sự nguy hiểm tiềm ẩn, những chấn thương và cả chi phí đầu tư cho môn thể thao là nguyên nhân dẫn đến việc trượt ván còn chưa phổ biến rộng trong cộng đồng.

Tấn Hưng đã phải mất 3 tháng bó bột tay vì bộ môn này

Ảnh: Thanh Dung

Những cú té là chuyện xảy ra thường xuyên

Ảnh: Thanh Dung

Trượt ván thu hút cả nữ giới

Ảnh: Thanh Dung

Để có thể giữ được thăng bằng trên ván, người chơi mất khoảng 3 đến 4 ngày, còn kỹ thuật cơ bản đầu tiên như Ollie (làm cho ván bật lên không) lại mất từ 3 đến 4 tháng. Tùy vào khả năng học nhanh hay chậm mà người chơi có thể chinh phục các kỹ năng khác như Backside (nhảy và xoay một vòng), Kickflip (nhảy, vuốt ván cho ván lật một vòng trên không)…
Chính vì độ khó cao nên người chơi gặp rất nhiều chấn thương trong thời gian đầu. Huỳnh Tấn Hưng (sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) đã phải bó bột tay 3 tháng. “Lúc đó do chưa có kinh nghiệm, cứ té là chống tay đỡ lại khiến dây chằng bị đứt. Ngoài ra, những chấn thương về cổ chân, đầu gối thường xuyên xảy ra. Nhưng vì đam mê, tôi tiếp tục chơi lại khi hồi phục”, Hưng cho biết.
Với người chơi trượt ván, những chấn thương từ nhẹ như xảy ra mỗi ngày. Với người mới tập chơi, việc té ngã là chuyện bình thường. Tay chân đầy những vết bầm, trầy xước… nhưng chính độ “ngầu” trong môn thể thao đã thu hút không chỉ phái nam mà chính nữ giới cũng theo đuổi.

Ngoài sức khỏe, người chơi còn có thêm nhiều bạn mới

Ảnh: Thanh Dung

Những cú nhảy trên không đòi hỏi kỹ thuật cao

Ảnh: Thanh Dung

Mới 6 tuổi nhưng cứ mỗi chiều, Gia Đạt lại đến công viên chơi cùng các anh

Ảnh: Thanh Dung

Hoàng Ngọc Ngân (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) cho biết: “Ngày đầu tập về, tay chân tôi gần như bầm tím, không thể đứng được trên ván quá 3 giây, cứ ngã suốt nên nản lắm. Nhưng khi quen dần và giữ được thăng bằng thì lại mê đến giờ”.
Theo Tấn Hưng, những chấn thương về cổ tay, chân, đầu gối… sẽ mất khá nhiều thời gian hồi phục cho lần đầu. Tuy nhiên, những lần tiếp theo chỉ tính bằng ngày. “Té liên tục sẽ quen dần, cơ thể trở nên “lì đòn” trước những vết thương và chúng tôi xem nó như bạn của mình vậy”, Hưng chia sẻ.

Chinh phục được chính mình

Những chàng trai cho rằng chính niềm đam mê chinh phục những kỹ năng khó, cảm giác hào hứng khi thực hiện được một cú nhảy trên không thành công đã khiến nhiều bạn trẻ quyết tâm theo đuổi đến cùng. Còn với Tấn Hưng, những áp lực trong công việc và việc học khiến Hưng muốn tìm được cảm giác tự do và thoải mái ở bộ môn này.
“Do đam mê và sở thích nên dù khá nguy hiểm nhưng chỉ cần thời gian “cảm” được nó thì người chơi sẽ biết cách “thoát” mình khỏi những cú té, chọn cách té hợp lý”, Hà Nhật Phong (sinh viên Trường ĐH Công nghệ thực phẩm) cho biết.
Can đảm vượt qua nỗi sợ, dám đối mặt với những khó khăn, kiên nhẫn và “lì đòn” giúp người chơi không chỉ chinh phục được môn trượt ván mà còn rèn được lối sống của mình. Từng khá nhút nhát và ngại giao tiếp, Nhật Phong trở nên dạn dĩ và hào hứng khi nói chuyện với người lạ.
Nhật Phong chia sẻ: “Tôi trở nên cởi mở hơn, không chỉ rèn sức khỏe, sự dẻo dai mà tôi còn học được cả tư duy, cách sống, nhận được những lời khuyên của bạn bè trong nhóm tập. Bộ môn đòi hỏi sự tự tin ở người chơi nên nếu chinh phục được nó, người chơi cũng chinh phục được chính mình”.
Ngọc Hân cho rằng việc tập luyện liên tục để đứng được trên ván đã giúp cô bạn rèn được tính kiên nhẫn. Môn trượt ván yêu cầu người chơi phải tập luyện liên tục nên các nhóm thường chơi từ 18 giờ đến khoảng 21 giờ hằng ngày tại công viên.
Chi phí đầu tư cho một chiếc ván trượt khoảng hơn 1 triệu đồng, với người chơi chuyên nghiệp sẽ có mức giá cao hơn. Ngoài ra, người chơi có thể mua thêm đồ bảo hộ để bảo vệ bản thân mình nhưng nhìn chung, những nhóm tập tại các công viên ít trang bị vì lý do nhóm chỉ tập để giải trí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.