Giúp thanh niên phát triển kinh tế bền vững trong cộng đồng ASEAN

Lê Thanh
Lê Thanh
29/09/2022 19:21 GMT+7

Cần hỗ trợ thanh niên thông qua nhiều hình thức: từ cây trồng, vật nuôi, kiến thức công nghệ … cho đến kết nối với các tổ chức trong và ngoài nước bằng những chính sách vĩ mô để giúp thanh niên phát triển kinh tế bền vững.

Đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm quốc tế “Thanh niên và các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19”, do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với các đơn vị tổ chức vào ngày 29.9

lê thanh

Đó là những gợi ý đặt ra tại buổi tọa đàm quốc tế “Thanh niên và các mục tiêu phát triển bền vững trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch Covid-19”, do Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án An sinh xã hội Việt Nam tổ chức, diễn ra tại TP.HCM vào ngày 29.9.

Để giúp thanh niên khu vực miền núi khởi nghiệp, lập nghiệp phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững, tiến sĩ Vũ Thùy Dung (Trường ĐH Đà Lạt), chia sẻ: “Cần thực hiện các mô hình hỗ trợ sinh kế bền vững cho thanh niên bằng nhiều hình thức như: tặng cây giống, vật nuôi, chuyển giao kiến thức, công nghệ… Mô hình này bước đầu sẽ giúp thanh niên nghèo, cải thiện đời sống, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng xã hội”.

Ngoài ra, tiến sĩ Vũ Thùy Dung, cũng cho rằng: “Cần tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng tạo thu nhập, sinh kế cho thanh niên, đặc biệt là các bạn trẻ nữ ở khu vực miền núi thông qua lựa chọn các chị em có ý tưởng kinh doanh, ý tưởng phát triển sản phẩm của mình. Từ đó hỗ trợ nguồn lực kinh doanh và liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường. Đây cũng là yếu tố quan trọng để thay đổi việc làm cũng như là tạo sinh kế mới cho phụ nữ”.

Sinh viên tham dự tọa đàm

lê thanh

Chia sẻ về giải pháp dành cho thanh niên trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, ông Lê Thế Hiển (công tác tại Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á tại TP.HCM), cho rằng: “Tại ASEAN, một khu vực trẻ trung và năng động với dân số thanh niên gần 200 triệu người, đây là nguồn lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia và sự lớn mạnh không ngừng của cộng đồng ASEAN”.

Ông Hiển đề xuất: “Chúng ta cần đưa nội dung xây dựng cộng đồng ASEAN vào ngay trong các chương trình giáo dục phổ thông bằng cách lồng ghép các buổi sinh hoạt chuyên đề hay ngoại khóa học kỳ để học sinh, sinh viên tìm hiểu, thảo luận và thực hành áp dụng ngay những chủ trương, chính sách và kế hoạch vĩ mô mà Hiệp hội ASEAN đã ban hành”.

Liên quan đến công tác đào tạo nguồn nhân lực trẻ kế thừa và bồi dưỡng nhân tài, ông Hiển, nói: “Cần sử dụng các trí thức trẻ ASEAN trong các lĩnh vực chuyên môn. Hiện nay, có rất nhiều thanh niên tiên tiến và thủ lĩnh trẻ tiêu biểu tại Đông Nam Á được ASEAN ghi nhận và tuyên dương. Chính vì vậy, cần có những chính sách ưu tiên việc đào tạo, bồi dưỡng để lực lượng này trở thành những nguồn cán bộ chuyên trách về thanh niên hoặc tham gia vào các dự án, kế hoạch, chương trình hành động góp phần phát triển cộng đồng”.

Theo PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu - đào tạo nguồn nhân lực ASEAN (Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM), mỗi thanh niên cần hướng mình đến vai trò của một công dân toàn cầu.

“Một người được công nhận là công dân toàn cầu vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và khoảng cách địa lý để được học tập, sinh sống, làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới”, tiến sĩ Hồng Xuân nói.

Để làm được điều này, theo tiến sĩ Hồng Xuân, mỗi thanh niên cần tự đặt ra cho mình các tiêu chí: “Hiểu biết, thích ứng, sáng tạo, hội nhập, phát triển”.

Ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM chia sẻ tại tọa đàm

lê thanh

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM, cho rằng: “Thế hệ trẻ luôn tràn đầy hy vọng, chấp nhận thử thách nhiều hơn và đang thực hiện các giải pháp để mang lại nhiều sự đổi mới cho xã hội. Thanh niên cũng nhạy cảm hơn và nhận thức được những vấn đề mà chúng ta đang gặp phải để tìm cách đổi mới, đây là một tài sản rất lớn cho mỗi quốc gia. Ví dụ, một nhóm thanh niên Việt Nam đã sáng chế ra chiếc mũ bảo hiểm có thể che hết phần đầu với mặt nạ lọc không khí được hỗ trợ để cung cấp không khí sạch”.

Tuy nhiên, ông Agustaviano Sofjan cũng nhìn nhận: “Mặc dù, thế hệ trẻ có ý tưởng và sự sáng tạo nhưng họ không thể thành công tốt hơn nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ của chính phủ về một số mặt”.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy Việt Nam ghi nhận 20,4 triệu thanh thiếu niên từ 10-24 tuổi, chiếm 21% tổng dân số. Đây là cơ hội tuyệt vời để người trẻ Việt Nam có vai trò mạnh mẽ và quan trọng hơn trong việc thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam, ASEAN và toàn thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.