Gỡ khó cho đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp

09/12/2022 17:00 GMT+7

Hàng loạt những rào cản từ chính sách đã khiến tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp còn khá khiêm tốn.

Còn quá ít dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp vào Việt Nam

quang thuần

Ngày 9.12, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị thúc đẩy đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp. TS. Nguyễn Anh Phong (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho biết: Từ năm 2009 đến 2021, cả nước có 1.984 dự án FDI trong lĩnh vực nông nghiệp còn hiệu lực, tổng số vốn lũy kế xấp xỉ 18 tỉ USD, chỉ chiếm 4,3% tổng số vốn FDI vào Việt Nam.

Thực tế hiện nay quy mô của doanh nghiệp FDI trong ngành nông nghiệp còn hạn chế, có xảy ra hiện tượng chèn ép, thao túng của doanh nghiệp FDI đối với doanh nghiệp trong nước và nông dân. Bên cạnh đó có nguy cơ lợi dụng xuất xứ, đầu tư núp bóng tăng lên; có dấu hiệu doanh nghiệp FDI dịch chuyển đầu tư sang Việt Nam nhưng chỉ thực hiện những công đoạn đơn giản, lắp ráp, rồi xuất khẩu dưới xuất xứ Việt Nam nhưng không đầu tư máy móc hiện đại.

Tại diễn đàn, các đại biểu phân tích nguyên nhân thu hút FDI vào nông nghiệp chưa hấp dẫn do các chính sách chưa cởi mở, khó khăn trong tiếp cận đất nông nghiệp với quy mô đủ lớn là một trở ngại lớn đối với doanh nghiệp FDI.

Nhưng mặt khác, quy định về quản lý hoạt động liên quan đến đầu tư vốn FDI lại chưa chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng chèn ép doanh nghiệp trong nước, đầu tư núp bóng, chuyển giá, gây thất thu thuế; quy định về sử dụng công nghệ mới và chuyển giao công nghệ mới còn chưa chặt chẽ.

Để thúc đẩy làn sóng đầu tư FDI vào nông nghiệp trong thời gian tới, các đại biểu đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị quỹ đất sạch, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu tập trung ổn định, đạt tiêu chuẩn, quy hoạch diện tích đất phục vụ hạ tầng logistics, kho bãi, nhà xưởng chế biến gần vùng nguyên liệu; rà soát quy hoạch sử dụng đất và đánh giá hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở các địa phương; thực hiện nhất quán chính sách cho thuê đất, xây dựng quy trình cho thuê đất thống nhất, minh bạch cho các nhà đầu tư…

Về hạ tầng cần tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó chú trọng 3 vùng còn nhiều tiềm năng về đất đai và phát triển nông nghiệp, trước hết là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tiếp đó là vùng Tây nguyên và miền núi phía bắc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.