Hạn chế nhập khẩu, tăng cường xuất khẩu thịt để giúp nông dân giảm lỗ

08/12/2022 16:56 GMT+7

Chăn nuôi trong nước tiêu thụ khó khăn, giải pháp trước mắt để giúp nông dân giảm lỗ chính là tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sản phẩm thịt và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Nguồn cung thịt heo, gà trong nước đang hết sức dồi dào

đinh đang

Ngày 8.12, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ NN-PTNT) đã tổ chức diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ.

Ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía nam phân tích: "Đông Nam bộ là vùng trọng điểm phía nam, đi đầu cả nước về chăn nuôi, đặc biệt là gia cầm. Qua 11 tháng theo dõi, phân tích, gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng là đối tượng biến động giá phức tạp nhất, tăng giảm nhiều nhất. Người nuôi gà lông trắng chịu lỗ, bình quân giá gà xuất chuồng 31.800 đồng, mỗi ký gà chịu lỗ 1.063 đồng. Giá gà lông màu tương đối ổn, bà con lãi ít".

Ông Phương đề xuất: Người chăn nuôi cần giảm giá thành để tăng lợi nhuận, bên cạnh đó trong nước cần có chính sách giảm nhập khẩu gà đông lạnh, khuyến cáo doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu khi nguồn cung trong nước đang dư thừa.

Ông Phương cũng đề cập tới việc giảm giá bán lẻ để kích cầu, tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết: "Khâu dự báo thị trường của tỉnh khá yếu, người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính". Ông đề xuất: Hiện lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ, từ việc trở thành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất và có lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Nói riêng về nghịch lý tỉnh Đồng Nai đang đối mặt, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai thông tin, tỉnh hiện có 1,7 triệu gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung, sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai. Từ đó người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.

Công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm cũng còn nhiều bất cập. Việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng để đánh giá thực phẩm an toàn. Theo ông Công, các tỉnh thành đều có các cơ quan thanh kiểm tra, để làm tốt công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các cơ quan cần tăng cường thanh kiểm tra hơn nữa.

Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) nhận định: "Đối với áp lực nhập khẩu các mặt hàng, các sản phẩm thịt lạnh trong khi nguồn cung trong nước rất dồi dào, do đó Cục Chăn nuôi, Cục Thú y và các cơ quan liên quan cần có nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tham mưu Bộ không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn… để đề xuất hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, chúng ta cần nỗ lực tập trung sản xuất các sản phẩm chế biến, phát triển thị trường xuất khẩu".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.