Gỡ nút thắt cho chương trình phát triển kinh tế

Chí Hiếu
Chí Hiếu
05/06/2022 06:47 GMT+7

Kết luận cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 5 diễn ra hôm qua (4.6), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần tập trung bám sát tình hình, giải quyết cho được nhiều nút thắt hiện nay.

Tại cuộc họp báo sau cuộc họp thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho hay các thành viên Chính phủ đã xem xét, thảo luận về tình hình KT-XH tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới; công tác phòng chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế, giải ngân đầu tư công và một số nội dung quan trọng khác.

Kinh tế có nhiều tín hiệu tích cực trong 5 tháng qua

Phạm Hùng

Nhiều chỉ số tích cực nhưng còn không ít khó khăn

Về tình hình KT-XH, theo ông Sơn, các ý kiến thống nhất nhận định, tiếp nối đà phục hồi và phát triển của những tháng đầu năm, tình hình KT-XH tháng 5 tiếp tục khởi sắc, thể hiện rõ trên các mặt như thu ngân sách nhà nước ước đạt 57,1% dự toán, tăng 18,7%. Xuất khẩu 5 tháng tăng 16,3%, nhập khẩu tăng 14,9%, xuất siêu khoảng 516 triệu USD. Đặc biệt, số doanh nghiệp gia nhập, tái gia nhập thị trường đạt khoảng 100.000, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui. Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 4,4% so cùng kỳ.

Giao Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới

Liên quan công tác phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn về 5K phù hợp tình hình mới; nghiên cứu sửa đổi quy định tiêm vắc xin cho phù hợp bởi thực tiễn đã cho thấy vắc xin là yếu tố quyết định để phòng chống dịch Covid-19, mở cửa trở lại. Lưu ý tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, những dịch bệnh khác có thể nổi lên, Thủ tướng yêu cầu phải tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bảo đảm vắc xin, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị, vật tư y tế cho phòng chống dịch bệnh, ai làm sai phải xử lý; ai làm tốt, có công thì động viên, tôn vinh, khen thưởng.

VN được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực cả về dự báo tăng trưởng kinh tế; xếp hạng tín nhiệm quốc gia; chỉ số phục hồi Covid-19; chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch; chỉ số thu hút đầu tư; chỉ số hài lòng đối với các dịch vụ công...

Dù vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta còn không ít khó khăn phải đối mặt. Trong đó, ổn định kinh tế vĩ mô còn gặp nhiều thách thức; các cân đối lớn, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro; nợ xấu có xu hướng tăng; giá cả đầu vào tăng; hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công chưa được cải thiện…

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn là thuận lợi và thời cơ, phải tập trung bám sát tình hình, giải quyết cho được nhiều nút thắt hiện nay. Trong đó, phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH như: hướng dẫn thực hiện cơ chế đặc thù về chỉ định thầu đối với các gói thầu thuộc chương trình; phân cấp cho UBND cấp tỉnh làm cơ quan chủ quản thực hiện các dự án, dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến đường bộ cao tốc theo hình thức đầu tư công thuộc chương trình.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ công tác để đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện.

Nghiên cứu toàn diện tác động của tăng học phí

Liên quan các nhiệm vụ của ngành giáo dục, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng lộ trình điều chỉnh học phí phù hợp; đánh giá đầy đủ tác động của việc tăng học phí, giá sách giáo khoa tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kịp thời.

Nói thêm vấn đề này, tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cũng xác nhận Bộ GD-ĐT vừa được Chính phủ giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau. Trên cơ sở đó, đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Việt Á kiếm lời 4.000 tỉ, chi 800 tỉ “bôi trơn”

Tại cuộc họp báo, đề cập một số vụ án gần đây, trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, cho biết về dòng tiền tham nhũng là yếu tố rất quan trọng với cơ quan điều tra, từ đó tìm ra bản chất của vụ việc trong các vụ án này. “Trong một số vụ án, khi khám xét thì có những bị can trong ngăn kéo có đến hơn 10 tỉ đồng. Ví dụ, vụ Việt Á rất nhiều tiền. Trong lời khai là kiếm lãi khoảng 4.000 tỉ và “bôi trơn” khoảng 800 tỉ”, ông Xô tiết lộ.

Nói về vấn đề trục lợi chính sách trong vụ án tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), ông Xô cho hay theo cán bộ điều tra, một chuyến bay “combo” (có trả phí) giải cứu, trừ các chi phí có thể số tiền lợi nhuận lên đến vài tỉ đồng.

Với vụ FLC, kết quả điều tra ban đầu xác định bị can Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, chỉ đạo bị can Trịnh Thị Minh Huế mượn chứng minh nhân dân của 26 cá nhân lập 20 doanh nghiệp, mở 450 tài khoản tại 41 công ty chứng khoán để thực hiện các hành vi thao túng giá cổ phiếu, nhằm tạo ra cung cầu giả với 6 mã chứng khoán FLC và thu lợi bất chính, theo dự tính ban đầu là 975 tỉ đồng. Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tiếp nhận 557 đơn của các nhà đầu tư tố cáo hành vi thao túng thị trường chứng khoán của bị can Trịnh Văn Quyết và đồng phạm.

Chí Hiếu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.