Gỡ rào công viên, mở tư duy quản lý

25/12/2022 06:59 GMT+7

Các công viên lớn ở TP.HCM đã không còn hàng rào từ 18 năm nay. Công viên Thống Nhất ở Hà Nội cũng vừa được cho tháo bỏ hàng rào. Điều này cho thấy việc quản không gian sinh hoạt công cộng trong đời sống đô thị theo tư duy “rào chắn” không còn phù hợp nữa.

Cơ hội hình thành “siêu phố đi bộ”

Theo KTS Vương Đạo Hoàng, CEO Công ty kiến trúc cảnh quan Mein Garten, khi bỏ rào công viên Thống Nhất, toàn bộ khu vực sẽ trở thành một đảo xanh có mặt đường. Việc này dẫn đến toàn bộ vỉa hè cần điều chỉnh để không gian trong và ngoài kết nối với nhau. Vỉa hè trước đây thường bị lấn chiếm bán giải khát thì giờ đã thành một không gian hoạt động ngay mặt ngoài. Cảnh quan đường phố sau xóa hàng rào chắc chắn tốt hơn.

Công nhân tháo dỡ rào công viên Thống Nhất (Hà Nội), ngày 23.12

Đình Huy

Thứ nữa, việc thay đổi cấu trúc của luồng tiếp cận sẽ dẫn đến việc thay đổi tư duy quản lý công viên. Chúng ta không thể quản lý theo tư duy đóng cửa nữa mà phải là tư duy vận hành sao cho các yếu tố trong công viên trở thành những khu vực được quản lý tốt dù không gian mở hoàn toàn. Đối với người quản lý công viên, việc thay đổi vận hành sẽ thay đổi cấu trúc quản lý. Nó không còn là chuyện phải có một đội bảo vệ công viên nữa, mà làm thế nào để thiết kế ra các không gian an toàn, không gian không khuyến khích tội ác xảy ra.

Bản chất công viên là tài sản công, không gian công cộng càng nhiều người dùng thì càng có hiệu quả. Từ không gian công cộng, cũng sẽ có đời sống tích cực.

KTS Vương Đạo Hoàng, CEO Công ty kiến trúc cảnh quan Mein Garten

Về khu vực nhà Gương vốn rất nổi tiếng nhưng gần đây lạnh lẽo, âm u và ít người lui tới vì cảm thấy không an toàn, cũng như một số không gian khác trong công viên, ông Hoàng cho biết: “Trước đây, người ta cứ quây công viên lại cho yên tâm, cứ nghĩ rào và có bảo vệ là đủ. Nhưng diện tích quá lớn thì không thể quản lý như vậy được. Trong thiết kế đô thị, có một khái niệm là tạo ra không gian thân thiện với cộng đồng, là những không gian tự cộng đồng giám sát được, không có góc chết, góc tối. Vì thế, khi xóa rào thì phải quan tâm cả chiếu sáng công viên. Thứ hai là phải có cả những hệ thống camera giám sát thông minh. Ví dụ như có thể có những hoạt động tụ tập nguy hiểm, và ở những góc đó bắt buộc phải có camera. Các hệ thống quản lý cơ giới cũng phải có để giám sát những hoạt động nguy hiểm như vậy. Công viên không được có vùng tối, mọi góc ở đâu cũng phải được nhà quản lý nhìn thấy”.

Liên quan đến hệ thống cổng, trước đây, công viên Thống Nhất chỉ có vài cổng, nhưng nay sẽ có “vô số cổng”, KTS Vương Đạo Hoàng cho biết đường và các trường nhìn cần được đánh giá lại. Ví dụ, có thể thiết kế lại không gian để bên này có thể nhìn thấy hoạt động bên kia hồ. Cũng cần quan tâm đến việc làm sao để không gian công viên có nhiều hoạt động tích cực hơn, để dân tự giám sát hơn. Cần thiết lập thêm các hệ thống báo động khẩn cấp để thông báo có trấn lột, hay bắt nạt… Toàn bộ công viên phải được đánh giá lại ở tính lành mạnh và an toàn cho người sử dụng.

2 công viên lớn khác ở Hà Nội cũng sẽ được hạ hàng rào

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Công ty Công viên Thống Nhất, cho biết sau khi tiến hành dỡ rào công viên Thống Nhất ngày 22.12, hiện việc quản lý vẫn được thực hiện như trước đây. Tuy nhiên, phía công ty đã tăng cường thêm công tác bảo vệ, phối hợp với công an các phường Lê Đại Hành, Nguyễn Du, cũng như tăng cường chiếu sáng, triển khai các phương án ngăn xe máy đi vào công viên.

Với phương án nhân sự bán vé trước đây, dự kiến sẽ chuyển sang bộ phận bảo vệ, vì theo ông Tú, khi dỡ rào sẽ có thêm các chốt bảo vệ xung quanh hàng rào. “Hiện tại, chúng tôi mới dỡ rào khu vực phía đường Trần Nhân Tông, nhưng sau khi thí điểm TP sẽ cho dỡ cả hàng rào, nên công tác an ninh bảo vệ sẽ tăng cường lên nhiều lần. Ngoài việc tuyên truyền người dân, công ty sẽ lắp đặt thêm camera cũng như đề xuất các chế tài xử phạt các hành vi vi phạm. Thực tế là khi dỡ rào thì giám sát cộng đồng cũng được tăng cường lên”, ông Tú cho hay.

“Sau khi dỡ rào, kết hợp với phương án triển khai phố đi bộ Trần Nhân Tông theo kế hoạch của TP, người dân được hưởng lợi rất nhiều. Không chỉ vào công viên không mất phí, tiếp cận với công viên dễ hơn, mà sẽ có thêm nhiều khu vui chơi, dịch vụ để người dân nghỉ ngơi, thư giãn. Tiêu chí là không hạn chế quyền tiếp cận của người dân vào bất kỳ điểm nào trong công viên, nhưng khi sử dụng các dịch vụ gia tăng thì người dân phải trả phí”, ông Tú nói.

Ngoài công viên Thống Nhất, 2 công viên lớn khác là công viên Hòa Bình và công viên Bách Thảo cũng sẽ được hạ hàng rào, không bán vé ra vào.

Đình Huy

Cũng theo KTS Hoàng, cần quy hoạch lại hoạt động của công viên, trong đó có hoạt động nào được ưu tiên. Vận hành của không gian công cộng đều phải hướng tới người sử dụng. “Như thế dịch vụ cà phê là được, ăn uống là được. Nhưng các hoạt động hàng quán tổ chức lộn xộn, không có thẩm mỹ thì phải nói không. Không thể để các quán kiểu cắm mấy cái cọc lên là được. Phải có chuẩn chất lượng để tổ chức dịch vụ, vì sau này những kinh phí đó sẽ nuôi lại công viên chứ không thể lấy ngân sách nuôi nó mãi được. Gửi xe chẳng hạn, cái khó không phải gửi xe, mà vé được bán thế nào, tiền vào đâu. Cơ chế vận hành, giám sát vận hành hoạt động mới quan trọng chứ không phải cấm hoạt động”, ông Hoàng nói.

TP.HCM: Tốc độ tăng diện tích công viên quá chậm

Tại TP.HCM, theo thống kê, hiện chỉ có 369 công viên công cộng với tổng diện tích xấp xỉ 500 ha, đạt bình quân 0,5 m2/người, đây là chỉ số thấp nhất khu vực và chưa đạt theo yêu cầu của Chính phủ.

Mặc dù TP đã có quy hoạch 10.000 ha công viên nhưng với tốc độ đầu tư chậm chạp như thời gian qua, mỗi năm diện tích công viên cây xanh chỉ thêm được... 10 ha. Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM nhìn nhận: “Hiện nay phân bố công viên trên địa bàn TP là không đều và bất hợp lý. Các quận nội thành, trung tâm lại là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các vùng còn lại. Đồng thời, trên địa bàn các quận mới, các huyện ngoại thành thì diện tích đất công viên công cộng còn rất hạn chế mặc dù có quỹ đất quy hoạch công viên cây xanh rất lớn. Điển hình như các quận: Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, TP.Thủ Đức rất ít công viên công cộng. Ngoại trừ các công viên lớn hiện nay ở khu vực trung tâm được quản lý tương đối tốt, hầu hết các công viên khu vực ngoại thành đều được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với thời gian từ rất lâu, cho nên nhìn chung về cơ bản hạ tầng hiện nay đã xuống cấp”.

UBND TP.HCM cũng đặt mục tiêu đầu tư xây dựng mới tối thiểu 10 ha công viên công cộng và 2 ha mảng xanh công cộng, thực hiện trồng mới và cải tạo 6.000 cây xanh đến cuối năm 2022.

Trao đổi về việc khu vực phố Trần Nhân Tông và quanh hồ Thiền Quang sẽ được tổ chức thành tuyến phố đi bộ khiến khu vực này có thể trở thành một “siêu phố đi bộ”, ông Hoàng nói: “Khu vực này có cơ hội trở thành siêu phố đi bộ. Bản chất công viên là tài sản công, không gian công cộng càng nhiều người dùng thì càng có hiệu quả. Từ không gian công cộng, cũng sẽ có đời sống tích cực”.

Quản lý công viên nhìn từ TP.HCM

Các công viên lớn tại TP.HCM đã được mở cửa, không còn rào chắn từ 18 năm nay. Các công viên nhỏ hơn do quận, huyện quản lý cũng được chỉnh trang cho người dân sử dụng miễn phí.

Tháo dỡ rào công viên Thống Nhất (Hà Nội), ngày 23.12

Đình Huy

Mỗi sáng, các công viên lớn ở TP.HCM như 30 tháng 4, 23 tháng 9, Tao Đàn, Lê Văn Tám, Gia Định… đều có hàng ngàn người dân đến tập thể dục, rèn luyện sức khỏe, dạo mát. Ít ai còn nhớ rằng cách đây 18 năm, nhiều công viên giữa lòng thành phố còn rào chắn lại, có chốt chặn ra vào như công viên Lê Văn Tám hay Tao Đàn. Tại công viên Lê Văn Tám, lác đác vài chỗ vẫn còn một số đoạn tường gạch, dấu tích của một thời gian dài được rào chắn bao bọc. Cụ bà Nguyễn Thị Hương, ngụ tại P.Đa Kao, Q.1, nhớ lại: “Tôi đã trải qua rất nhiều năm đi tập thể dục ở đây, trước đây công viên có tường gạch bao quanh, vào ra chủ yếu bằng cổng chính trên đường Hai Bà Trưng. Bây giờ xung quanh không còn hàng rào nữa, và rất nhiều cây xanh phủ bóng mát. Nhà vệ sinh cũng được một ngân hàng tài trợ, có thu phí để duy trì nhưng tương đối phù hợp. Nơi đây cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động giải trí cũng như các hội chợ, triển lãm. Hệ thống dụng cụ vui chơi, tập thể dục có vài chỗ xuống cấp, nhưng nói chung là vẫn đáp ứng được nhu cầu của đa số người dân”.

Nên giữ lại một phần ký ức đô thị

Ảnh

NVCC

Những ký ức đấy không nên được bỏ một cách dễ dàng. Ngay cả về mặt kiến trúc những rào, những cổng ra vào có thể không quá giá trị, nhưng từ góc độ di sản đô thị, ta thấy rằng nó thể hiện chiều sâu. Bối cảnh khu vực công viên có nhiều dấu ấn của các thời kỳ khác nhau. Cổng rào công viên ở cạnh Rạp xiếc T.Ư là khu vực chuyển tiếp từ đoạn cuối khu phố Pháp qua đến phố Nguyễn Du - Nguyễn Thượng Hiền. Tháo tường rào, không nhất thiết là dỡ hết, nghiễm nhiên bỏ hết. Hoàn toàn có thể để lại nhiều đoạn, miễn là không gian vẫn mở. Chúng ta có thể để lại một đoạn hàng rào ở đó, như bức tường Berlin, để thấy ký ức ta từng như vậy. Nó làm không gian của khu vực trở nên đa nghĩa hơn. Ngay ở trong công viên cũng vậy. Hoàn toàn có thể nghiên cứu và tổ chức lại thành không gian các tượng thời xã hội chủ nghĩa ở đó. Đầu tiên phải có thái độ tôn trọng di sản đó, sau đó mình sẽ tính đến các giải pháp cho không gian bên trong, và trước khi đưa ra cái cụ thể thì phải tìm hiểu mạch lạc, rõ ràng.

PGS-TS Khuất Tân Hưng, Khoa Kiến trúc, Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội

Rất vô lý khi rào công viên lại

Ảnh

NVCC

Càng có nhiều không gian công cộng thì càng tốt cho con người. Rào công viên lại là một thói quen sai, còn giờ mới là đúng này, chúng ta có thể đi bộ chéo vào các không gian, từ khu này qua khu kia. Công viên bản chất là lá phổi xanh, tạo liên kết cộng đồng, tới khi bỏ rào ra thì có thể đi vào bất cứ lúc nào. Mục đích của công viên là tăng tương tác, nên tăng thêm sân tập thể dục, ghế đá ngồi, cây bóng mát cho nó.

Ứng xử của cộng đồng sẽ thể hiện rõ khi mở rộng không gian công cộng như công viên. Cũng cần nghiên cứu khi có một khu công viên lớn như vậy sát với nhà dân, thì âm thanh ánh sáng nên duy trì thế nào để không ảnh hưởng tới người dân. Cái đó mình xây dựng một quy chế quản lý công viên, trong đó có giới hạn về ánh sáng và tiếng ồn. Cái này phải làm nghiêm để tránh tiếng ồn cũng như ánh sáng ô nhiễm.

KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, CEO và KTS chủ trì Công ty MIA Design Studio

Trinh Nguyễn (ghi)

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc quản lý các công viên trung tâm được đấu thầu quản lý, đảm bảo các yêu cầu như giữ gìn vệ sinh, chăm sóc cây xanh, bảo dưỡng, thay thế các thiết bị dụng cụ vui chơi, giải trí, phục vụ nhu cầu người dân… Hiện nay trên địa bàn thành phố có 3 hình thức công viên gồm: Công viên công cộng tập trung (như công viên Tao Đàn, 23 tháng 9, Phú Lâm, Lê Thị Riêng…), công viên công cộng trong các khu dân cư, công viên chuyên đề (như công viên Đầm Sen, công viên Suối Tiên, công viên Văn hóa lịch sử dân tộc...). Các đơn vị trực tiếp quản lý các công viên: UBND các quận, huyện, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (trực thuộc Sở Xây dựng), Ban Quản lý Công viên Văn hóa lịch sử dân tộc và các đơn vị khác… Hiện nay, các công viên chuyên đề như Suối Tiên, Đầm Sen, Thảo cầm viên Sài Gòn… là hoạt động kinh doanh có thu phí, còn đa số các công viên công cộng đều phục vụ miễn phí cho người dân. Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM hiện nay là đơn vị quản lý, duy tu, bảo dưỡng các công viên lớn như công viên Trung tâm, Tao Đàn, Gia Định, Lê Văn Tám…với nguồn thu từ hoạt động quảng cáo, văn hóa trong công viên, tổ chức hoạt động ca múa nhạc. Các sự kiện lớn mang lại nguồn thu là các hội chợ, hội hoa xuân…Báo cáo tài chính của đơn vị này trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt lợi nhuận sau thuế trên 3,2 tỉ đồng.

Trả lời phỏng vấn Thanh Niên, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc, nhận xét: “Đối với công viên hay các công trình công cộng, khi làm hàng rào hoặc tường bao phủ công viên, có thể vì nhiều lý do như an ninh, phòng chống tệ nạn hay ngân sách hoạt động có hạn nên phải giữ gìn cẩn thận các thiết bị, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, việc dỡ bỏ tường rào công viên như ở TP.HCM đã làm lâu nay là một điều hết sức đúng đắn, không gian thoáng đãng hơn, người dân được tự do luyện tập, thư giãn hơn và mang một ý nghĩa cởi mở, thân thiện. Dĩ nhiên, khi dỡ bỏ hàng rào, sẽ có tâm lý lo ngại rằng việc giữ an ninh sẽ như thế nào, việc duy trì bảo dưỡng như thế nào, nguồn thu như thế nào…Theo tôi, đây là điều không cần phải lo lắng vì kinh nghiệm của TP.HCM đã cho thấy rằng ngân sách nhà nước không cần bỏ ra quá nhiều mà hoàn toàn có thể xã hội hóa. Ví dụ như nhà vệ sinh hay các dụng cụ tập luyện, hiện nay đều có các doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ và đổi lại quảng cáo. Về an ninh thì đơn giản lắp đầy đủ ánh sáng, có bảng nội quy các hành vi nghiêm cấm, có thông tin liên lạc để ứng cứu khi xảy ra sự cố…Vấn đề cần quan tâm đó là quản lý tốt các hành vi xâm lấn hoặc chiếm dụng để tư lợi, không để các hoạt động kinh doanh khác làm ảnh hưởng đến mục đích vui chơi thư giãn của cộng đồng”.

Cổng công viên Thống Nhất sẽ được giữ lại

lưu quang phổ

Đồng tình với nhận định trên, đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP.HCM phân tích: “Nhà nước hiện nay khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp, khai thác các dịch vụ công viên theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng tổng mặt bằng công viên và các quy định về đầu tư - khai thác đất. Các loại hình đầu tư, kinh doanh, khai thác trong công viên như: quán giải khát, nhà vệ sinh, trò chơi có thu phí, quầy thức ăn nhanh, nhà vệ sinh, bãi xe… là những công trình phụ trợ của công viên, cho dù bố trí thì cũng không để ảnh hưởng đến mục đích chính là vui chơi, giải trí, thư giãn. Kinh nghiệm của Singapore là các loại hình kinh doanh, khai thác trong công viên phải phù hợp với các loại hình dịch vụ được xây dựng trong công viên, phù hợp quy hoạch của công viên và nhu cầu của người dân. Đối với các công viên trong khu ở, do tính chất cục bộ và phục vụ chủ yếu cho cộng đồng dân cư nên việc duy trì mảng xanh nên do người dân tự tổ chức thực hiện nhưng vẫn do địa phương quản lý”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.