Góc nhìn phóng viên: Cơ chế 'đặc thù'

24/08/2019 06:11 GMT+7

Tại Hội nghị phát triển kinh tế miền Trung vừa diễn ra ở Bình Định, một số lãnh đạo đã đề nghị T.Ư nên có cơ chế đặc thù để khu vực này phát triển nhanh hơn.

14 tỉnh miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) khác với các khu vực khác bởi địa hình hẹp, trải dài hơn 1.300 km, một bên là núi cao, ở giữa là đồng bằng nhỏ hẹp và phía đông đều hướng ra biển, với gần 21 triệu dân.
Do đó, để phát triển, miền Trung cần nhiều việc phải làm nhưng cần nhất là có một cơ chế đặc thù, phù hợp với đặc điểm của vùng. Trước miền Trung, nhiều nơi khác trong cả nước cũng đề nghị T.Ư nên có cơ chế đặc thù cho mình để bứt phá.
Thậm chí rất nhiều ngành cũng đòi có cơ chế đặc thù: dầu khí, du lịch, công nghệ thông tin, dịch vụ hậu cần nghề cá… Vì sao với một hệ thống chính sách, pháp luật khá dày đặc, chi tiết và liên tục được điều chỉnh, bổ sung mà các vùng, địa phương, ngành nghề vẫn đòi có cơ chế đặc thù cho riêng mình? Và nếu địa phương, vùng nào cũng cần cơ chế đặc thù, thì cái cơ chế ấy đã trở thành phổ biến, không còn “đặc thù”, không riêng biệt nữa.
Điều đó cho thấy dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để chính sách, pháp luật phù hợp với cuộc sống nhưng đâu đó vẫn còn bất cập, chậm chạp, chưa theo kịp với thực tế sinh động đang diễn ra. Mà một khi cơ chế, chính sách chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của cuộc sống thì chính những cơ chế, chính sách đó lại trở thành rào cản cho sự phát triển.
Tôi tâm đắc với ý kiến của ông Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế Thủ tướng, khi ông thẳng thắn cho rằng dường như tất cả các quy định, cơ chế hiện nay đang tạo ra sự trói buộc mà chúng ta muốn đi nhanh không đi được, muốn bước nhanh thì coi chừng ngã. Bởi vậy, cái cần nhất hiện nay là một cơ chế, chính sách chung thông thoáng, theo kịp diễn biến của cuộc sống, phát huy được nội lực, thế mạnh và tiềm năng của từng vùng, từng ngành, chứ không phải cho mỗi nơi một cơ chế đặc thù.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.