Gói hỗ trợ 340.000 tỉ đồng: Cần cam kết đầu ra, chống đầu cơ, lợi ích nhóm

08/01/2022 06:43 GMT+7

Từ bài học dòng tiền của gói hỗ trợ năm 2009 chảy vào bất động sản, chứng khoán, vàng, USD, các đại biểu Quốc hội đề nghị gói hỗ trợ lần này cần phải kiểm soát chặt dòng tiền, đi đúng đối tượng, tránh đầu cơ, trục lợi chính sách.

Không để tiền chảy vào lĩnh vực đầu cơ, rủi ro

Ngày 7.1, Quốc hội (QH) dành phần lớn thời gian để thảo luận trực tuyến về các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế (Chương trình). Trước đó, theo tờ trình Chính phủ đề xuất gói hỗ trợ tổng thể với tổng số tiền lên tới hơn 340.000 tỉ đồng trong 2 năm 2022 - 2023, nhằm đạt được mức tăng GDP bình quân 6,5 - 7% và hỗ trợ cho người yếu thế.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) đề nghị làm rõ tính hiệu quả của gói hỗ trợ

Thảo luận tại hội trường, đại biểu (ĐB) Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, đề nghị các chính sách cần được cụ thể hóa, ràng buộc trách nhiệm nhiều hơn. “Vấn đề cốt lõi mà đề án cần trả lời là với hơn 346.000 tỉ đồng thì chúng ta sẽ thu được kết quả gì? Với mục tiêu như vậy đề án phải quy định rõ được kết quả nguồn lực đầu vào, hiệu quả đầu ra”, bà Mai phân tích và cho rằng những vấn đề trên chưa được cụ thể hóa trong tờ trình của Chính phủ.

Cần cung cấp cho doanh nghiệp hướng đi, cách đi, cung cấp cần câu chứ không phải con cá

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Huy (Thái Bình)

Vẫn theo vị ĐB này, Chính phủ cần đưa ra cam kết cụ thể, bởi nếu không cam kết về kết quả đạt được thì khó có thước đo chính xác đánh giá kết quả thực tế sau này. Bà Mai cũng đề nghị cần có nguyên tắc và tiêu chí cụ thể trong phân bổ nguồn lực, trong đó tập trung vào những ngành nghề bị tác động nhiều nhất bởi dịch bệnh và những ngành nghề có ý nghĩa tăng trưởng quan trọng. “Chúng ta không chấp nhận bội chi, chấp nhận đi vay để đầu tư cho những mục tiêu chưa thực sự cấp bách”, bà Mai nhấn mạnh.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng giải trình tại Quốc hội

Gia Hân

ĐB Mai Văn Hải (Thanh Hóa) đề nghị phương án huy động vốn nên tập trung ưu tiên huy động vốn trong nước, vốn vay nước ngoài cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Đồng thời gói hỗ trợ gần 40.000 tỉ đồng cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã, hộ kinh doanh cần trọng tâm, trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. “Đề nghị các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để DN, người dân dễ tiếp cận với chính sách, kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào tài chính, bất động sản và lĩnh vực rủi ro khác sẽ gây suy giảm nền kinh tế. Tôi đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này”, ĐB Hải nhấn mạnh.

Hỗ trợ phục hồi, không phải giải cứu

ĐB Nguyễn Văn Huy (Thái Bình) nhấn mạnh tầm quan trọng việc ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát, vay nợ công, thâm hụt ngân sách… Vì để lạm phát tăng cao, các DN phải chạy theo “vòng xoáy” vay nợ và lợi ích của chương trình sẽ bị suy giảm. Chính phủ cũng cần lưu ý một số vấn đề như xem xét hỗ trợ cho DN, lĩnh vực, ngành nghề một cách phù hợp, đáp ứng đúng nhu cầu. Tính toán khả năng, sức hấp thụ của ngành đó đến đâu, phương pháp hỗ trợ thế nào để cân đối giữa ngắn hạn trước mắt và đầu tư phát triển lâu dài. “Cần cung cấp cho DN hướng đi, cách đi, cung cấp cần câu chứ không phải con cá”, ĐB Huy nêu quan điểm và cảnh báo việc cần có cơ chế tránh trường hợp DN móc nối với ngân hàng, hoặc ngân hàng ưu tiên DN “sân sau”, tuyệt đối tránh tình trạng DN vay vốn xong lại gửi ngân hàng để hưởng chênh lệch.

Theo ĐB Lã Thanh Tân (Hải Phòng), mục tiêu của chương trình là phục hồi kinh tế sớm và hiệu quả chứ không phải là “giải cứu” các DN đang gặp khó khăn. ĐB Tân cho rằng cần lựa chọn DN có sức khỏe tốt, hỗ trợ kịp thời sẽ giúp DN bật dậy bằng năng suất, tạo ra nhiều việc làm và sản phẩm nhất, từ đó tạo giá trị đóng góp vào GDP và ổn định cuộc sống cho người lao động, như vậy chương trình hỗ trợ sẽ có cơ hội thu hồi vốn cao nhất. Kết quả hoạt động của các DN khỏe này sẽ kéo theo sự phục hồi dần của các DN khó khăn hơn.

Chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm ngay từ đầu

Giải trình các vấn đề ĐB quan tâm, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Chương trình có ý nghĩa quan trọng không chỉ với kinh tế mà cả xã hội, hệ thống y tế; tác động không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả dài hạn và “chưa có tiền lệ”. Theo ông Dũng, Chính phủ đã nghiên cứu đánh giá tình hình phát triển các ngành, lĩnh vực nói riêng, kinh tế, xã hội nói chung, những khó khăn trong sản xuất kinh doanh của DN, người dân, người lao động và nhu cầu hỗ trợ, khả năng huy động nguồn lực và hấp thụ của nền kinh tế để xây dựng chính sách tài khóa và tiền tệ với quy mô phù hợp. “Ngay trong năm đầu tiên thực hiện Chương trình có thể giải ngân 42% tổng số vốn, phần còn lại sẽ được giải ngân trong năm 2023”, ông Dũng khẳng định.

Theo Bộ trưởng KH-ĐT, Chính phủ cũng đã có nghiên cứu đề xuất hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm. Tuy vậy, ông Dũng thừa nhận, do quy mô của Chương trình tương đối lớn, thời gian ngắn nên khả năng hấp thụ, đảm bảo đạt hiệu quả, mục tiêu đề ra là thách thức rất lớn đối với nền kinh tế. “Đảm bảo cho sự thành công chính là khâu tổ chức thực hiện ở các cấp, các ngành sau khi các chính sách được QH thông qua”, ông Dũng nói và cho biết đây là “nhiệm vụ nặng nề của cả hệ thống chính trị”.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh, Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra, nhất là áp lực lạm phát gia tăng trong 2 năm 2022 - 2023. Trong quá trình thực hiện, Chính phủ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để có phản ứng phù hợp để kiểm soát lạm phát.

Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cũng nhấn mạnh, để tăng tính công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng, xin - cho, lợi ích nhóm, Chính phủ sẽ đề nghị Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan liên quan tham gia vào cuộc ngay từ đầu việc triển khai thực hiện Chương trình cũng như các chính sách đặc thù, nhất là cơ chế chỉ định thầu để bảo đảm năng suất, hiệu quả, hiệu lực của Chương trình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.