Nóng hổi thời sự và đong đầy yêu thương
Sân khấu TP.HCM đã kịp bắt lấy thời sự, động đến trái tim mọi người. Hai năm dịch Covid-19 đã để lại nhiều tang thương, nghiệt ngã, nhưng đồng thời cũng làm sáng lên nhân cách con người, như một phép thử cho thế thái nhân tình. Blouse trắng (Sân khấu Trịnh Kim Chi) và Thử thách tử thần (Công ty Gia Bảo) đều khắc họa những y bác sĩ và nhân viên y tế nơi tuyến đầu chống dịch. Họ dũng cảm, tận tụy, kiên quyết, hy sinh, hết lòng cứu chữa cho người dân, không màng tới quyền lợi và sống chết riêng mình. Sự sống (Công ty HN Media) thì lấy nhân vật trung tâm là những người dân nghèo gánh chịu tang thương. Từ cô công nhân thất nghiệp, có bầu, chồng chết, tới chủ nhà trọ nợ ngân hàng vì không lấy được tiền trọ của người thuê… Ai cũng nhọc nhằn, mất mát.
Vở Thành phố tình yêu |
Những vấn đề bức xúc khác được thể hiện qua các vở sử, dân gian, mượn xưa nói nay, như nạn tham quyền cố vị (Chuyện làng - Hội Sân khấu TP.HCM), xử án oan sai (Công lý như mặt trời - Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B), thái độ người trí thức trước những tiêu cực xã hội (Khóc giữa trời xanh - Công ty Sử Việt) khiến người xem như trút được nỗi niềm.
Bên cạnh đó, nhiều vở diễn đã khắc họa chân dung Sài Gòn - TP.HCM một cách đáng yêu. Sài Gòn có một ngã tư (Hoàng Thái Thanh) có cô gái điếm hoàn lương vất vả chinh phục ông già chồng khó tính để ông chấp nhận mình làm dâu. Lạc giữa biển người (Hội Sân khấu TP.HCM) cũng có anh thanh niên từ giã giang hồ, quyết chí làm ăn lương thiện, vượt qua sự nghi kỵ của bà con trong xóm để chuyển thành lòng yêu mến, tin cậy. Thành phố tình yêu (Nhà hát Kịch TPHCM) cũng có sự chở che, tha thứ giữa những phận nghèo với nhau. TP.HCM hiện lên sự hào sảng, bao dung, nghĩa tình, chân thật.
Sân khấu phương Nam có lẽ nặng nghĩa tình, nên nhiều tác phẩm bật lên chữ tình ngọt ngào đến khóc. Tình yêu hoặc tình thương có khi ranh giới nhòa đi, bởi trong ngôn ngữ miền Nam, hai chữ yêu thương thường gắn chặt. Cô Nương trong Ngược gió (Sân khấu Thế Giới Trẻ) yêu đơn phương anh Trôi và lẽo đẽo đi theo chăm sóc, đúng nghĩa là thương. Cũng như anh Trôi yêu cô Là dù cô chỉ chấp nhận làm vợ hờ, chỉ để bảo vệ cô. Và anh Đợi (Tình lá diêu bông - Nhà hát Sân khấu nhỏ 5B) chấp nhận ở tù oan để cứu cả gia đình người yêu. Hoặc cô Sao (Bến mười ba - Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TP.HCM) có cơ hội đi tìm hạnh phúc mới, nhưng đã quay lại với người chồng cũ để chia sẻ trọn đời nỗi đau chất độc màu da cam. Những tấm lòng thủy chung làm nghẹn cả tim người. Hoặc như mối tình già trong Mưa bóng mây (Công ty giải trí Hero) nhẹ nhàng thoảng qua, nhưng xúc động nao lòng.
Yêu mà cho nhiều hơn nhận, yêu mà thông cảm, sẻ chia, thế mới thật là thương.
Vở Sự sống |
H.K |
Chưa nhiều nét mới lạ
Nội dung đa số vở có thể nói là ổn, thậm chí một số vở hay, hấp dẫn, cảm động, hứa hẹn sau liên hoan sẽ bán vé rất tốt. Một số ấn tượng đẹp, chẳng hạn thiết kế lộng lẫy của vở Khóc giữa trời xanh, sự tối giản thông minh của Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Khúc nguyệt cầm (Công ty Truyền thông GODI), phong cách tả thực rất thật và đẹp của Ngược gió, sử dụng kỹ thuật hiện đại đẹp lung linh của Hành trình tìm bức chân dung (Nhà hát Kịch TPHCM)... Và dàn dựng tinh tế đến từng chi tiết nhỏ thuộc về Ngược gió, Thành Thăng Long thuở ấy, Sài Gòn có một ngã tư, Mưa bóng mây, Nắng chiều (Sân khấu Quốc Thảo).
Tuy nhiên, nhìn chung về thiết kế hoặc cách thức dàn dựng, có lẽ chưa thỏa mãn sự mong đợi của nhiều người. Hình như mọi thứ vẫn chưa mới, vẫn chưa độc đáo so với mùa liên hoan trước, thậm chí một số vở còn có vẻ “nghèo” hơn vì ít vốn. Bởi hơn 90% đơn vị tham gia là sân khấu xã hội hóa, phải tự bươn chải trong sóng gió thị trường, nên họ liệu cơm gắp mắm là điều dễ hiểu. Họ tham gia liên hoan như một cuộc vui hơn là giành huy chương.
Dẫu sao, hàng loạt vở mới ra đời sau 2 năm đại dịch tưởng chừng sân khấu kiệt quệ, cũng đã là một “kỳ tích”.
Kết quả liên hoan
Huy chương vàng: Mưa bóng mây (Công ty Hero), Bao giờ mẹ lấy chồng (Sân khấu Thế Giới Trẻ), Câu hò đất mẹ (Công ty Phiêu Linh), Khóc giữa trời xanh (Công ty Sử Việt), Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế Giới Trẻ - Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM), Thành phố tình yêu (Nhà hát Kịch TPHCM).
Huy chương bạc: Nắng chiều (Sân khấu Quốc Thảo), Bạch Hải Đường (Sân khấu Hoàng Thái Thanh), Mảnh vỡ (Sân khấu Sen Việt), Tình lá diêu bông (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B), Ngôi nhà trên thuyền (Sân khấu Phú Nhuận).
Bình luận (0)