Xây bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19, dành bệnh viện đang có chữa bệnh thông thường
Chiều 3.8, Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Xây dựng đã thực hiện khảo sát công trình xây dựng bệnh viện dã chiến tại P.Yên Sở, Q.Hoàng Mai, Hà Nội. Công trình do Bệnh viện ĐH Y làm chủ đầu tư và tập đoàn Delta là đơn vị thi công, với quy mô 3,5 ha, có sức chứa hơn 500 giường bệnh, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 8 này.
Thứ trưởng Lê Quang Hùng, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch Covid-19, nhìn nhận diễn biến dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, trong đó có Hà Nội. Do vậy, không loại trừ trường hợp số lượng ca bệnh sẽ tăng nhanh.
Để chủ động ứng phó tình hình, Hà Nội cần lên phương án đưa các bệnh nhân nhiễm Covid-19 ra các khu vực bệnh viện dã chiến để các bệnh viện hiện tại điều trị cho các bệnh nhân thông thường. Đồng thời, lên kế hoạch, dự kiến số lượng ca F0 và dự kiến số lượng bệnh viện dã chiến sẽ được thiết lập.
Theo ông Hùng, Hà Nội cũng cần lưu ý đến các loại hình bệnh viện dã chiến khác như sử dụng nhà tái định cư, chung cư làm nơi thu dung và điều trị không triệu chứng. Sử dụng những công trình sẵn có nhưng mặt bằng trống như nhà thi đấu, trung tâm hội nghị, sau đó sẽ sử dụng các vách ngăn trên cùng 1 mặt bằng. Dạng xây mới như bệnh viện dã chiến đang được xây dựng ở P.Yên Sở, Q.Hoàng Mai, có mặt bằng, xây dựng từ đầu, bệnh viện này chia thành nhiều tầng chữa bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, là nơi chữa trị những bệnh nhân nặng và nguy kịch. Ngoài ra, còn có các cơ sở y tế tuyến quận, huyện hoặc sử dụng các trường học để lập bệnh viện dã chiến.
Về mật độ, ông Hùng khuyến nghị mỗi phòng chỉ nên cho số lượng người tối đa như thiết kế căn hộ để đảm bảo phù hợp với nhu cầu vệ sinh cá nhân và phù hợp với tiêu chuẩn phòng, chống dịch của Bộ Y tế.
Tận dụng công trình sẵn có để làm bệnh viện dã chiến
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội tập trung huy động cơ sở, công trình công và tư sẵn có để thiết lập các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế việc xây mới các cơ sở.
“Cần huy động các công trình vốn đầu tư công, công trình vốn đầu tư tư nhân, các cơ sở vật chất sẵn có hạn chế xây dựng mới để tránh lãng phí, cũng như công tác tháo dỡ sau khi hết dịch sẽ đỡ phức tạp”, ông Hùng lưu ý.
Cũng theo ông Hùng, với các công trình sử dụng vốn đầu tư công, để triển khai nhanh cần chú ý thực hiện theo Nghị định 15/2021/NĐ-CP ngày 3.3.2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nghị định đã đơn giản hóa các thủ tục, trình tự thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khẩn cấp, tạo điều kiện cho các địa phương và phát huy hiệu quả trong thực tế triển khai đầu tư xây dựng các cơ sở, công trình phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Thông tin về cơ sở cách ly, thu dung điều trị người bệnh Covid-19 tại khu tái định cư Đền Lừ 3, đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, cơ sở này đáp ứng khoảng 1.500 giường bệnh, hiện đã đi vào hoạt động, tiếp nhận các trường hợp F0 từ không triệu chứng đến có triệu chứng nhẹ, theo phân loại của Bộ Y tế.
Khu vực tầng 2, 3, 4 dành cho nhân viên điều hành và nhân viên y tế, từ tầng 5 trở lên dành cho bệnh nhân. Hệ thống thông tin liên lạc đã được đảm bảo, về vấn đề ăn uống Bộ Tư lệnh Thủ đô sẽ đảm nhiệm, Sở TN-MT sẽ thuê 1 đơn vị xử lý rác thải theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND Q.Hoàng Mai, cho biết hiện chính quyền đã tuyên truyền tạo sự đồng thuận, không để người dân hoang mang. Đây là tòa nhà tái định cư, rất sát khu vực dân cư, nên ngay từ đầu, UBND Q.Hoàng Mai đã đề xuất với các sở, ngành liên quan phải có phương án để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, người bệnh và phải đảm bảo vệ sinh môi trường cộng đồng xung quanh. Chủ tịch Q.Hoàng Mai đề nghị trong thời gian tới, Bộ Y tế ban hành quy định cụ thể để đảm bảo khoảng cách ly an toàn.
Bình luận (0)