Hà Nội muốn cấm xích lô du lịch: Không quản được là cấm?

07/12/2019 07:31 GMT+7

Nhiều bạn đọc tỏ ra bất ngờ khi biết Hà Nội đang nghiên cứu việc dừng hoạt động đối với xe xích lô trên địa bàn thành phố.

Ngành giao thông không đưa ra lý do cụ thể, còn phía CSGT thì lo ngại xích lô “dù” chặt chém.
Như Thanh Niên đã thông tin vào ngày 6.12, TP.Hà Nội cho biết đang nghiên cứu dừng hoạt động xe ba bánh kinh doanh dịch vụ chở hàng, chở người và dừng hoạt động đối với xe xích lô. Sở Tư pháp đang lấy ý kiến liên ngành để hoàn chỉnh việc thẩm định trình UBND TP.Hà Nội.

Quản lý xích lô khó lắm sao mà phải cấm ?

Nhiều bạn đọc (BĐ) không đồng tình với việc cấm xích lô, bức xúc với lý do “không quản được thì cấm”. BĐ Huu Tiep (Hà Nội) bày tỏ: Nên giữ xích lô vì đó là nét đẹp truyền thống cả trăm năm nay và rất độc đáo của riêng Việt Nam. Mặt khác, xích lô không gây ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
Tuy nhiên, theo BĐ này, mọi xích lô phải đăng ký kinh doanh, có biển số, người đạp xích lô phải đồng phục từ quần áo, giày, mũ, phù hiệu, phải qua các lớp tập huấn về kỹ năng hướng dẫn du lịch...; không để lộn xộn như hiện nay, nhìn đội ngũ xích lô của ta nhếch nhác quá.
BĐ Hưng Vũ Văn (TP.HCM) kể câu chuyện rất đáng suy nghĩ: “Tôi bắt gặp một anh xích lô người Nhật trong một cửa hàng Family Mart ở Kobe. Biết tôi là người Việt Nam, anh bắt chuyện và kể về cái xích lô, anh ấy phải tốn 350.000 yên (khoảng 76 triệu đồng) để nhập về Kobe nhằm chở khách đi dạo. Anh ta để một cái bảng “Xich lô - Made in Vietnam”. Anh nói đi du lịch Việt Nam, đặc biệt nhất là đi xích lô, đó là một phương tiện truyền thống như ở Anh cảnh sát còn cưỡi ngựa vậy. Xích lô là một phần bản sắc văn hóa dân tộc đó, nó còn nổi tiếng hơn xe tuk tuk của Thái Lan. Quản lý xích lô khó lắm sao mà phải cấm?

“Không hiểu tại sao cái gì cũng muốn cấm vậy, nếu như chưa chuẩn thì sắp xếp lại. Đây cũng là một nét văn hóa mà cần phải có sự đa dạng chứ?”.   

Tam (Vĩnh Long)

Nói về nỗi lo “chặt chém”, BĐ Vietroad (TP.HCM) hiến kế: Nên đưa hết vào tổ chức, có đồng phục hẳn hoi. Công ty trang bị phương tiện. Người đạp xích lô như người làm công ăn lương. Khách đi chỉ thanh toán với công ty. Nếu khách muốn boa thì đưa công ty với hóa đơn rõ ràng, chi phí bao nhiêu, và tiền boa công ty sẽ chi cho nhân viên. Ai có thái độ vòi vĩnh thì cắt hợp đồng.
BĐ Hoàng Nhân Ái (Quảng Bình) thì đề nghị có một app Xích lô công nghệ, rồi quản lý như Grab..., khỏi lo chặt chém. Chứ cấm xích lô thì lấy gì cho người ta mưu sinh?

Nên thay bằng xe điện

Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng nên dẹp xích lô. BĐ Hoa Tien (Đà Nẵng) chia sẻ: Thiết nghĩ cả nước nên cho nghỉ nghề xích lô đạp, vì nó phản ảnh 2 đẳng cấp xã hội xa xưa. Nên chuyển sang nghề khác hoặc có lộ trình chuyển nghề trong 2 năm, rồi dẹp luôn xích lô.
Cùng quan điểm, BĐ Đức Thọ (Hà Nội) cho rằng nên cấm xích lô vì đây là một phương tiện vận tải lạc hậu, sử dụng trực tiếp sức người, thể hiện tình trạng kém phát triển. Du lịch còn nhiều cách để thu hút khách và nhiều vẻ đẹp dân tộc để giới thiệu cho bạn bè quốc tế.
“Bỏ xích lô mà thay bằng xe điện là hợp lý. Đi xích lô họ chặt chém kinh lắm. Mình đã từng đi 1 vòng quanh hồ, thanh toán 200.000 đồng. Làm gì mà họ chẳng muốn tồn tại, nhưng rất ảnh hưởng đến giao thông khi họ cứ nghênh ngang trên đường”

Cải Bùi (Hà Nội)

“Một nét đẹp của thủ đô ngàn năm tuổi từng lên biết bao tờ báo lớn quảng bá ra thế giới, giờ Hà Nội lại muốn cấm, không còn từ nào để nói nữa. Tôi có vài người bạn còn lập một hãng xích lô ở Tokyo (Nhật) để làm du lịch, vậy tại sao trên sân nhà là nét đặc trưng lại phải đi cấm?”.

Le Hoang (Bà Rịa-Vũng Tàu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.