Hàng Trung Quốc 'rửa' xuất xứ gia tăng

31/10/2019 06:11 GMT+7

Trong thời gian qua, ngành hải quan đã phát hiện nhiều vụ có dấu hiệu vi phạm giả mạo xuất xứ khá lớn.

Gần đây nhất là 10 container xe đạp Trung Quốc giả mạo xuất xứ VN cũng để xuất đi Mỹ. Đó là 313 chiếc xe đạp với tổng trị giá trên 26.000 USD của Công ty TNHH xe đạp E., chuẩn bị xuất khẩu sang thị trường Mỹ.
Công ty mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Khu công nghiệp Sóng Thần (Cục Hải quan Bình Dương). Theo khai báo ban đầu của doanh nghiệp (DN), số xe đạp này được lắp ráp tại VN, có xuất xứ Trung Quốc và tờ khai được hệ thống tự động phân luồng vàng (chỉ kiểm tra hồ sơ).
Tuy nhiên, do nghi ngờ, cơ quan hải quan đưa vào soi chiếu bí mật và quyết định chuyển luồng kiểm tra thực tế. Kết quả cho thấy, trên bao bì sản phẩm lô xe đạp đều ghi “Made in Vietnam” chứ không phải “Made in China” như khai báo. DN Trung Quốc này đã nhập toàn bộ sản phẩm linh kiện từ Trung Quốc về VN và chỉ thực hiện công đoạn lắp ráp giản đơn cuối cùng của sản phẩm tại VN trước khi gắn giả xuất xứ xuất đi.
Tháng 7 vừa qua, sau 1 năm điều tra, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội buôn lậu của Công ty TNHH XNK Trần Vượng. DN này đã nhập hàng loa thùng khai báo xuất xứ Trung Quốc nhưng bên trong ghi “Made in Vietnam”.
Trước đó, năm 2017, Cục Hải quan TP.Hải Phòng cũng phát hiện Công ty TNHH xuất nhập khẩu INTERWYSE đã nhập khẩu mặt hàng theo khai báo là “củ loa, sạc điện thoại mới, C/O Trung Quốc” có xuất trình C/O mẫu E nhưng khi kiểm tra thực tế trên hộp đựng sản phẩm hàng hóa và trên hàng hóa thể hiện chữ đúc chìm “Made in Vietnam”.
Cùng thời điểm, Cục Điều tra chống buôn lậu cũng tiến hành điều tra xác minh thông tin 6 DN xuất khẩu mặt hàng gỗ dán, tấm gỗ veneer và các loại gỗ ghép do có dấu hiệu làm giả giấy tờ, gian lận xuất xứ. Các DN này nhập các mặt hàng trên từ Trung Quốc, tiến hành một số công đoạn giản đơn tại VN, sử dụng giấy tờ không hợp pháp để xuất khẩu. Tổng giá trị các lô hàng này từ vài chục đến hàng trăm tỉ đồng.
Thủ đoạn gian lận C/O thường thấy nhất là DN Việt gồm cả DN có vốn đầu tư nước ngoài sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu chỉ trải qua công đoạn gia công, chế biến hoặc lắp ráp đơn giản chưa đáp ứng quy tắc C/O nhưng vẫn khai C/O VN.
Hoặc hợp lý hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận C/O của VN hoặc giấy chứng nhận xuất khẩu. Đây không phải là giấy chứng nhận xuất xứ nhưng có thể là cơ sở để DN làm giả C/O. Việc cảnh báo hàng Trung Quốc đội lốt VN đã được nói nhiều năm nay. Tuy nhiên, thực tế các vụ việc được phát hiện thường chậm, một số xảy ra sau khi đã có cảnh báo.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đặt nghi vấn, lượng nhôm dự trữ cho sản xuất của DN này quá lớn, lẽ ra các cơ quan quản lý địa phương phải nhạy cảm để đặt nghi vấn ngay từ khi DN nhập hàng về VN.
“Hiện tại, cơ quan hải quan chưa thông tin con đường nhập khẩu lượng hàng khổng lồ này về như thế nào, nhưng tại thời điểm năm 2016, sau khi Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá, nó đã được phủ bạt nằm tại VN. Theo tôi, việc để các vụ lẩn tránh xuất xứ xảy ra lớn phải đặt trách nhiệm của cơ quan quản lý. Hải quan và các đơn vị cấp C/O, cơ quan hậu kiểm là Sở KH-ĐT...
Công tác hậu kiểm của chúng ta chưa làm tới, công tác gác cổng để cho một lượng lớn hàng nhập vào trong bối cảnh nhạy cảm của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cho thấy, cách chúng ta phản ứng để tránh vạ lây còn chậm lắm. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý cũng chưa thật nhịp nhàng. Nó, có chăng chỉ quyết liệt hơn khi đã được các cơ quan nước ngoài cảnh báo, đề nghị phối hợp...”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.