Cuối cùng Thành cũng đến được nhà Só, ngôi nhà xập xệ, tồi tàn nhất trong bản. Nhà chỉ có hai đứa nhỏ tầm ba, bốn tuổi trần truồng, mặt mũi nhem nhuốc, tóc tai bù xù, cả người trắng đen loang lổ do lâu ngày không được rửa ráy. Vừa gặp chúng, Thành hỏi ngay:
- Trí cạo mùng ua từ? (Bố đi đâu rồi?).
Đứa bé gái tròn xoe mắt trả lời:
- Trí mùng ua tê (Bố lên nương rồi).
Thành đi vào trong nhà đặt đống đồ lên cái bàn gỗ sứt mẻ còn vương vãi muối ớt, ruồi bu đen kịt. Trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài hai dãy bắp ngô treo lúc lỉu ở trên xà nhà, có lẽ còn ăn dè được chừng đôi tháng. Lần nào đến đây Thành cũng phải mất dăm phút nín lặng để khỏi phải thốt lên trước cảnh sống quá tạm bợ này. Sau một hồi đứng chết trân nhìn hai đứa trẻ, Thành xắn tay áo lên, bắt đầu kế hoạch của mình.
Ba bố con Lùng về nhà khi trời đã chập choạng. Vừa nghe thấy tiếng bố, con Sú với thằng Dìn chạy ra, mặt mũi chúng nó sạch sẽ tinh tươm, tóc tai được buộc gọn gàng. Lùng thấy có cái gì khang khác ở ngôi nhà mình: sân vườn đã được quét tước, bờ rào đá được nhổ hết cỏ; mấy bộ áo quần vứt bừa trên cối xay được rải đều ngoài dây phơi; cánh cửa liếp xập xệ đã được đóng lại cho thẳng; mảnh bạt bên hông được căng lên, không còn chùng nữa. Cảnh sống đàng hoàng ấy khiến lòng Lùng nhói lên một cơn như lũ ống tràn về bên suối cạn, dường như có sự trở lại của một điều gì đó thân thương đã mất từ lâu. Lùng vội chạy vào trong nhà, thấy một người đàn ông, tay đang xăm xăm đảo một chảo thịt gà thơm lừng trên bếp củi. Hương vị khó cưỡng ấy lâu rồi Lùng chẳng có cho các con. Lùng chột dạ nhận ra thầy Thành, thầy giáo chủ nhiệm của con Só. Lẽ nào hôm trước những lời Lùng nói vẫn chưa đủ làm cho thầy giáo nhụt trí hay sao? Trong lúc Lùng còn đang đứng ngây ra thì Thành đã quay lại, tươi cười nói:
- Ba bố con về rồi đấy à! Hôm nay đã xong việc chưa anh Lùng?
Hai đứa trẻ nhận ra thầy giáo, xấu hổ trốn ra sau nhà. Người đàn ông lạnh lùng đáp:
- Thầy giáo vất vả thế, cái Só không đi học nữa đâu thầy giáo ạ.
Khác với dự đoán của Lùng, Thành chẳng mảy may để tâm đến câu nói đó, anh bảo mấy bố con chuẩn bị ăn cơm. Lùng không muốn thế, Lùng chỉ muốn thầy giáo nói chuyện, Lùng sẽ dùng cái lý của mình để nói cho thầy giáo không còn chữ nào đáp lại. Nhưng hôm nay thầy làm thế này thì khó cho Lùng quá. Đã lâu lắm rồi các con của Lùng không được ăn thịt, nhìn những ánh mắt thèm thuồng của chúng hướng vào mâm cơm, làm sao Lùng chịu nổi? Lùng đành phải hạ mình xuống một chút vì các con thôi.
Ảnh minh họa |
shutterstock |
Thức ăn hôm nay ngon quá, lũ trẻ tranh nhau gắp quên cả trò chuyện. Thầy Thành ngồi xổm bên mâm, một tay cầm thìa xúc canh, một tay bốc mèn mén nhai hệt như người bản. Thầy uống rượu ngô rất giỏi, nhưng hình như chẳng ăn được gì, vì đĩa thịt gà rang, đậu phụ sống và rau cải luộc đã hết bay chỉ trong nháy mắt. Cái thìa của Lùng luôn chực múc canh lên miệng mà sao miếng mèn mén cứ mắc ứ trong cổ mãi không trôi.
Nếu nói thầy Thành là một người Mông thì Lùng cũng tin lắm, vì thầy nói tiếng Mông còn hay hơn cả bố vợ Lùng. Thấy cái váy của con bé Sú, thầy nói về cách vẽ hoa văn sáp ong, thấy cái khèn của Lùng, thầy kể chuyện tích sáu anh em người Mông tìm nhau sau cơn lũ.
Lùng nói từ trước đến nay chưa có ai nói chuyện thân tình với Lùng đến vậy. Lùng mồ côi từ nhỏ, tự khai hoang, trồng ngô để có mèn mén ăn. Cũng nhờ mảnh nương ấy, Tớ mới theo Lùng về làm vợ. Tớ sinh cho Lùng đứa con thứ tư khi mới hai mươi tư tuổi. Lúc ấy, má Tớ vẫn còn hồng lắm, ánh mắt Tớ vẫn làm cho Lùng nhung nhớ mỗi buổi lên nương một mình. Thế mà Tớ lại nghe theo tiếng khèn lạ của ai mà đi mãi không quay lại. Lùng chỉ biết vùi mình trong rượu. Rượu giúp Lùng quên đi tất cả nhưng có lúc lại làm cho con mắt khô của Lùng rỉ nước. Những đêm bất lực nghe tiếng con khóc vì nhớ mẹ, Lùng chỉ ước mình có nắm lá ngón để ăn cho quên hết cái khổ. Lùng còn sống là vì Lùng luôn tự nhủ mình phải cố gắng, ít nhất là đến khi có người đến xin cưới con Só về làm vợ, lúc ấy gánh nặng trên vai Lùng sẽ nhẹ bớt đi phần nào. Và ngày ấy cuối cùng cũng đến: chục ngày trước, khi Só vừa tròn mười bốn tuổi, nhà Sùng A Diếu trong bản đến dò hỏi nó làm con dâu. Lùng mừng lắm, thế mà đôi mắt con Só cứ ướt như mái nhà lá mùa đông; trưởng bản, thầy cô và xã đều đến khuyên Lùng không được gả con đi sớm. Lùng không hiểu tại sao mọi người lại muốn Lùng sống khổ mãi như vậy!
Có lẽ những lời Lùng nói thầy giáo đều hiểu cả, đầu thầy gật gù, một tay thầy khoác lên vai Lùng vỗ vỗ khi giọng Lùng nghẹt lại. Đợi đôi mắt Lùng ráo hẳn, thầy Thành mới mở một bức ảnh trong điện thoại ra cho Lùng xem:
- Lùng à, Lùng có biết con nhà ai đây không?
Nhìn con bé có nốt ruồi dưới cằm và mái tóc xoăn trên trán ấy, sao Lùng có thể nhầm được con Cha, con nhà Vàng A Sử. Ngày còn bé nó hay sang đây chơi và bế con Só. Nhưng nó đã lấy chồng ở Huổi Ka lâu rồi mà. Giọng thầy Thành trầm lại:
- Cha nghỉ học từ lớp bảy để lấy chồng. Bây giờ chồng nó đi làm thuê trên thành phố lấy vợ bé rồi, một mình nó nuôi năm đứa con đấy Lùng ạ!
- Ôi trời ơi, thật à? Sao không thấy nó về đây?
- Nó bảo về bố mẹ cũng không nuôi nổi nên nó tự đi cấy thuê nuôi con một mình.
Thành mở ra một clip ngắn mà anh tự quay được cho Lùng xem, anh tiếp:
- Mình mới quay hôm qua khi đi vận động học sinh ở bản Huổi Ka. Trông Cha gầy và đen lắm, nhìn không ai nhận ra nổi nó mới hai mươi hai tuổi Lùng ạ.
Trong màn hình điện thoại, Cha đứng bế con trong ngôi nhà vách nứa rách bươm, đứa trẻ mới sinh quấn trong một tấm vải nhung được khâu vá chằng chịt. Đứa bé ngằn ngặt khóc vì mẹ không có sữa cho bú. Khi được thầy giáo hỏi, Cha rụt rè nói trong nước mắt, rằng rất hối hận vì đã lấy chồng sớm. Lùng cầm chiếc điện thoại im lặng ngẫm nghĩ. Thành nói tiếp:
- Bao nhiêu năm sống ở đây, mình biết chắc một điều, đó là người Mông rất tài giỏi Lùng ạ. Lùng nghĩ mà xem, làm gì có ai biết biến ngô thành món ăn ngon thế này, còn biết đục đẽo tre nứa thành bao nhiêu thứ nhạc cụ rất hay; biết vào rừng, tìm lan quý, tìm thuốc chữa bệnh. Người Mông mà giỏi chữ, thì chắc chắn họ phải kiếm được rất nhiều tiền, bản Mông phải giàu đẹp lắm Lùng ạ. Lùng nói đúng, con chữ không ăn được ngay đâu, nhưng nói đâu xa, nếu cái Cha mà học hết cấp ba rồi, ra thành phố thế nào cũng được làm công nhân trong nhà máy, lương tháng cũng được ngang vụ ngô. Kể cả không có cha thì con nó cũng không phải khổ thế này Lùng ạ.
Lùng trầm tư thiêu ánh mắt trong đốm lửa rừng rực giữa cái kiềng sắt, Thành lại nói tiếp:
- Lùng biết không, mình chưa thấy ai đàn ông mà chịu ở một mình nuôi đến bốn đứa con như Lùng, mình tin Lùng rất thương con và không muốn cho con khổ. Vậy hãy để các thầy cô giáo giúp Lùng. Hãy cho con đi học Lùng nhé!
Ánh trăng trên cao như lọt qua cái mái thủng làm cho khuôn mặt Lùng sáng rỡ, Lùng nói ngượng nghịu:
- Thầy giáo à, hôm nọ mình nói thế, thầy giáo không giận mình ư?
Thấy mặt Thành ngơ ngác, Lùng rụt rè nhìn thẳng vào người đối diện:
- Thì mình bảo, vợ thầy nhiều chữ cũng không biết đẻ con ấy.
Thành nghe xong cười phào, đáp nhẹ tênh:
- À, cái đó thì mình biết Lùng say nên mới nói thế thôi!
Vách nhà bằng phên liếp mỏng manh như tán liễu, Só nhìn thấy và nghe thấy hết câu chuyện trong nhà. Nó hì hục quay cối đá mà nước mắt cứ rịn ra. Đã lâu lắm, nó không thấy bố cười nhiều như thế và nụ cười của bố lúc này không còn méo xệch như hôm hai cha con bác Diếu đến chơi.
***
Thầy Thành mừng rỡ hô lên khi thấy cha con Lùng đứng đợi mình trước cổng từ bao giờ. Trên tay Lùng còn ôm theo một con lợn đen cắp nách, bảo rằng để đền mấy con gà và mấy cân cá khô của thầy giáo từ nhiều năm trước. Thành khoác vai Lùng vào nhà, gọi với vào trong:
- My ơi, con mang ấm trà ra cho bố!
Hai bố con Lùng đưa ánh mắt mừng rỡ nhìn bé gái tầm bảy, tám tuổi xinh xắn, có mái tóc xoăn tự nhiên đang lễ phép chào mình. Đợi con bé đi khuất, Lùng mới hỏi:
- Thầy giáo có con rồi à?
Thành vừa rót trà, vừa cười đáp:
- Cháu về đây từ lúc được bốn tháng tuổi Lùng à. Nó chính là con gái út của Cha đấy.
Khuôn mặt Lùng xìu xuống, lát sau Lùng rưng rưng nắm lấy tay thầy Thành:
- Bao nhiêu năm rồi, cái lòng của thầy đau thế mà thầy vẫn tốt với người bản, mình thương thầy giáo quá!
Thành đưa ánh mắt nhìn lên bức ảnh lưu niệm chụp với học trò ngày bế giảng được đóng khung lại giữa phòng khách, giọng nhẹ nhàng nhưng rất kiên nghị:
- Học trò cứ đến lớp chăm chỉ và lớn lên thành tài là đủ cho thầy giáo vui rồi Lùng ạ. Só, chúc mừng em đã có quyết định trở thành cô giáo bản, đừng để học sinh nghỉ học em nhé!
Ngôi nhà nhỏ vang lên tiếng cười nói không ngớt giữa phố núi mênh mang một màu xanh tràn đầy hy vọng.
Bình luận (0)