Hành trình đến với sáng tạo của những tài năng

29/12/2018 07:29 GMT+7

'Nếu tư duy sáng tạo không đủ thì chỉ làm được những cái mà người khác đã làm, vì vậy giá trị khoa học sẽ không cao. Vì thế, nghiên cứu khoa học là con đường để mỗi bạn trẻ đến với sáng tạo và đổi mới tư duy'.

Đó là nhìn nhận chung của những thanh niên đạt giải thưởng Quả cầu vàng và Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong buổi giao lưu trực tuyến chiều 28.12 do T.Ư Đoàn phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức tại Báo Thanh Niên.

Nghiên cứu để giúp ích cộng đồng

Đa phần những nghiên cứu của các nhà khoa học trẻ tại buổi giao lưu đều xuất phát từ mong muốn giúp ích cho cộng đồng.
Từ việc chứng kiến rất đông bệnh nhân VN đang bị ung thư, trải qua quá trình hóa trị liệu có thể dẫn đến cái chết vì những tác dụng phụ của thuốc, tiến sĩ Nguyễn Đại Hải, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, đã dày công nghiên cứu đề tài thuốc nano thông minh ứng dụng trong điều trị ung thư.
Đó là công trình bào chế thuốc tiêm đông khô Liposome Paclitaxel từ nguồn lipid đậu nành. “Nhiều bệnh nhân ung thư ở VN đã chết vì tác dụng phụ của hóa trị, trước khi chết vì ung thư. Thuốc mua ở nước ngoài thì đắt tiền nên nếu mình nắm được công nghệ và sản xuất ở VN thì sẽ giảm được giá thành”, tiến sĩ Hải nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Đinh Minh Quang, Trường ĐH Cần Thơ, được mọi người đặt biệt danh là “tiến sĩ bống” khi anh đã và đang có nhiều công trình nghiên cứu về cá bống, đặc biệt là cá thòi lòi ở vùng ĐBSCL với các đặc tính sinh học, môi trường thú vị, có giá trị kinh tế cao, có thể ứng dụng làm thuốc… giúp bà con vùng này vượt qua khó khăn.
“Khi tôi xin về VN làm nghiên cứu, nhiều người hỏi tại sao tôi lại muốn trở về. Bởi tôi muốn giúp cho quê tôi và đất nước tôi. Từ trước đến nay, tiếng Anh là rào cản lớn của sinh viên VN, có rất nhiều bài báo khoa học đăng tải ở VN và nước ngoài, hàm lượng chất xám như nhau, nhưng vấn đề tiếp cận được phải có trình độ ngoại ngữ. Vì vậy, tôi muốn chính câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho các sinh viên của chúng tôi”, tiến sĩ Quang bộc bạch.

Để giữ lửa đam mê

Nhiều sinh viên có mặt tại diễn đàn đã đặt các câu hỏi với những thanh niên đạt giải thưởng Quả cầu vàng và Nữ sinh viên tiêu biểu, làm sao để có thể giữ được ngọn lửa đam mê nghiên cứu khoa học trong nhiều năm.

Không có nghiên cứu nào là thất bại, mỗi bạn trẻ hãy nhớ công trình nào cũng sẽ cho mình nhiều bài học

Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM

Tiến sĩ Phạm Văn Việt, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng đam mê là điều quan trọng nhất, nếu không có đam mê sẽ không thể thành công trong bất cứ lĩnh vực nào. “Tôi có một người thầy dù 80 tuổi vẫn mơ về giải Nobel, chứng minh rằng không có gì là giới hạn cho những giấc mơ, các bạn sinh viên hãy nên cố gắng”, tiến sĩ Việt chia sẻ.
Tiến sĩ Phạm Thị Phương Thùy, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thì nhấn mạnh: “Làm khoa học rất vất vả, để có thành tích ngày hôm nay tôi cũng đã phải cố gắng rất nhiều. Nhưng không có nghiên cứu nào là thất bại, mỗi bạn trẻ hãy nhớ công trình nào cũng sẽ cho mình nhiều bài học”.
Còn tiến sĩ Trịnh Kiều Thế Loan, Trợ lý giáo sư Khoa Công nghệ sinh học nano, Trường ĐH Gachon (Hàn Quốc), cho hay mỗi bạn trẻ khi nghiên cứu khoa học sẽ có những người hướng dẫn vạch ra con đường cho các bạn, nhưng quan trọng nhất là mỗi người cần tự thân vận động: “Ví dụ như khi tôi nghiên cứu lĩnh vực nano, máy móc rất quan trọng, chúng ta cần có ngân quỹ để vận hành máy móc, biến ý tưởng thành sản phẩm, biến ước mơ thành hiện thực”.
Với Nguyễn Thị Khánh Trâm, sinh viên Học viện An ninh nhân dân, cho rằng khi nghiên cứu khoa học, ai cũng sẽ có lúc nản, nhưng những lúc đó hãy nghĩ tới lý do mình bắt đầu. “Khi tôi là học sinh lớp 11, tôi từng đứng trước cả ngàn học sinh trường tôi và nói với các bạn, tại sao có những trái dưa mà giá của nó tới hơn 100.000 đồng/kg, đó là thành tựu của khoa học. Các bạn muốn làm tăng giá trị cho đất nước mình hãy cố gắng. Các bạn có thể tự tạo động lực cho mình, như đọc sách truyền cảm hứng, nghĩ về những nhân vật tài năng, họ làm được thì mình cũng sẽ làm được”, Trâm chia sẻ.

Khoa học không chỉ dành cho nam giới

Hoàng Thiên Nữ, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thổ lộ: “Từ trước giờ mình tự ti về bản thân, vì theo học ngành này mọi người đều nói “ngành này con trai học giỏi lắm, con gái không học lại đâu”. Vì thế, việc nỗ lực đạt được giải thưởng giúp mình khẳng định được bản thân, chứng minh được với gia đình và nhiều người rằng con gái vẫn có thể đi theo khoa học và từ đây sẽ truyền cảm hứng cho nhiều nữ sinh đến với nghiên cứu”.
Cũng giống như Nữ, Nguyễn Thị Trang, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Việt Trì, theo đuổi lĩnh vực khoa học công nghệ cũng từng bị gia đình ngăn cấm. Nhưng Trang chia sẻ: “Ở quê em, nhiều nơi vẫn chưa có điện, người dân ở đó rất khổ nên hiện tại em cùng với mọi người đang nghiên cứu máy phát điện mini, hy vọng sau khi thành công có thể chuyển đến người dân ở vùng quê chưa có điện. Đó là động lực cho em tiếp tục theo học ngành này”.
Cũng là con gái nên Nguyễn Thị Tú Anh, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, thắc mắc: “Phụ nữ nếu nghiên cứu khoa học thì có gặp nhiều khó khăn? Và khi đã có gia đình, làm thế nào để cân bằng giữa việc nghiên cứu và thời gian dành cho gia đình?”. Tiến sĩ Thùy chia sẻ: “Là nữ, việc theo đuổi theo nghiên cứu rất khó khăn. Và khó khăn gấp bội phần đối với những người phụ nữ có gia đình, vì phải biết sắp xếp thời gian, cân đối giữa việc nghiên cứu và gia đình. Bản thân mình từng rất lo sợ là khi nữ theo đuổi nghiên cứu khoa học, hay học tiếp lên tiến sĩ thì dễ bị... ế. Thế nên mình đã quyết tâm có người yêu, có gia đình trước khi làm tiến sĩ”.
Trao giải thưởng Quả cầu vàng
Tối 28.12, T.Ư Đoàn phối hợp Bộ Khoa học - Công nghệ đã tổ chức lễ trao giải thưởng Khoa học và công nghệ thanh niên Quả cầu vàng và phần thưởng Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực kỹ thuật.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình; Ủy viên T.Ư Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Huỳnh Thành Đạt; Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ tịch T.Ư Hội LHTN VN Lê Quốc Phong; Bí thư thường trực T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Thị Lệ Thủy đã đến dự...
Giải thưởng nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đồng thời, tạo động lực và thúc đẩy phong trào học tập, nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Từ 61 đề cử Ban tổ chức giải thưởng Quả cầu vàng đã chọn ra 10 gương tài năng trẻ có thành tích xuất sắc (trong đó có 8 người có học vị tiến sĩ và 2 người là thạc sĩ).
Phát biểu tại buổi lễ, anh Lê Quốc Phong cho biết: “Tôi tin tưởng rằng, các bạn đạt giải năm nay sẽ tiếp bước các anh, chị đi trước, không ngừng say mê học tập, nghiên cứu, để tiếp tục có đóng góp xứng đáng cho nền khoa học công nghệ nước nhà”.
Lê Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.