Những ngày cuối tuần, chúng tôi theo chân anh Chung Quốc Thành, 35 tuổi, quê Tây Ninh cùng hàng chục người bạn của anh đi lên núi Bà Đen. Đây không chỉ là một chuyến đi chơi, khám phá những con đường mới tại khu du lịch quốc gia này, mà còn là hành trình sống xanh của hội mê xê dịch.
Tính đến ngày 21.3, nhóm anh Quốc Thành đã 5 lần leo núi Bà Đen và làm “nhiệm vụ” nhặt rác, chai nhựa. Trong lần này, nhóm anh đã leo theo đường cột để lên đỉnh núi. Đến 10 giờ trưa, nhóm len lỏi khắp ngõ ngách, hang đá theo con đường chùa để nhặt rác, chai nhựa...
|
|
Chiếc áo thun đỏ ướt sũng vì mồ hôi cứ tuôn ra liên tục, anh Thành cho hay bản thân đã đi hơn 30 tỉnh thành khắp Việt Nam, nhưng với anh những địa điểm du lịch tại quê nhà luôn mới mẻ trong ánh nhìn của mình.
|
“Nhiều người ý thức bảo vệ môi trường chưa cao, tình trạng đi du lịch và xả rác vẫn còn tiếp diễn nên mỗi lần leo núi thấy có rác là vận động các bạn cùng nhặt”, anh Thành tâm sự.
Cứ mỗi đợt nhặt rác, chai nhựa... nhóm anh Thành mất khoảng 3 tiếng và “thu hoạch” khoảng 80 bao. Mỗi bao tầm 5 kg đến 7 kg, sau đó bàn giao cho bảo vệ khi xuống đến Chùa Bà hoặc chân núi.
|
Trả lại vẻ đẹp vốn có cho thiên nhiên
Mặc cho những tảng đá gồ ghề, những dốc đi nghiêng và có phần trơn trượt, Võ Hạnh Tâm, 20 tuổi, ngụ H.Châu Thành, Tây Ninh vẫn xông xáo và nhiệt huyết giống như cái tuổi đôi mươi của mình. Hạnh Tâm quen với nhóm anh Thành nhờ thông qua các trang mạng xã hội. Tính đến hiện tại Tâm đã 4 lần đi nhặt rác trên các cung đường ở núi Bà Đen.
“Tham gia vào các việc làm thiện nguyện là cơ hội để anh em có thể chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và cũng là dịp để hiểu nhau hơn. Từ đó có thể phần nào truyền năng lượng tích cực cho nhiều người có cơ hội biết đến bộ môn leo núi rèn luyện sức khỏe cũng như kết hợp làm một số việc ý nghĩa có ích cho xã hội”, Tâm bộc bạch.
|
|
Bình luận (0)