Ứng xử thế nào đối với sản phẩm bị lỗi là vấn đề rất nóng trong tuần qua, nhất là khi vụ án dân sự “tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Phương Du (46 tuổi, trú Q.Gò Vấp, TP.HCM) và bị đơn là Tổng công ty CP bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) được đưa ra xét xử.
Tuy nhiên, kết quả xét xử vẫn chưa thể khẳng định đúng, sai thuộc bên nào bởi sau phần thẩm vấn và tranh luận, TAND Q.5 (TP.HCM) quyết định tạm ngừng phiên xử sơ thẩm để thu thập thêm tài liệu, chứng cứ làm rõ chai bia bị lỗi (nhãn hiệu Sài Gòn đỏ) có phải là sản phẩm của Sabeco hay không vì “khi phát hiện chai bia bị lỗi, tại sao không lập biên bản, nhờ chính quyền địa phương ký xác nhận”.
Luật Bảo vệ người tiêu dùng và các văn bản dưới luật (như Nghị định 99/2011 của Chính phủ) đều có những quy định chi tiết để người tiêu dùng có thể đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Chẳng hạn, khi mua phải sản phẩm bị lỗi, người tiêu dùng có thể lựa chọn một trong các bước: liên hệ phía nhà sản xuất; gọi điện đường dây nóng của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được tư vấn; khởi kiện ra tòa hoặc tố cáo đến cơ quan công an. Nghị định 99/2011 quy định khi mua trúng sản phẩm hàng hóa có “khuyết tật”, cũng đưa ra hướng giải quyết cụ thể, rằng: người tiêu dùng sẽ được đảm bảo quyền lợi của mình bằng việc buộc nhà sản xuất thu hồi sản phẩm bị lỗi; đổi hàng hóa hoặc trả lại tiền và nhận lại hàng hóa cho người tiêu dùng trong trường hợp hàng hóa do mình cung cấp không đảm bảo chất lượng; nếu có yêu cầu bồi thường thiệt hại, việc bồi thường sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự...
Dẫn những quy định trên để thấy, hành xử dựa trên những quy định pháp luật là cách mà cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp bị “tố” có sản phẩm lỗi nên dùng đến.
Bình luận (0)