Hãy 'cởi trói' cho học sinh bằng cách nói không với bài tập tết

08/01/2023 07:46 GMT+7

Một học kỳ miệt mài sách vở: học ở trường, học ở nhà, học thêm, học cả ngày cuối tuần… khiến không ít học sinh mệt mỏi, 'đuối' cả thể chất lẫn tinh thần. Nhưng nhiều nơi, các em vẫn phải làm bài tập lúc nghỉ tết.

Học như vẫn vậy chưa đủ, người lớn (thầy cô, cha mẹ) vẫn còn "đánh cắp" những ngày tết của học sinh bằng cách giao bài tập. Đủ thứ lý do để họ bảo vệ quan điểm của mình khi “trao gánh nặng” cho học sinh, dù họ từng là... học sinh, từng buồn vì tết phải làm nhiều bài.

Nếu mỗi môn học, người lớn ra vài bài lấy lệ thì không sao. Thế nhưng, mỗi môn có cả chục bài, thậm chí nhiều hơn. Người lớn được ăn tết trọn vẹn, còn con em mình thì vẫn nơm nớp với bài tập về nhà.

Nhiều năm nay, trong những ngày sắp nghỉ tết, tôi thường khảo sát học sinh mới về chuyện bài tập tết, có lúc tôi lồng vào bài kiểm tra để hiểu học sinh hơn, nhất là những áp lực mà các em phải gánh trong những ngày này.

Đa số học sinh chia sẻ không muốn làm bài tập tết, nếu có thì thầy cô cũng nên giao với số lượng “vừa phải” để các em không bị áp lực và “mất tết”. Tôi xin tổng hợp một số lời chia sẻ từ học sinh về bài tập tết.

Mệt mỏi vì làm 9 đề ngữ văn

Em N.D.P (học sinh lớp 12) kể, có một năm em làm nhiều bài tập các môn nên đón tết trong tâm trạng không thoải mái. Trong số những bài tập các môn ấy, học sinh này sợ nhất là soạn 9 đề văn để cô kiểm tra vào ngày đầu năm sau kỳ nghỉ tết.

P. đã cố gắng hết sức nhưng chỉ hoàn thành 6 đề và giấc ngủ không được trọn vẹn vì lo sợ. "Đó là một kỷ niệm tết 'ấn tượng khó phai' trong em. Giờ nghĩ lại vẫn còn… sợ", P. chia sẻ.

Một bức ảnh trong bộ ảnh của nhóm học sinh lớp 12C10 Trường THPT Lê Hồng Phong, Biên Hòa thực hiện nhằm thể hiện áp lực học tập

nvcc

Con không muốn bố mẹ giao cho nhiều bài tập

Đó là điều mong muốn của T.N.C (học sinh lớp 10) vì trong dịp nghỉ tết năm ngoái, ngoài lượng bài tập của giáo viên, em còn phải “kiêm” luôn những bài tập mà cha mẹ đã giao.

Trường hợp cha mẹ gây thêm áp lực cho con trong việc giao thêm nhiều bài tập (ngoài lượng bài thầy cô giao) như C. không phải là hiếm.

Ngay cả một nam sinh ở gần nhà vừa cho tôi biết: “Tết này con chỉ được nghỉ hai ngày vì cha bắt con phải học. Hầu hết trẻ em trong khu phố tung tăng, vui chơi ngoài đường nhưng con thì tung tăng trong … sách vở”.

Ngậm ngùi, buồn bã làm bài tập

“Tết năm ngoái đã đem đến cho em một kỷ niệm buồn vì thầy cô cho bài tập quá nhiều. Thay vì được đi chơi cùng gia đình thì em phải ở nhà một mình cố gắng để làm bài tập thầy cô giao. Em rất buồn!”, học sinh N.A.T (lớp 12) kể.

Tương tự, V.H.Q.T (học sinh lớp 11) kể: “Năm em học lớp 7, thầy cô giao bài tập rất nhiều và bảo: Thầy cô lì xì tết cho đấy!”. Nghĩ về “đống” bài tập, T. đành phải ngậm ngùi, buồn bã ở nhà vùi mình vào sách vở, thay vì cùng cha mẹ về quê.

Trên đây chỉ là vài câu chuyện trong rất nhiều câu chuyện buồn của học sinh về bài tập tết.

Tôi từng được biết, Bà Rịa-Vũng Tàu và Quảng Bình là hai địa phương ra văn bản yêu cầu Sở GD-ĐT, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên không giao bài tập cho học sinh, sinh viên dịp tết.

Tết Nguyên đán 2023 cận kề, tôi mong rằng các tỉnh thành khác hãy "cởi trói" bài tập tết cho học sinh. Hãy trao cho học sinh những bài học mang giá trị giáo dục thiết thực, cần tạo niềm vui cho con trẻ, đó mới là niềm vui ngày tết.

Học sinh chuẩn bị cho các hoạt động vui đón tết

đào ngọc thạch

Dành thời gian tết cho học sinh làm những điều ý nghĩa

Thầy cô hãy nói không với việc giao bài tập về nhà cho học sinh làm trong thời gian nghỉ tết dưới bất kỳ hình thức nào vì như vậy sẽ đánh mất niềm vui nghỉ tết, ăn tết của các em. Nghỉ tết là khoảng thời gian học sinh dành để làm nhiều việc tùy hoàn cảnh, điều kiện của mình.

Sau một học kỳ (18 tuần) học tập đầy căng thẳng, đây là thời gian để học sinh nạp lại năng lượng, cân bằng tâm lý, sum họp gia đình vui chơi.

Có những học sinh hoàn cảnh khó khăn thì tết là thời gian tìm việc làm thêm phụ giúp gia đình. Em N.P.N.T (học sinh lớp 10 Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Diên Khánh, Khánh Hòa) tâm sự em mong được nghỉ tết sớm để đi phụ bán quán cơm, có tiền mua sách vở và đóng học phí.

Đây cũng là thời gian để học sinh tìm hiểu phong tục ngày tết. Trước hết thầy cô cần có hướng dẫn cho các em trong những ngày nghỉ tết không nên tham gia những trò chơi có tính cờ bạc, game bạo lực, không đốt pháo, vi phạm luật giao thông… Ngược lại, học sinh cần tìm hiểu những phong tục tập quán, truyền thống nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Nếu được, thầy cô nên tổ chức chương trình “Xuân yêu thương, tết sẻ chia” để giúp những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có được cái tết an vui, đầm ấm và ý nghĩa. Phụ huynh hãy động viên con đến thăm ông bà, thầy cô góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong những ngày tết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.