Rạng sáng 2.8.2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cùng các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm mua bán người (thuộc Bộ Công an Lào) đã đột kích Đặc khu kinh tế Tam giác vàng (tỉnh Bò Kẹo, Lào), bắt giữ 155 nghi phạm người Việt Nam trong đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy mô lớn.
Hé lộ chiêu thức đường dây lừa đảo ở đặc khu kinh tế Tam giác vàng
Sau thời gian mở rộng điều tra, ngày 17.8, Công an tỉnh Hà Tĩnh công bố lời khai của một số nghi phạm.
Hàng ngày, các "nhân viên" trong đường dây lừa đảo quốc tế này sử dụng tài khoản Facebook ảo để kết bạn với người lạ chủ yếu là phụ nữ đơn thân, thiếu thốn tình cảm để lừa đảo. Trong số 155 nghi phạm người Việt Nam bị bắt giữ, nghi phạm Đinh Văn Châu là một tổ trưởng trong đường dây lừa đảo.
Tại cơ quan điều tra, nghi phạm này cho biết mình chỉ làm việc như một nhân viên bình thường và không biết công việc đang làm là tốt hay xấu.
"Nếu mà nhân viên nói chuyện với khách hàng mà chỗ nào không tốt thì bọn em sẽ là người nhắn tin và chỉnh sửa cho nhân viên để người ta nói chuyện ok hơn một chút. Có nghĩa là bọn em sẽ được giao cái tài liệu, thì bọn em sẽ hướng dẫn nhân viên làm theo cái tài liệu mà cấp trên giao cho bọn em. Tài liệu đấy thì sẽ có những cái là, thứ nhất là cái cách mà để đi tìm khách hàng ở những khu vực như thế nào. Và thứ hai là nó sẽ có các bước, quy trình là mình làm quen, trả hỏi khách như thế nào, làm quen như thế nào.Và để nói chuyện, tâm sự như thế nào để tình cảm nó đi sâu hơn", nghi phạm Châu kể lại.
Tìm bị hại của tổ chức lừa đảo quốc tế ở Tam giác vàng
Nghi phạm này khai trong quá trình làm việc phải ký hợp đồng, nếu muốn nghỉ làm thì phải đền hợp đồng với số tiền 70 triệu đồng. Không những thế, công việc cũng nhiều áp đặt và ràng buộc, nếu tổ không làm đủ chỉ tiêu cấp trên đưa xuống thì bị phạt tiền.
Nếu không có đủ tương tác, không có khách mới thì sẽ bị phạt hít đất.
"Đi hít đất thì ngày đầu tiên thì có thể không có thì sẽ làm 100 cái. Ngày thứ hai không có thì sẽ nhân 2 lên và ngày tiếp theo không có thì sẽ nhân 3 lên", nghi phạm Châu kể lại và cho biết thêm, nếu mà về sau mà một thời gian dài không có khách thì sẽ cấp trên, người ta sẽ tự xử lý vấn đề đấy.
Để lừa đảo, đôi khi phụ nữ cũng đóng vai là nam doanh nhân đẹp trai, thành đạt và giàu có theo kịch bản mà đường dây này soạn ra. Từ những cuộc trò chuyện, hỏi han đơn giản, đến những câu chuyện sâu hơn về tình cảm để dẫn dụ nạn nhân.
Một nghi phạm trong đường dây cho biết: "Facebook và những cái kịch bản nói chuyện tình cảm với khách cũng là do quản lý đưa cho bọn em nói chuyện. Rồi những các bước tiếp theo cũng do quản lý và tổ trưởng dẫn dắt. Bọn em chỉ nói chuyện tình cảm thôi. Còn những các bước tiếp theo thì do tổ trưởng với cả các sếp trên làm việc với nhau".
Người phụ nữ này khai khi được giới thiệu vào làm việc được hứa trả lương mỗi tháng 5.000 Nhân dân tệ (tương đương hơn 17 triệu đồng). Tuy nhiên hai tháng đầu không có doanh thu, bị phạt, nên tổng số tiền chỉ nhận được 4.000 Nhân dân tệ.
Thông tin từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết đơn vị này đang điều tra mở rộng chuyên án, đồng thời ra thông báo tìm nạn nhân từng bị sập bẫy của nhóm tội phạm này.
Theo đó, những ai là nạn nhân của đường dây lừa đảo này, hoặc có thông tin liên quan đến hoạt động của những kẻ phạm tội hãy liên hệ ngay với thượng úy Nguyễn Hữu Đại, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Tĩnh, theo số điện thoại 0942.823.388.
Bình luận (0)