Những ngày này, xưởng sản xuất của Công ty TNHH sản xuất Mỹ thuật Văn Tòng ở Q.12, TP.HCM ai nấy đều tất bật với phần việc của mình vì chỉ còn khoảng 10 ngày nữa, tất cả linh vật trâu sẽ được chuyển ra để thi công đường hoa Nguyễn Huệ Tết 2021.
Cả nhà ăn Tết nhờ làm linh vật đường hoa
Cả xưởng của nghệ nhân Văn Tòng có tất cả 40 người thì hết 10 người là anh em, con cháu trong nhà. Công việc làm linh vật đường hoa 5 năm qua mỗi dịp Tết đến khiến cả gia đình bận rộn nhưng luôn rộn ràng, đặc biệt là sau cả “năm Covid” phải “ở không” một thời gian.
|
|
Bà Nguyễn Thị Chín (50 tuổi, đánh xốp) cho biết, khi được gọi đến để đánh xốp cho trâu thành hình hài bà đã rất mừng vì cả năm qua chủ yếu chỉ ở nhà làm giúp việc. “Nhìn đánh xốp tưởng đơn giản nhưng thật ra đòi hỏi kỹ thuật cao và phải làm quen, để ý từng đường nét một trong bản thiết kế. Với trâu thì khó nhất là các đường nét ở mặt, nếu không để ý sẽ đánh bằng phẳng, nhìn mặt trâu không còn độ gân, bị khô thì không đẹp nữa”, bà Chín kể.
Vừa cầm miếng gỗ dán giấy nhám vừa chà cho mịn phần thân trâu, bà Chín tâm sự, công việc tuy vất vả, bụi xốp bay tứ tung bám đầy người nhưng bà có thể làm tăng ca tới 1-2 giờ sáng mà không thấy mệt. Năm nào cũng vậy, làm xong là cả nhà nghỉ cùng nhau ăn Tết. Thu nhập từ công việc làm linh vật cho đường hoa Nguyễn Huệ cũng đủ để cả gia đình trang trải, sắm Tết.
|
|
Bà Nguyễn Thị Kim Nhung (49 tuổi, dán vải mùng) thì bộc bạch, năm nay làm linh vật trâu bà có cảm xúc đặc biệt hơn những năm trước vì bà tuổi con trâu.
Công việc làm linh vật chia nhiều công đoạn, nhiệm vụ của bà là ốp vải mùng lên trâu để trâu chắc chắn, đảm bảo an toàn khi ra trưng bày ở đường hoa bất kể mưa nắng. Ngoài ra, con trâu lập thể ở cổng vào còn được ốp lá sen tạo đường gân, nhìn gần gũi, hiền lành, chân thật.
Bà hạnh phúc nói: “Qua tôi tăng ca đến 1 giờ sáng đó mà 8 giờ sáng nay vẫn làm tiếp bình thường. Làm linh vật đường hoa Nguyễn Huệ vui lắm chứ. Dịp Tết mình ra đường hoa thấy người ta trưng bày linh vậy của công ty mình làm, người đi qua đi lại khen đẹp mà mừng rơn hà”.
Linh vật trâu biết lắc đầu, vẫy đuôi
Nghệ nhân Văn Tòng (70 tuổi, chủ xưởng) cho biết ông đã gắn bó với nghề này được 40 năm, từ khi ở Việt Nam còn chưa nhiều người biết đến công việc tạo hình, trang trí bằng chất liệu mút, xốp.
|
|
|
Đặc biệt, tại cổng chính và cổng kết trâu biết lắc đầu, vẫy đuôi nên ngoài thợ thủ công, xưởng còn có thêm thợ cơ khí để thi công theo hạng mục. Với những con trâu được bày dưới nước, ông Tòng phải làm bằng chất liệu chống thấm để trâu không bị vỡ, hư hỏng.
|
|
|
|
|
“Hiện nay xưởng tôi đã hoàn thành 70% công việc, sẵn sàng cho đường hoa Nguyễn Huệ tết 2021. Khi tạo linh hồn cho trâu, quan trọng là điêu khắc, từng người thợ phải làm sao để nhìn trâu sinh động, có duyên của con trâu. Ngoài đường hoa Nguyễn Huệ, xưởng tôi hiện đang thi công thêm mái đình cho Lễ hội Tết Việt ở công viên Lê Văn Tám, đường hoa Cần Thơ, hội hoa xuân ở Công viên Tao Đàn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (45 tuổi, con gái nghệ nhân Văn Tòng) đang hối hả pha màu sơn cũng chia sẻ rằng, chị thấy năm nay công việc đơn giản hơn vì không phải vẽ các chi tiết trên khuôn mặt tạo hình người. Nhờ vậy mà nhìn cảnh vật đồng quê thấy sâu lắng hơn.
“Là người gốc Sài Gòn, gia đình có truyền thống làm mỹ thuật nên mỗi năm đến độ làm đường hoa Nguyễn Huệ tôi thấy hứng thú lắm. Lúc nào cũng nghĩ phải làm sao để từng chi tiết nhỏ được đẹp nhất, góp chút công sức cho người dân TP thưởng lãm Tết”, chị Thúy tâm sự.
Bình luận (0)