Hiến tặng mô tạng trở thành đề tài nghiên cứu của học sinh

Phạm Hữu
Phạm Hữu
07/01/2020 08:22 GMT+7

Đinh Hữu Thiên Phúc (lớp 11A5) và Phạm Hùng (lớp 12A7), học sinh Trường THPT Nguyễn Du, H.Châu Đức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã nghiên cứu về hiến tặng mô tạng giúp ích cho xã hội.

Khi nhận hỗ trợ nghiên cứu, cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên hướng dẫn hoàn toàn tỏ ra bất ngờ, bởi những đề tài của trường trước kia thiên hướng về khoa học kỹ thuật, máy móc. Còn lần này là một vấn đề xã hội nhân văn rộng lớn.
3 cô trò bắt đầu nghiên cứu. Mỗi ngày Phúc và Hùng tổng hợp thông tin trên mạng, cô Thúy liên hệ nhờ hỗ trợ từ những chuyên gia ở trong tỉnh. 3 cô trò đến đơn vị điều phối ghép tạng Bệnh viện Chợ Rẫy nhờ hỗ trợ thông tin. Cuối cùng, một buổi tọa đàm ở Trường THPT Nguyễn Du với sự tham gia của gần 1.000 học sinh, giáo viên, phụ huynh, bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đã được thực hiện. Từ đó, tạo ra thông điệp làm cho nhiều người thay đổi nhận thức về vấn đề hiến tặng mô tạng hiện nay. Ngoài ra, 20 thầy cô cùng phụ huynh cũng đã tình nguyện đăng ký hiến tặng mô tạng vì đề tài nghiên cứu này.
Ông Đinh Hữu Phú Cường là cha của Phúc, cũng là giáo viên ở Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ hoàn toàn ủng hộ con trai khi thực hiện đề tài. Ông Cường cho biết, ngay từ nhỏ Phúc đã có thiên hướng về y khoa, nên thường xuyên trao đổi với ông về vấn đề trên. Khi đề tài nghiên cứu của Phúc hoàn chỉnh, ông Cường là người đầu tiên trong gia đình đăng ký hiến tạng. “Tôi thấy nó rất ích lợi, thiết thực cho mọi người. Tôi cũng muốn có sự lan tỏa quan điểm tốt đẹp này. Cho nên khi lên lớp giảng về ngữ pháp tôi cũng thường lồng những câu từ liên quan vào. Ví dụ như “chết là cho đi” chẳng hạn. Rồi nhiều ví dụ liên quan đến việc hy sinh cuộc sống cho người khác”, ông Cường nói.
Còn cô giáo dạy văn của Trường THPT Nguyễn Du - Dương Thị Thanh Huyền, cũng là mẹ của Hùng, đồng ý và đăng ký hiến tạng với mong muốn đồng hành cùng con trai. Bà Huyền tâm sự: “Mỗi lần lên lớp, tôi cũng lồng ghép về vấn đề này vào bài giảng. Môn văn thì dễ vì trong đó có phần nghị luận xã hội, giáo dục cho các em sống đẹp. Từ đề tài hiến tạng đó có những vấn đề liên quan đến sống đẹp tôi đều lồng ghép vào dạy học sinh”.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, cho biết: “Khi nhận được đề tài của các em, thấy nó nhân văn nên chúng tôi quyết định cho các em triển khai từ ý tưởng dự án này. Tôi mong nên đưa vấn đề này vào môn giáo dục công dân. Mục đích chính không phải là kêu gọi các em hiến tạng mà là thay đổi nhận thức đúng về hiến tạng từ phía cộng đồng”, ông Tâm nói.
Nhiều năm làm công việc điều phối ghép tạng, tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy), cho biết khi 2 học sinh tìm đến, bà tỏ ra rất ngạc nhiên và mừng vì điều này cũng là những dự định của bà lâu nay mong đưa chương trình hiến mô tạng vào học đường. “Người trẻ quan tâm hiến mô tạng đó là điều tiến bộ và đáng mừng vì nó thể hiện tính nhân văn, nhân đạo trong xã hội”, bác sĩ Thu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.