VNREA mới có bản kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trong đó kiến nghị nhiều giải pháp phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, VNREA cho biết, theo quy định pháp luật, để bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư phải công khai thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký, danh sách khách hàng đăng ký mua, báo cáo kết quả khách hàng ký hợp đồng mua nhà.
Theo điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Nghị định này) và kế hoạch tổ chức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại dự án gửi Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đơn đăng ký của khách hàng.
Như vậy, với mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ mất ít nhất 60 ngày làm việc chỉ để tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng. Thời gian này bao gồm gửi thông báo cho Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc và thời gian tiếp nhận hồ sơ tối thiểu là 30 ngày làm việc.
Để hạn chế bất cập, VNREA kiến nghị Chính phủ sửa đổi các quy định này theo hướng rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội. Đồng thời, để đảm bảo thông tin về việc bán nhà ở xã hội đến được với đông đảo người dân, đề nghị quy định rõ thời hạn Sở Xây dựng phải đăng tải thông tin trên website.
Cũng liên quan đến hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, VNREA cho hay, đối với người mua nhà, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.
Tuy nhiên, trên thực tế, người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên.
Do vậy, để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nhà ở thuận lợi hơn, VNREA đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể về điểm này theo hướng người mua nhà chỉ cần xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở vì đây mới là nơi quản lý thực trạng nhà ở của người dân.
VNREA kiến nghị Chính phủ, sửa đổi điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, trong đó đối tượng quy định tại các khoản 4, 5, 6, 7 Điều 49 của luật Nhà ở thì phải có giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và giấy xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở.
|
Cũng liên quan đến nhà ở xã hội, VNREA còn đưa ra một số bất cập liên quan đến thủ tục mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn TP.Hà Nội. Trong đó, so với quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội đã bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tới Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp.
VNREA kiến nghị UBND TP.Hà Nội bỏ quy định này. Theo đó, chủ đầu tư chỉ gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến Sở Xây dựng. Nếu cần kiểm tra, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các sở ngành liên quan để thực hiện.
Theo một số chuyên gia về thị trường bất động sản, khâu yếu nhất, đang cản trở sự phát triển nhà ở xã hội nhiều nhất là việc vận hành thủ tục hành chính ở các cơ sở, địa phương. Một dự án nhà ở xã hội thường phải mất 3 - 4 năm làm thủ tục. Đây vẫn là “chướng ngại vật” lớn mà doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội phải vượt qua, tiểm ẩn nhiều tiêu cực.
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho rằng, nhu cầu nhà ở xã hội toàn quốc giai đoạn từ 2011 - 2020 cần khoảng 440.000 căn hộ. Trong đó, TP.Hồ Chí Minh là khoảng 134.000 căn; Hà Nội khoảng 110.000 căn; Bình Dương 41.250 căn; Đồng Nai 35.700 căn; Đà Nẵng 11.500 căn… Dù vậy, ở các địa phương đến nay chỉ mới xây dựng, bàn giao 198 dự án với 81.700 căn hộ, tương đương hơn 4 triệu m2 sàn, thực tế chỉ đạt được khoảng 33% kế hoạch đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là cần có 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội.
Bình luận (0)