Hiểu nhiều hơn và làm tốt hơn

28/05/2021 06:04 GMT+7

Bản thân từng người đã có hiểu biết hơn về dịch bệnh nên không hoang mang mà ý thức hơn, qua đó cũng giúp người khác ý thức hơn.

Trong buổi tọa đàm “Tấn công dập dịch” mới đây, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cho rằng bây giờ sau rất nhiều cuộc chinh chiến thì chúng ta hiểu về Covid-19 rất nhiều. Và rõ ràng, hiểu nhiều hơn thì đã có những cách làm tốt hơn.

Nhìn từ Đà Nẵng

Gần một năm trước, Đà Nẵng thực hiện giãn cách toàn thành phố. Bệnh viện dã chiến mọc lên ở Cung thể thao Tiên Sơn, cả thành phố như đang bước vào một cuộc chiến. Công việc làm ăn gần như ngưng trệ. Tâm lý của người dân cũng căng thẳng hơn rất nhiều. Mặc dù vào thời điểm đó, các “ổ dịch” đều đã được khoanh vùng một cách rõ ràng, quyết liệt.
Năm nay có rất nhiều điều khác biệt dù dịch bệnh còn nguy hiểm hơn, khi mà theo Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Lê Trung Chinh là “khả năng trong cộng đồng còn người nhiễm Covid-19”.
Hôm qua, bà con ở tổ dân phố nơi tôi đang sinh sống nhận được thông báo của tổ trưởng qua Zalo, đề nghị bà con đăng ký danh sách xét nghiệm đợt 2. Nhờ mở rộng đối tượng xét nghiệm mà qua đó phát hiện ra 2 ca lây nhiễm cộng đồng. Mà lây nhiễm cộng đồng là điều đáng ngại nhất, cần phải phát hiện nhanh và triệt để nhất.
Nếu như năm trước mọi người qua các chốt kiểm dịch khai báo y tế bằng viết tay, thì năm nay tất cả người dân đều khai báo y tế điện tử theo 3 cách: Qua Danang Smart City, Zalo 1022 và Web khaibaoyte.danang.org.vn... rất tiện ích. Qua chốt hoặc đi giao dịch chỉ cần đưa mã QR ra là xong.
Tại P.Hòa Thuận Tây, Q.Hải Châu (Đà Nẵng), việc khai báo y tế được người dân tuân thủ, cập nhật thường xuyên và gửi mã QR lên nhóm để tổ trưởng quản lý.
Các nhóm Zalo này cũng là nơi cập nhật thông tin, thông báo của chính quyền, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, cũng là nơi người dân báo tin về những hiện tượng chưa tuân thủ quy định, có người lạ đến cư trú... và nhận những phản hồi.
Vào những thời điểm căng thẳng, Đà Nẵng đã đưa ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Ví dụ như ngày 11.5, phát hiện 35 ca dương tính liên quan đến Công ty Trường Minh trong khu công nghiệp An Đồn, ngay trong đêm và sáng hôm sau đã truy vết và đưa toàn bộ các F1 đi cách ly tập trung; làm xét nghiệm cho hơn 11.000 mẫu những người liên quan. Khi có kết quả âm tính đã cho dỡ phong tỏa để khu công nghiệp hoạt động bình thường.
Đà Nẵng cũng quyết liệt trong việc cấm các phương tiện vận tải hành khách và xét nghiệm toàn bộ lái xe. Tuy việc đi lại có chút khó khăn nhưng cần thiết phải thế, khi nguồn lây có trong cộng đồng thì phương tiện vận tải hành khách chứa nhiều nguy cơ.
Nếu như năm trước việc xét nghiệm khó khăn, số lượng ít, chậm kết luận thì năm nay Chính phủ khen thưởng Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng về việc thực hiện thành công, hiệu quả phương pháp lấy mẫu gộp nhóm giúp xét nghiệm được hơn 22.000 mẫu/ngày, ngày 20.5 đỉnh điểm là 36.670 mẫu. Cách làm này đã được đánh giá cao, từ đó nhân rộng ra các địa phương khác.
Chính quyền chỉ đạo nhanh, sáng tạo, quyết liệt, có hiệu quả cũng nhờ ý thức người dân đã nâng lên đáng kể. Bản thân từng người đã có hiểu biết hơn về dịch bệnh nên không hoang mang mà ý thức hơn, qua đó cũng giúp người khác ý thức hơn.

Nhiều cách làm sáng tạo

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, nhận định: “Những gì phức tạp nhất của 3 đợt dịch trước đều dồn vào lần này. Điều lo ngại nhất đã xảy ra khi lần đầu tiên có tới 10 cơ sở y tế phải phong tỏa, cách ly y tế để thực hiện khoanh vùng, truy vết. Trong đó, có cả thành trì kiên cố như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương”.
Nhưng Chính phủ vẫn kiên trì mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển sản xuất. “Bởi vậy, phải khoanh vùng sao cho gọn nhất để chống dịch và vẫn đảm bảo đời sống sản xuất của nhân dân”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Thấm nhuần tinh thần đó, các địa phương đã có cách làm rất sáng tạo. Ngoài phương pháp lấy mẫu gộp để giúp truy vết nhanh trong chiến lược “truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, xét nghiệm rộng”, thì cách làm sáng tạo của H.Đông Anh (Hà Nội) khoanh vùng ổ dịch “3 lớp” cũng được học tập, nhân rộng.
“3 lớp” là: vùng lõi có ca bệnh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, ngoài là Chỉ thị 15, vòng ngoài cùng là Chỉ thị 19 nhằm “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ và giảm thiểu tối đa ảnh hưởng tới hoạt động sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta càng hiểu biết về Covid-19 thì mức độ khoanh vùng càng hẹp lại. Ông ví nó như cái cây bị sâu, nếu không biết con sâu ảnh hưởng thế nào thì cắt cái cành, vết cắt cho xa ra, biết thì hẹp lại để không ảnh hưởng nhiều đến cái cây. Và liên hệ, nếu thực hiện giãn cách toàn xã hội thì công việc của người chống dịch sẽ đỡ rất nhiều, nhưng kinh tế thì thiệt hại rất lớn.

“Người Việt Nam luôn sáng tạo”

Đó là nhận xét của John Norton, một nhà nghiên cứu văn hóa người Anh, khi trao đổi với chúng tôi sau khi TP.Đà Nẵng có nới lỏng việc giao hàng. Ông nói qua điện thoại khi hỏi về tình hình dịch bệnh: “Các bạn luôn có cách để khắc chế các đòn tấn công của đối thủ. Cả trong chiến tranh hay dịch bệnh, người Việt Nam luôn sáng tạo”.
Chúng tôi chưa thể có điều kiện thâm nhập sâu vào công việc của những người chống dịch, đặc biệt là những anh chị em trong ngành y, những người suốt ngày trong bộ áo quần bảo hộ kín từ đầu đến chân, nóng như lò xông hơi. Nhưng qua những câu chuyện điện đàm, đã hiểu rất nhiều về công việc của họ. Mỗi người, dù làm công việc gì cũng luôn luôn nghĩ cách cải tiến cho phù hợp và có hiệu quả hơn, lại phải an toàn hơn. Đó là những sáng tạo âm thầm.
Và cảm động biết chừng nào khi nghe ước mơ của những người trong cuộc là được tắm một lần cho thỏa thích, được uống nước chanh muối cho đã khát… Những thứ mà chúng ta, cho dù đang có khó khăn do những hạn chế theo quy định, cũng rất dễ dàng có được.

Hãy tiếp tục nêu cao ý thức phòng dịch

Như thông tin được Bộ Y tế công bố sáng 27.5 mà tôi theo dõi trên Báo Thanh Niên (thanhnien.vn), từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có tổng cộng 4.674 ca ghi nhận trong nước và 1.490 ca nhập cảnh. Có 3.104 ca mới trong vòng 1 tháng qua, kể từ ngày 27.4 bắt đầu đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam. Dồn sức cho nhiệm vụ dập dịch, song song với nhiều giải pháp được huy động tổng lực, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kêu gọi lãnh đạo 125 trường đại học và cao đẳng y, dược trên toàn quốc hỗ trợ nhân lực cho công tác phòng, chống dịch tại “điểm nóng” Bắc Giang và Bắc Ninh.
Với việc ghi nhận 25 ca Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng vào ngày 27.5, diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM được nhận định là “khó lường và có thể kéo dài hơn các đợt dịch trước”. Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã kêu gọi người dân bình tĩnh, cảnh giác cao độ, không hoảng hốt để sẵn sàng hỗ trợ, tham gia ngăn chặn dịch bệnh.
Cũng trong ngày 27.5, tại lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng chống Covid-19, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi mỗi người luôn đề cao ý thức với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; không được chủ quan và quán triệt tinh thần chống dịch như chống giặc để sớm dập dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhiều lần cũng đã nhấn mạnh: “Đến giờ phút này, chúng ta chưa có gì thay đổi những vấn đề có tính chiến lược. Ngay từ ban đầu, chúng ta xác định huy động toàn dân chống dịch. Điều này vẫn không thay đổi trong các đợt dịch. Điều thứ hai là xác định phải sớm hơn một bước và cao hơn một mức, phải lường đến tình huống xấu để tình huống không xấu đi, phải lường đến tình huống xấu nhất để tình huống xấu nhất không xảy ra. Những giải pháp được xem là nguyên tắc chống dịch - ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch và điều trị tích cực - vẫn được thực hiện đầy đủ trong thời điểm hiện tại”.
Chúng ta đã nhận diện được nguy cơ dịch bệnh phức tạp, tiếp tục chủ động và quyết liệt phòng chống, ứng phó từng giờ từng phút. Tôi nghĩ hưởng ứng ngay lời kêu gọi chung sức, chung lòng để vượt qua Covid-19, cũng là cách mà mỗi người bảo vệ mình, gia đình mình, cộng đồng xung quanh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.