Hỗ trợ 10.000 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh bền vững

Nguyên Nga
Nguyên Nga
10/02/2022 10:15 GMT+7

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 167 phê duyệt “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022 - 2025”.

Mục tiêu của chương trình là phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hòa giữa hiệu quả kinh tế với trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, góp phần hoàn thành 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam vào năm 2030.

Doanh nghiệp tư nhân nếu được công nhận là phát triển bền vững sẽ nhận được nhiều hỗ trợ trong kinh doanh từ xúc tiến quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước đến hỗ trợ gọi vốn đầu tư

LAM NGHI

Theo đó, chương trình sẽ huy động nguồn lực xã hội, từng bước phát triển hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững, tạo công ăn việc làm, nâng cao mức sống cho người thu nhập thấp, người yếu thế, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Chương trình phấn đấu đến năm 2025, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp khu vực tư nhân về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của kinh doanh bền vững.

Đặc biệt, chương trình giúp hỗ trợ phát triển tối thiếu 10 công cụ, giải pháp đo lường, đánh giá, công nhận các doanh nghiệp kinh doanh bền vững. Qua đó hỗ trợ khoảng 10.000 doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững; góp phần đạt mức tiết kiệm năng lượng 5 - 7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc; tăng năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm.

Theo đó, các doanh nghiệp được đánh giá và công nhận là doanh nghiệp kinh doanh bền vững được hỗ trợ tư vấn, đào tạo, bao gồm cả hoạt động đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp về xây dựng chiến lược, thiết kế mô hình, phương án kinh doanh bền vững; nhân sự; tài chính, sản xuất, bán hàng, thị trường, quản trị nội bộ và các nội dung khác liên quan tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, hỗ trợ đào tạo, huấn luyện chuyên sâu trong nước và nước ngoài về áp dụng và phát triển mô hình kinh doanh bền vững.

Thứ ba, hỗ trợ công nghệ tìm kiếm, lựa chọn, giải mã và chuyển giao công nghệ phù hợp với doanh nghiệp; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chi phí kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm, đo lường chất lượng sản phẩm, dịch vụ; tư vấn sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; tư vấn lựa chọn giải pháp chuyển đổi số.

Thứ tư, hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số; thử nghiệm, hoàn thiện sản phẩm, mô hình kinh doanh bền vững.

Thứ năm, hỗ trợ tư vấn tiếp cận tài chính, gọi vốn đầu tư.

Thứ sáu, hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, dịch vụ kinh doanh bền vững của doanh nghiệp: đăng ký tài khoản bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử quốc tế; hỗ trợ nhiều chi phí thuê địa điểm, thiết kế và dàn dựng gian hàng, vận chuyển sản phẩm trưng bày, chi phí đi lại, ăn ở khi tham gia hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.