Hỗ trợ thế nào cho hiệu quả ?

13/11/2021 06:44 GMT+7

Một vấn đề quan trọng mà người dân, doanh nghiệp quan tâm chính là các chính sách hỗ trợ phải đúng đối tượng

Quy mô gói hỗ trợ là bao nhiêu, hỗ trợ như thế nào, những đối tượng nào cần được hỗ trợ, làm thế nào để tiền hay chính sách đi tới đúng nơi, đúng địa chỉ… là vấn đề được quan tâm nhất hiện nay khi Chính phủ đang thảo luận về chương trình hỗ trợ quy mô lớn để phục hồi nền kinh tế trước tác động của Covid-19.

Từ đầu năm tới nay chúng ta đã đưa ra khá nhiều gói hỗ trợ cho nhiều đối tượng khác nhau nhưng về cơ bản, quy mô các gói này đều còn rất khiêm tốn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt trong bối cảnh sức khỏe doanh nghiệp bị suy kiệt vì tác động của Covid-19 và mục tiêu không chỉ phục hồi mà còn phát triển kinh tế nên tính toán quy mô gói hỗ trợ như thế nào để đạt hiệu quả là việc hết sức quan trọng và cần thiết. Một vấn đề cũng không kém phần quan trọng mà người dân, doanh nghiệp quan tâm chính là các chính sách hỗ trợ phải đúng đối tượng.

Tại Quốc hội hôm qua, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng thừa nhận chính sách hoãn giảm thuế hiện mới hỗ trợ các doanh nghiệp khỏe, vẫn có doanh thu, lợi nhuận. Thực ra việc này đã được mổ xẻ phân tích rất nhiều từ khi chính sách còn ở dạng dự thảo, lấy ý kiến chứ chẳng đợi đến bây giờ. Thế nhưng khi đó, các nhà làm chính sách lại không quan tâm. Tương tự việc giảm lãi suất, các nhà băng công bố và cam kết khá mạnh nhưng rất nhiều doanh nghiệp khẳng định họ vẫn phải gánh lãi vay nợ cũ, nợ mới cao. Họ không tiếp cận được vốn, họ chưa được giãn, giảm nợ… Hay đến thời điểm này, những kiến nghị giãn, giảm thuế thu nhập cá nhân cho người làm công ăn lương… cũng không được tiếp thu dù thống kê cho thấy thu nhập của họ đã giảm rất mạnh. Đó là chưa kể những chuyện lùm xùm người cần không có trong khi không ít người có điều kiện vẫn nhận được tiền hỗ trợ như một số địa phương trong thời gian qua. Tất cả những sự thiếu hợp lý vướng mắc hay thậm chí là thiếu minh bạch này cần phải được giải quyết trong gói hỗ trợ tới không chỉ thúc đẩy phục hồi kinh tế mà còn tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp sau gần 2 năm vất vả khó khăn đối phó với dịch bệnh.

Một vấn đề không thể bỏ qua là những yêu cầu, điều kiện để tiếp cận gói hỗ trợ. Vẫn biết là phải chặt chẽ nhưng nếu quá khắt khe thì chính sách lại khó đến được với đối tượng thụ hưởng. Chúng ta chứng kiến gói ưu đãi lãi vay trả lương cho người lao động “tắc” không thể giải ngân vì quá nhiều quy định, thậm chí có những quy định bất hợp lý. Thế nên, tận dụng công nghệ, số hóa để làm sao giải ngân nhanh, đúng, trúng đối tượng là hết sức cần thiết khi chính thức ban hành gói hỗ trợ mới.

Tất nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn thảo, nới trần nợ công, trần bội chi bao nhiêu, huy động từ nguồn nào… để có một gói hỗ trợ đủ lớn cho việc phục hồi, tăng trưởng kinh tế mà vẫn an toàn về lâu dài là không hề đơn giản. Nhưng VN nói riêng và thế giới nói chung đang đứng trước một giai đoạn mới, hậu Covid-19 với rất nhiều thách thức, rất nhiều cạnh tranh. Nếu chúng ta không có gói hỗ trợ đủ mạnh, đúng đối tượng, kịp thời… thì rất dễ bị bỏ lại phía sau.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.