Hoa trên ngọn hoang tàn - Truyện ngắn dự thi của K.I.M

K.I.M
Đồng Tháp
22/10/2024 10:00 GMT+7

Cảm giác lìa những người thân trong cùng một lúc, ngay trước mắt và trong một khung cảnh không thể hỗn độn hơn đã đẩy Cỏ đến tận cùng của bờ trần gian, tưởng chừng chỉ một bước nữa thôi thì hố thẳm sẽ nuốt chửng ngay lập tức.

Sớm mai buồn bã thức giấc, gương mặt uể oải như đưa đám của nó càng làm cho mọi người ở đây thêm chán chường, có cảm giác bình minh không nên đến làm gì vào lúc này. Cỏ vẫn ngồi đó ngắm nhìn ngôi làng của mình, hơi sương sớm quyện mềm thân Cỏ, ảo giác trong làn sương mỏng đôi khi làm anh thấy lại vẻ yên bình trước lúc hoạn nạn ập đến phủ kín ngôi làng. Đó là thiên đường mà Cỏ vẫn luôn mơ về, giờ đã biến nhanh như thể sự tồn tại của ngôi làng là một hoài nghi. Những cơn mưa đêm tầm tã kéo dài đã làm cho ngọn núi phía trên lên cơn chuyển dạ rồi rũ mình lao xuống với tốc độ kinh hoàng, cuốn theo mọi thứ trên đường đi của nó, tất cả bị vùi lấp trong tích tắc, có cả gia đình của Cỏ. Cảm giác lìa những người thân trong cùng một lúc, ngay trước mắt và trong một khung cảnh không thể hỗn độn hơn đã đẩy Cỏ đến tận cùng của bờ trần gian, tưởng chừng chỉ một bước nữa thôi thì hố thẳm sẽ nuốt chửng ngay lập tức. Ngôi làng tuy nhỏ nhưng lại thừa mứa những đau thương.

Nhát cắm chí mạng đó đã ăn mòn Cỏ trong một thời gian dài, nó phân rã xác thân khổ sở của Cỏ qua từng ngày. Ngồi tính sổ lại đời mình, nhìn lại nơi đã từng được Cỏ cho là đẹp nhất trên thế gian này, anh dường như không thể thoát ra được những tiếng gầm đáng sợ của đất, đá và nước khi cùng lúc đua nhau trượt xuống xóa sạch ngôi làng. Những ánh mắt trong cơn hoảng loạn tột độ, những đôi tay với như bám víu lần cuối với nhân gian trước khi bị cơn thịnh nộ vùi sâu trong lớp bùn đất đã vắt Cỏ đến xơ xác, nỗi đau xa lạ nhưng rốt cuộc lại trở nên quen hơi với Cỏ theo ngày tháng. Anh đã phải mở tivi suốt để giảm bớt sự đặc quánh mà cô đơn đang ra sức bủa vây rỉa lấy thân mình. Từng ngày sau thảm họa, Cỏ đã sống quạnh hiu như chú chim cô độc, sự tĩnh lặng đôi lúc làm cho anh hoang mang về sự tồn tại của mình trên cõi đời này. Cái thiên đường mà Cỏ đã dày công xây dựng phút chốc bị bốc đi một cách không thương tiếc, hồi kết này là một vết chém quá tàn khốc đã làm Cỏ phải loay hoay trong cơn tuyệt vọng về một ngày mai, và liệu là có nên tiếp tục cho ngày mai hay như vậy đã là quá đủ? Một trạng thái đầy của cái không luôn diễn ra trong Cỏ, đầy rẫy những nấm mồ được đắp lên trên tâm hồn của một người đã không còn lại gì, trống rỗng nhưng lúc nào cũng luôn căng tức, luôn chực chờ để vỡ nát.

Sống cũng là một sự lựa chọn đắn đo khi đời bày ra những tấn bi kịch quá khốc liệt cho ai đó. Cỏ oằn mình khi vết thương lòng như một thứ bột nở đang phình to từng ngày, chèn ép những suy nghĩ tích cực còn sót lại trong mình. Ngồi giữa hoang tàn khi sự tuyệt vọng đã dâng đến cao trào, giây phút chạm biên cho quyết định giải thoát, Cỏ thấy một bông hoa dại mọc trên đống đổ nát, phất phơ trong gió, vẻ mỏng manh nhưng luôn bền bỉ vươn mình, không chịu khuất phục nghịch cảnh dù tang thương có hành hạ đến rã rời. Cánh hoa dại đung đưa trong gió ấy đã níu tay Cỏ tiếp tục con đường trần của mình. Một khi định mệnh đã không lựa chọn Cỏ nằm xuống trong cái ngày tang tóc ấy thì anh cần vững vàng đứng lên để bước tiếp và dựng lại mình.

Hoa trên ngọn hoang tàn - Truyện ngắn dự thi của K.I.M - Ảnh 1.

ẢNH: CÔNG HÂN

Mây luồn quanh ngọn núi ngày Cỏ rời làng, cái khung cảnh tuyệt đẹp ngỡ chốn thiên thai này đã từng làm Cỏ say đắm nhưng giây phút này đây cả hai lại đang hiu hắt nhìn nhau, cơn hoạn nạn đã đẩy cả hai đi rất xa đến nỗi không còn có thể giữ đời cho nhau được nữa, chưa bao giờ Cỏ nghĩ sẽ có ngày mình lại cất bước rời xa như thế. Trong buổi sáng não nề đó, từng bước chân Cỏ xót xa như hằn vết thương đau, nỗi vô vọng như trải ra thênh thang trên con đường phía trước không ai dìu lối. Sau những thảm họa, cỏ là một trong những loài thực vật phục sinh nhanh nhất nên Cỏ cũng muốn mình phải như vậy, gục ngã hay buông xuôi như thứ thuốc tăng trưởng chỉ làm cho đau thương có cơ hội vào mùa rực rỡ phủ kín lấy tâm hồn và kéo dài không hồi kết. Niềm đau cần được vùi quên để dành chỗ cho những tươi mới về đậu lại trong tâm hồn, nuôi cho đời Cỏ về sau.

***

Tháng mưa đến, mây đen về giăng chập chùng trên phố, tia sét rẽ dài trên bầu trời, gió lạnh ngang tàng hất vào mặt những ai đang còn loay hoay. Trái với sự hối hả đó, Cỏ ung dung giúp bà Chín đẩy xe bún bò ra bán. Hai bà cháu cho thấy sự lì lợm đỉnh cao của mình, hơn cả cơn mưa đang chực chờ đổ xuống.

Căng tấm bạt, miệng già Sáu không ngớt:

- Chuyển kiểu này, không mưa tui bỏ xứ. Mưa tới sáng cũng chưa hết nước. Hai bà cháu không sợ ế gì hết. Cô Chín thiệt không hổ danh là "Bà hoàng bún bò", mà giúp như thế này, công của tui kể sao cho vừa cô Chín.

- Ai mượn. Cái gì người ta không mượn thì đừng có kể công.

Câu nói của bà Chín giống như một hàng rào chắn ngang khi chiếc xe cao hứng của già Sáu đang băng băng trên đường. Thực ra, không phải bà không biết chuyện, chỉ là Chín dị ứng với danh xưng "Bà hoàng bún bò" mà già Sáu cứ rêu rao suốt. Bà cảm thấy không hợp chút nào, nó giống như kiểu đón bão mà còn rộn ràng hơn cả đón tết. Chúng ta không nên gượng ép hay đãi bôi, tiếng nói thật thà bao giờ cũng là món quà trân quý nên dành cho nhau vào buổi mà niềm tin đang bị bội bạc qua từng ngày.

Mưa bắt đầu rớt hạt nặng trĩu và dày đặc, phủ lớp màn trắng xóa lên con phố nhỏ. Mưa như trêu ngươi bà Chín và làm mát dạ già Sáu. Nhưng Chín không quan tâm, Chín bán bún bò là chuyện của Chín, đã là đam mê thì rất khó cản.

- Bong bóng nổi lềnh, mưa sẽ dai như đỉa, coi bộ hôm nay chắc hai bà cháu cô em ăn bún bò trừ cơm rồi - Già Sáu rung đùi, phả nhẹ câu nói theo khói thuốc.

Già Sáu chạy xe ôm theo kiểu cho trọn kiếp đam mê… già chuyện. Chạy vì đam mê nên Sáu chỉ chở mối của mình thôi, quan trọng là được nói chuyện. Thỉnh thoảng phải chở mối lạ, do không quen nên khó bắt chuyện, lúc bắt chuyện được cũng qua loa vài câu là đến nơi nên già Sáu thấy không đã. Cũng phải thôi, đời sống hiện tại ai ai cũng phải dè chừng nhau, những song chấn vô hình được dựng lên giữa người với người, chúng ta rất khó tin nhau vào buổi này.

Ở thành phố, Cỏ gần như không nói chuyện với ai ngoài bà Chín và già Sáu, có cảm giác Cỏ nói ra điều gì thì anh đều phải trả tiền. Lúc mới rời quê lên đây, Cỏ may mắn gặp già Chín rồi được giới thiệu làm ở chỗ bà Chín, biết được hoàn cảnh của Cỏ, bà Chín khóc hết nước mắt, xem Cỏ như con cháu trong nhà, hằng ngày phụ bà công việc bán bún bò, bao nhiêu đó với Cỏ cũng là quá đủ để cưu mang niềm đau trong lòng, cho dù rằng vết thương ấy vẫn chưa một lần khép miệng.

Hết cao trào, mưa bắt đầu vỗ nhịp êm đềm lên tấm bạt quán cháo bà Chín, nghe như bản phối khí tuyệt vời cho bài Boléro mà già Sáu đang say sưa ngân nga.

- Cha già mắc dịch. Ngồi đó mà hát hò, không sợ chúng chửi. Già hổng hay.

Nhưng cơn quạu của bà Chín không có cơ hội leo thang khi một cô gái lê từng bước nặng nhọc rồi bỗng ngã khuỵu trước quán bà. Nhanh chóng chạy lại, Cỏ thấy cô gái đã rất mệt, mặt xanh xao sau từng cơn quặn thắt.

- Mình đưa đi bệnh viện đi cô Chín, chú Sáu.

"Coi chừng dàn cảnh đó mày ơi, mấy chiêu này giờ đây có lạ gì, không khéo làm ơn mắc oán, bá vô mấy độ này coi chừng tàn mạt". Già Sáu dè dặt trước lời thúc giục của Cỏ, chuyện dàn cảnh giờ mọc khắp nơi nên mọi người ngày càng sợ giúp người hoạn nạn, sợ tai bay họa gió, sợ phiền phức, sợ những hệ lụy về sau. Chúng ta, như những thân nấm, đang ngày một cọc đi trên những nạn đời vô hạnh.

"Nhiều lời quá, chở tới bệnh viện đi Cỏ. Dầu sôi lửa bỏng như thế này mà ngồi đó phân tích thiệt hơn. Mày lấy xe của ổng chở tao đi liền, có gì tao chịu hết cho". Khi già Sáu còn đang dùng dằng lưỡng lự thì Cỏ và bà Chín đã sốc cô gái dậy để lên xe đưa đến bệnh viện. Bà Chín và Cỏ thật gan dạ, với một người lạ không quen biết, thậm chí đây có thể là màn kịch đưa cả hai đến vùng trời của những dối gian, lừa lọc vốn như chuyện cơm bữa vào lúc này nhưng họ vẫn ra tay giúp đỡ, mặc kệ những rủi ro trước mắt. Trước cơn đau quằn quại của cô gái thì cả hai không thể nào chịu nổi. Khi cây tử tế kết trái thì chắc chắn đó không phải là thứ trái độc mang tên vô cảm, thờ ơ.

Con đường đến bệnh viện không xa nhưng thừa thãi những bất trắc để tăng độ khó cho hành trình của hai người. Những vùng nước không tì vết sau cơn mưa, đâu đó phía dưới có thể là một miệng hố ga đã bật nắp, một ổ gà, ổ voi được ngụy trang hoàn hảo để đưa xe của họ vùi sâu trong nước. May thay, đúng hơn là kinh nghiệm làm ‘thủy thủ’ trên đường bộ được già Sáu truyền dạy, Cỏ đã cập bến bệnh viện an toàn. Những hành động như của bà Chín và Cỏ là một mũi khoan chất lượng để phá tan bức tường ngăn cách giữa người với người vốn dĩ đang ngày càng dày lên. Dù thế nào đi nữa, cứu người vẫn là trên hết. Hạt mầm tử tế đều có trong mỗi chúng ta, chỉ cần có mảnh đất tốt, chúng sẽ vươn mình mạnh mẽ.

- Ổn hết rồi. Con bé bị đau ruột thừa. Hên là đưa đi kịp, chậm chút là nguy rồi. Lúc nãy đau quá, con nhỏ có gọi cho người nhà nhưng máy bận, đến ngay quán bún bò thì đau chịu hết nổi - Bà Chín kể lại cho Cỏ nghe, khi vừa dứt lời thì có một thanh niên lại gần hỏi:

- Dạ có phải bác là người mà con mới gọi lúc nãy không?

- Cậu là người nhà cháu gái hả? - Bà Chín hỏi lại.

- Dạ đúng. Con cảm ơn bác, ơn này con không biết làm sao đáp đền. May phước gặp người tốt như bác - Cậu thanh niên rưng rưng trả lời.

"Con không thể để mọi chuyện tương tự như vậy lại xảy ra một lần nữa cô Chín à". Bà Chín hiểu Cỏ đang nghĩ gì nên rưng rưng suốt trên đường về lại quán bún bò, trong lòng hai người đang là một cảm giác rất bình yên, thứ cảm giác chỉ có được khi giúp đỡ ai đó. Hoang tàn đã không vùi chôn được Cỏ, trái lại đã làm anh trở nên rực rỡ như một đóa hoa đẹp giữa đời cho dù với Cỏ cảm giác bình yên cũng có những niềm riêng của nó và bao giờ cũng mang trong mình một nỗi xót xa. Nếu cần có một so sánh nào về sự bao la vô chừng, thì đó chính là nỗi xót xa mà Cỏ đang đeo mang, người chỉ còn lại một mình sau những tàn bạo của bão giông.

Hoa trên ngọn hoang tàn - Truyện ngắn dự thi của K.I.M - Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.