Trong báo cáo vừa gửi Bộ Tài chính về tổng kết gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 54/2017, UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017 cho đến khi Quốc hội ban hành nghị quyết mới. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng các cơ chế, chính sách mới để TP.HCM tiếp tục là tấm gương đi đầu trong đổi mới, năng động, sáng tạo.
Cán bộ, công chức tại TP.HCM chưa được hưởng chi thu nhập tăng thêm ở mức 1,8 lần như trong Nghị quyết 54/2017 |
Sỹ Đông |
Nhiều cơ chế chưa mang lại hiệu quả
Thực tế triển khai Nghị quyết 54/2017 cho thấy phần lớn các cơ chế, chính sách chưa mang lại kết quả như mục tiêu ban đầu đặt ra. Về một số điểm sáng, HĐND TP.HCM đã thông qua 32 dự án có chuyển mục đích sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa với tổng diện tích 1.843 ha, thẩm quyền này trước đây thuộc về Thủ tướng. Thế nhưng, hầu hết dự án đều chậm tiến độ. UBND TP.HCM cho rằng cần khơi thông các tắc nghẽn về nguồn vốn đầu tư và các thủ tục về quy hoạch, đầu tư xây dựng.
Bên cạnh đó, TP.HCM cũng huy động được gần 14.200 tỉ đồng trong giai đoạn 2018 - 2022 thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để đầu tư cơ sở hạ tầng. Liên quan đến chính sách chi hỗ trợ tăng thêm, TP.HCM mới chỉ tăng từ 0,6 - 1,2 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của cán bộ, công chức chứ chưa đạt được mức 1,8 lần như trong nghị quyết.
Chưa kể, trong quá trình triển khai thì Quốc hội, Chính phủ ban hành luật, nghị định với nội dung cụ thể hóa cơ chế trong Nghị quyết 54 nên không còn tính đặc thù. Đơn cử như, HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách với tổng vốn đầu tư là 12.954 tỉ đồng. Đến năm 2019, luật Đầu tư công cho phép HĐND TP.HCM quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A nên UBND TP.HCM đề xuất không tiếp tục thực hiện cơ chế này.
Hay như cơ chế hưởng số thu từ thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước do UBND TP.HCM quản lý cũng không khả thi, vì hiện UBND TP.HCM không trực tiếp quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty TNHH hai thành viên trở lên và công ty cổ phần. Phần vốn này do các tổng công ty, công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con thuộc TP.HCM theo dõi, quản lý, và nguồn thu từ việc thoái vốn sẽ được hạch toán vào kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Do cơ chế này đã được luật hóa tại Nghị định số 148/2021 của Chính phủ, nên không còn tính đặc thù nữa.
Cần thay đổi tư duy
Giải trình việc nhiều cơ chế “vẫn nằm trên giấy”, UBND TP.HCM cho rằng có ý kiến khác nhau giữa các bộ, ngành; một số vấn đề mới, phức tạp, có tác động lớn, lâu dài nên khi triển khai cụ thể cần nghiên cứu kỹ. Đơn cử, hơn 4 năm qua, TP.HCM không được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc T.Ư đóng trên địa bàn sau khi trừ kinh phí di dời, xây dựng cơ sở vật chất tại địa điểm mới vì chưa có tài sản nào được bán đấu giá. Để đẩy nhanh tiến độ, UBND TP.HCM từng kiến nghị Thủ tướng và Bộ Tài chính cho phép thành phố được tổ chức bán đấu giá nhà đất của các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc T.Ư trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng kiến nghị này chưa phù hợp với Nghị định 151/2017; còn Văn phòng Chính phủ thì đề nghị TP.HCM thực hiện theo quy định về quản lý, sử dụng tài sản công.
Lý giải nhiều cơ chế chưa phát huy hiệu quả, PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, nhìn nhận về bản chất, Nghị quyết 54/2017 cố gắng đưa ra những cơ chế mới, chưa có trong pháp luật hiện hành để phù hợp hơn với quy mô, trình độ phát triển của TP.HCM nên mới gọi là “thí điểm cơ chế đặc thù”. Nghị quyết 54 cũng chỉ ra nguyên tắc: “Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội thì áp dụng quy định của nghị quyết này. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật khác có quy định cơ chế, chính sách ưu đãi hoặc thuận lợi hơn nghị quyết này thì việc áp dụng do HĐND TP.HCM quyết định”.
Thế nhưng, trong một số trường hợp, khi gặp vướng mắc, mâu thuẫn phát sinh giữa các quy định, TP.HCM thường gửi văn bản hỏi các bộ, ngành, và câu trả lời thường nhận được là thực hiện theo quy định hiện hành. “Như vậy các vướng mắc sẽ khó có thể được tháo gỡ, dẫn đến cơ chế đặc thù bị vô hiệu hóa”, TS Trần Hoàng Ngân nói và cho rằng nếu không thay đổi tư duy thì cơ chế đặc thù sẽ không phát huy hiệu quả đối với TP.HCM cũng như một số địa phương khác. Chuyên gia này cũng cho rằng cần chỉ ra các nội dung của nghị quyết đang chồng chéo, vướng mắc với quy định pháp luật hiện hành đối với từng lĩnh vực cụ thể để đề xuất điều chỉnh và xác định thẩm quyền giải quyết của từng cơ quan.
Bình luận (0)