Học chương trình 9+ sẽ được cấp giấy xác nhận hoàn thành chương trình THPT?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
23/06/2020 18:19 GMT+7

Số lượng học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề (chương trình 9+) đã tăng lên rõ rệt, nhưng đa số cha mẹ vẫn mong muốn con mình có được cả tấm bằng THPT sau khi tốt nghiệp trường nghề.

Vấn đề này được tập trung bàn luận trong Hội nghị Tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm năm 2020 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức tại TP.HCM sáng 23.6, với sự tham gia của đại diện hàng trăm trường CĐ, trung cấp và các Sở LĐ-TB-XH phía Nam.

99% phụ huynh muốn con có bằng tốt nghiệp THPT để vào ĐH?

Có mặt tại hội thảo, ông Nguyễn Hoàng Phong, Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ nghề Phú Yên, nêu ra vấn đề vướng mắc: “Trường chúng tôi tuyển sinh chương trình 9+ rất khó vì khảo sát số các em không đậu lớp 10 thì có đến 80% đăng ký học trung tâm giáo dục thường xuyên, chỉ 20% là muốn học nghề. Với phụ huynh thì có đến 99% muốn con học giáo dục thường xuyên để lấy bằng tốt nghiệp THPT, có cơ hội đi học ĐH. Trường có liên kết với trung tâm GDTX để đào tạo văn hóa cho các em học nghề, có tổng số 150 em chuẩn bị thi tốt nghiệp năm nay thì có đến 120 em đã nhận được giấy báo trúng tuyển vào ĐH! Vậy thì còn nguồn nào cho chúng tôi tuyển nữa?”.
Đây chính là nỗi khổ chung của rất nhiều trường CĐ, trung cấp khi nguồn tuyển từ đối tượng tốt nghiệp THPT đã gần như đóng lại vì ĐH mở rộng cánh cửa, nguồn tuyển từ đối tượng THCS lại gặp phải “rào cản tâm lý”.
Đại diện Sở LĐ-TB-XH Kiên Giang cho biết sở hằng năm vẫn phối hợp với Sở GD-ĐT để tổ chức hội nghị về phân luồng, cố gắng nâng tỷ lệ học sinh THCS học nghề lên, tuy nhiên, phải có lộ trình chứ không thể ngay lập tức thay đổi được tâm lý của phụ huynh và học sinh. Hiện tỉnh có khoảng 19-20% học sinh tốt nghiệp THCS vào học các trường CĐ và trung cấp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Vỹ, Giám đốc Trung tâm đào tạo và bồi dưỡng thường xuyên, Trường CĐ Kỹ thuật công nghệ Quy Nhơn, cho rằng tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, nguồn tuyển sẽ dồi dào hơn, ngay cả ở đối tượng tốt nghiệp THCS. “Tại Bình Định có khoảng 15% học sinh không đậu lớp 10 thì chủ yếu học GDTX, ít em nào chọn học nghề. Nếu phụ huynh nào muốn con vào trường nghề thì vấn đề đầu tiên đặt ra là học văn hóa trong trường nghề có được cấp bằng THPT không, nếu không là phụ huynh không đăng ký. Chức năng chính của trường nghề là đào tạo nghề chứ không được cấp bằng THPT, nên muốn vậy các trường CĐ, TC phải liên kết với trung tâm GDTX để đáp ứng nhu cầu này. Nhiều em lại muốn học nghề, không muốn học văn hóa nhưng chính ba mẹ lại muốn con phải có bằng THPT. Như vậy ngay giữa phụ huynh và con cái vẫn có độ "vênh" nhất định”.

Sẽ xác nhận việc hoàn thành chương trình phổ thông

Theo ông Thân Đức Hưởng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, nhận thức trong xã hội đã thay đổi rất nhiều nên đào tạo nghề đang ngày càng thu hút người học. Ông Hưởng nhìn nhận: “Học ĐH chưa chắc có thu nhập cao bằng người có tay nghề cao. Người tốt nghiệp ĐH có khi chỉ có mức lương 5-7 triệu đồng/tháng, trong khi một bếp trưởng không cần học ĐH, chỉ cần học trung cấp hay CĐ, vẫn có thu nhập 15 triệu đồng/tháng. Đó là một dấu hiệu đáng mừng”.
Vì thế ông Hưởng cho rằng việc học sinh tốt nghiệp THCS hay THPT có đi học nghề hay không chỉ còn là vấn đề thời gian, nếu như trường nghề đào tạo tốt, ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập không thua ĐH thậm chí cao hơn.
Đại diện Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng đã nêu ra kinh nghiệp tại địa phương mình. Theo đó, đầu học kỳ 2 Sở có văn bản gửi sở GD-ĐT đề nghị chỉ đạo các trường phổ thông tạo điều kiện cho các trường CĐ, TC đến tư vấn hướng nghiệp. Sở cũng in phiếu đăng ký xét tuyển gửi tới trường THCS, THPT trên địa bàn, đồng thời gửi mail chuyển thông tin về tuyển sinh cho các trường này. Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH Lâm Đồng cũng tổ chức hội nghị tuyển sinh trực tuyến mời tất cả các trường CĐ, trung cấp đến chia sẻ thông tin và phát trên đài truyền hình tỉnh cho học sinh, phụ huynh theo dõi.
Về vấn đề học chương trình văn hóa THPT khi tham gia chương trình 9+, ông Vu Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo Chính quy, thông tin: “Học trung cấp, nhất là các ngành kỹ thuật, các em không bắt buộc phải học văn hóa THPT vì nhiều doanh nghiệp chỉ cần có tay nghề. Tuy nhiên, nếu các em muốn học lên lên trình độ cao hơn, thì đăng ký học 4 môn nếu muốn học từ trung cấp lên CĐ và 7 môn nếu muốn tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đến nay Tổng cục đã hoàn thành Dự thảo thông tư quy định khối lượng văn hóa THPT cho học sinh tốt nghiệp THCS đi học nghề và quy trình xác nhận việc hoàn thành chương trình THPT này, để thay thế thông tư của Bộ GD-ĐT trước đó đã hết hiệu lực. Dự thảo này đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến chuyên gia. Sau khi thông tư được ban hành, chúng ta có quyền cấp giấy xác nhận cho người học đã hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông khi học chương trình 9+, điều đó có nghĩa các em hoàn toàn không gặp vướng mắc gì nếu muốn liên thông lên các trình độ cao hơn”.
Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết năm nay là năm thứ 4 hệ thống giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã có nhiều bước phát triển như lần đầu tiên Việt Nam đổi màu huy chương tại kỳ thi tay nghề thế giớ lần thứ 45 (Nga) khi thí sinh Việt nam giành 1 huy chương bạc và 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, xếp thứ 22/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự.
"Công tác tuyển sinh năm 2019 đạt 103,5% so với kế hoạch năm với 2.338.000 người, trong đó 568.000 vào CĐ, trung cấp. Năm 2019, triển khai thành công đào tạo thí điểm 12 chương trình đào tạo chuyển giao từ Úc, bắt đầu triển khai thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức. Điều đáng lưu ý là triển khai mô hình đào tạo trình độ CĐ cho đối tượng tốt nghiệp THCS (mô hình 9+) trong năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020 tháo gỡ phân luồng, thu hút ngày càng nhiều người học", ông Dũng chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.