Học để giúp người, trả ơn đời

17/08/2022 09:00 GMT+7

Cường, “cậu bé chăn bò mơ trở thành bác sĩ” được sự quan tâm của nhiều cá nhân tổ chức, đoàn thể cách đây tám năm (2014) đã trở thành hiện thực...

Hôm nay xin được chia sẻ câu chuyện về em Cường, hy vọng khích lệ động viên những em không may sinh ra trong hoàn cảnh nghèo khó đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình, hãy biến ước mơ thành hiện thực như Cường đã thực hiện.

Những ngày hè tháng 8.2014, cái nắng như đổ lửa bỗng trở nên dịu mát hơn bên trong ngôi nhà nhỏ ở thôn Đại Điền Tây, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa của cậu học trò Nguyễn Tự Cường, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh, Khánh Hòa) luôn đầy ắp tiếng cười, niềm vui cùng những lời chúc mừng của bà con xóm làng. Tin Cường “chăn bò” đỗ trường Đại học Y dược Huế với 25,25 điểm và đỗ thủ khoa Trường Cao đẳng Y tế Nha Trang (Khánh Hòa) 29,25 điểm và có tên trong danh sách 50 học sinh đạt điểm cao nhất trong toàn quốc kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014 không chỉ làm nức lòng bà con mà còn là niềm tự hào của gia đình, của nhà trường.
Cường sinh ra trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh rất khó khăn, gia đình thuộc hộ nghèo của xã, ba em lại thường xuyên đau ốm do căn bệnh hen luôn tái phát mỗi khi trái gió trở trời. Mẹ em hàng ngày cần mẫn cặm cụi đi bóc vỏ hạt điều thuê cho công ty chế biến hạt điều Diên Phú, Diên Khánh để kiếm tiền nuôi 3 con đang tuổi ăn học sau khi xong những ngày làm mùa. Nhà không có tài sản gì đáng giá ngoài 2 sào ruộng của Nhà nước cấp canh tác mỗi năm hai vụ nhưng không đủ để nuôi cả gia đình có 5 miệng ăn.

Biết bố mẹ vất vả, suy nghĩ làm sao để gia đình bớt khổ trong khi nhà mình không có khả năng mua bò để nuôi như một số gia đình khác trong xóm đã thoát được nghèo nhờ chăn nuôi bò, Cường đề nghị ba mẹ nhận bò về chăn thuê để kiếm thêm thu nhập, có tiền đóng học phí. Thế là gia đình nhận bò về nuôi, từ đây mỗi ngày sau khi đi học về, Cường làm việc nhà giúp mẹ, kèm 2 đứa em học xong đi bộ mấy cây số để cắt cỏ gánh về cho bò ăn. Với công việc chăn bò thuê này, Cường được chủ bò trả 300.000 đồng/tháng, tuy ít nhưng đó là số tiền giúp Cường mua sách vở, đóng học phí nuôi giấc mơ vào đại học.

Cường - cậu bé chăn bò nuôi ước mơ trở thành bác sĩ

tác giả cung cấp

Việc cắt cỏ nuôi bò không hề dễ dàng chút nào, Cường phải đi khắp những cánh đồng trong xã tìm ven ở những bờ ruộng cao may ra mới có ít cỏ còn sót lại, bởi bây giờ nông dân canh tác thường dùng nhiều loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ nên rất khó để tìm cỏ tươi. Mùa nắng thì cỏ chết khô, mùa mưa thì cỏ chết úng nên Cường phải len lỏi vào những vùng đồi núi để lấy lá cây làm thức ăn thay cỏ cho bò, nhiều lúc bụng đói cồn cào vì phải đi cắt cỏ xa nhà mỗi khi nhà chưa có tiền đong gạo.
Nếu bò nuôi không lớn, chậm tăng cân thì chủ bò thu hồi lại hoặc không thanh toán tiền hàng tháng.

Ở làng quê nghèo Diên Sơn, nhiều học sinh chỉ học hết cấp 2 là nghỉ học. Vì vậy, cậu học trò nghèo ham học và học giỏi như Cường là hiếm thấy. Không có tiền học thêm như bạn bè để bước vào cổng trường đại học nên Cường tự học là chính, học ở bạn bè và học trên lớp. Cứ đều đặn mỗi tối, sau khi hoàn tất các công việc trong nhà, Cường tập trung vào sách vở, bài tập cho buổi học ngày mai và học đến tận 1 - 2 giờ sáng. Nhờ chăm chỉ, cầu tiến, suốt 12 năm liền Cường đều là học sinh giỏi. Năm lớp 12, Cường đạt giải nhì môn Hóa kỳ trong thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Cường còn là lớp phó gương mẫu của lớp 12C1 Trường THPT Hoàng Hoa Thám.

Chia sẻ về hoàn cảnh của cậu học trò nghèo trong lớp 12C1, cô Huỳnh Thị Mai, giáo viên chủ nhiệm lớp nói: “Cường vốn ít nói, lại mặc cảm về hoàn cảnh nghèo khó của mình nên trong lớp ít giao tiếp với các bạn. Tuy nhiên, em lại là người rất có trách nhiệm với công việc được giao. Sức khỏe Cường khá yếu do ăn uống không đầy đủ. Nhiều hôm em đến trường nhưng bụng cồn cào vì gia đình không còn gạo để nấu cơm. Trong lớp tôi còn nhiều em có hoàn cảnh khó khăn như Cường nhưng tôi rất tự hào vì các em biết vượt qua khó khăn để vươn lên trong học tập. Lớp tôi có 43 học sinh nhưng đã có 42 em đỗ đại học, còn một em đang chờ giấy báo”.

Tuy đăng ký thi ngành sư phạm để mong được giảm bớt chi phí học tập và được miễn học phí nhưng Cường cho biết ước mơ lớn nhất trong đời em là được làm bác sĩ, nên Cường cũng đăng ký thi vào trường Đại học y dược Huế. Cường nói: “Em ước mơ trở thành bác sĩ và có một tiệm thuốc từ thiện để giúp những người nghèo không có tiền chữa bệnh như ba em”. Bên cạnh niềm vui con đỗ đại học Y dược Huế, sự lo lắng cũng hiện lên trên khuôn mặt của bà Liên - mẹ Cường. Bà nghẹn ngào: “Con đỗ đại học tôi vui và tự hào lắm, vợ chồng tôi chỉ học hết lớp 5 rồi nghỉ học cũng vì cái nghèo đeo bám, nhưng từ khi có tin vui Cường đỗ đại học, trong lòng tôi lo lắng vô cùng, làm gì để kiếm tiền cho con ăn học mấy năm đại học?”.

Chia sẻ khó khăn của gia đình, Cường nói: “em sẽ vừa học vừa làm thêm để ba mẹ đỡ lo tiền bạc dù biết như vậy ảnh hưởng đến việc học nhưng sẽ quyết tâm đạt được kết quả học tập tốt dẫu biết rằng con đường phía trước còn lắm chông gai”. Với ý chí quyết tâm, nghị lực vươn lên, Cường đã nhận được học bổng sinh viên học giỏi, giúp gia đình bớt lo tiền đóng học phí và điều Cường không thể quyên đó là trong suốt 6 năm học đại học Y dược Huế (2014-2020), Cường được Hội khuyến học tỉnh Khánh Hòa cấp học bổng 2 triệu/ học kì động viên, tiếp thêm nghị lực vươn lên trong học tập. Ngoài ra Cường cũng được Hiệp Hội giúp đỡ Việt Nam (Help for Viet Nam) văn phòng tại 72A, Hoàng Văn Thụ, Nha Trang, Khánh Hòa trợ cấp 6 triệu/ học kì trong sáu năm học đại học với tổng số tiền là 72 triệu đồng. Hiệp hội cũng tiếp tục trao học bổng cho Cường trong thời gian đang theo học bác sĩ nội trú 3 năm (2020-2023).

Với sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân nên Cường có thêm tiền để đóng học phí, chí phí học tập, sinh hoạt, đây cũng là điều may mắn cho riêng Cường vì vậy Cường càng nổ lực vươn lên trong học tập, hoàn thành chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa. Sau sáu năm miệt mài đèn sách (2014-2020) Cường đã tốt nghiệp đại học y dược Huế và rồi Cường đã đăng ký thi đậu vào chuyên ngành bác sỹ nội trú Đại học y dược Huế, hiện Cường đang học năm thứ hai bác sĩ nội trú. Có người hỏi Cường: “Sao tốt nghiệp bác sĩ rồi không đi làm để giúp đỡ gia đình”? Cường nói: “Em cũng muốn đi làm để giúp cải thiện cuộc sống gia đình, giúp khám chữa bệnh cho những người nghèo và để cảm ơn những người đã giúp mình trong những tháng năm qua nhưng em nghĩ là bác sĩ cần phải rèn luyện có chuyên môn sâu hơn để cứu chữa bệnh nhân được tốt hơn sau này nên chưa vội xin việc đi làm”.

Vào những ngày chủ nhật, lễ có không ít người dân đến phòng trọ của Cường ở, Lô C3, Khu Đồng Bàu Vá, đường Bùi Thị Xuân, thành phố Huế để được Cường khám bệnh, từ em bé ho, nóng sốt, đến những cụ già đau nhức xương khớp…, tất cả những người dân đến đây đều được Cường khám bệnh miễn phí. Có cô chú muốn gửi tiền công khám bệnh để phụ giúp Cường trả tiền trọ nhưng Cường nhất quyết từ chối, Cường chia sẻ: “Con còn đi học tranh thủ thời gian nghỉ khám bệnh giúp cô chú, bác ở gần xung quanh đây để có thêm kiến thức thực tế chứ không phải lập phòng khám để khám bệnh lấy tiền”. Có thể nói đây là việc làm thiện nguyện của Cường giúp người dân nơi đây bớt đi phần nào gánh nặng vì bệnh tật và cũng là để trả ơn cho đời đã cưu mang Cường trong những tháng năm dài theo học bác sỹ thật đáng quý và trân trọng tấm lòng của Cường biết bao.

Câu chuyện của em Cường, một buổi đi học một buổi chăn bò mơ làm bác sỹ trở thành hiện thực đã minh chứng một điều để ước mơ không chỉ là mơ ước, cần phải có ý chí quyết tâm, nghị lực… vượt qua, bởi cuộc sống con người như một dòng sông trước khi đổ ra biển, đại dương phải trải qua bao thác ghềnh. Câu chuyện về Cường, một tấm gương vượt khó truyền thêm nghị lực cho nhiều học sinh vươn lên, vượt qua nghịch cảnh trong cuộc sống, thật nhiều cảm xúc chính vì vậy Cường đã được sự tiếp sức từ chương trình “Bạn tôi người vượt khó” của Báo Tuổi trẻ tài trợ số tiền 5 triệu đồng sau khi trở thành tân sinh viên trường đại học Y dược Huế.

Tuy hiện còn đang học chương trình bác sĩ nội trú với áp lực đòi hỏi chuyên môn sâu về thực hành nhưng Cường vẫn sắp xếp thời gian tình nguyện làm việc tại bệnh viện đại học y dược Huế để rèn luyện chuyên môn nâng cao tay nghề và phần nào giúp đỡ những bệnh nhân vượt qua nỗi đau bệnh tật, đem lại nụ cười cho bệnh nhân cũng là hạnh phúc riêng của bản thân mình – Cường tâm sự. Hy vọng một ngày không xa cậu bé chăn bò – bác sĩ Cường với đôi bàn tay, trái tim và khối óc của mình sẽ cứu giúp được cho nhiều người thoát khỏi khổ đau vì bệnh tật và cũng là để trả ơn cho đời đã cưu mang Cường được như ngày hôm nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.